Bộ Tài chính dự báo hai kịch bản giá heo, dự kiến tăng cao |
Trong báo cáo về kịch bản giá cả hàng hóa những tháng cuối năm vừa công bố, Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản cho biết giá thịt heo được Bộ Tài Chính dự báo tăng cao.
Trong đó có hai kịch bản gồm giá thịt heo tăng thêm 10% hoặc 15%. Với các kịch bản này, giá heo hơi dự báo những tháng cuối năm tăng lên 68.000-70.000 đồng một kg. Sở Công Thương TP HCM cho rằng mức giá này tăng không quá đột biến so với những năm trước.
Trước đó, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, nguồn cung cho thị trường trong nước dồi dào nhờ 16 doanh nghiệp chăn nuôi heo lớn (đang chiếm tỷ trọng gần 50%) giữ được đà tăng trưởng tốt. Tại các nông hộ cả nước đang duy trì tổng đàn heo với số lượng trên 28 triệu con... Do đó, từ nay đến Tết Nguyên đán 2023 không có nguy cơ thiếu thịt heo, nguồn cung thực phẩm sẽ được đảm bảo.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với giá heo hơi biến động thất thường như hiện nay, người chăn nuôi khó có thể tái đàn với số lượng lớn. Vì vậy, giá thịt heo Tết Nguyên Đán có thể tăng cao hơn so với hai kịch bản trên.
Ông Hòa, chủ trại chăn nuôi ở Đồng Nai cho rằng giá heo đang xuống thấp mà giá thức ăn chăn nuôi giảm không đáng kể nên đợt xuất heo của gia đình ông cuối tháng 10 đang gánh lỗ. "Đợt tái đàn này, gia đình tôi giảm 30% so với trước", ông nói.
Tương tự, ông Giàu, thương lái ở Long An cho biết lượng heo tái đàn cho dịp Tết Nguyên Đán của gia đình ông giảm 20% so với trước vì không có lãi.
Theo đánh giá của Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, giá heo hơi đột ngột giảm sâu vẫn đang khiến doanh nghiệp hầu như không xuất bán được con giống và các trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng e ngại trong việc tái đàn, tăng đàn vì sợ thua lỗ.
Trước lo ngại về tái đàn giảm khi giá heo hơi xuống thấp, các địa phương như Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương... cho biết đang rà soát lại số lượng đàn vật nuôi để có kế hoạch tái đàn, tăng đàn đối với các đối tượng vật nuôi phù hợp nhằm bình ổn nguồn cung cho những tháng cuối năm nay.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản cũng vừa đề nghị các địa phương đánh giá cụ thể tình hình chăn nuôi, nhập khẩu và cân đối cung cầu các mặt hàng thịt heo, gia cầm, gia súc phục vụ nhu cầu trong nước.
Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với thức ăn chăn nuôi sản phẩm cung ứng ra thị trường với mức giá hợp lý.
Trong một diễn biến khác, tính từ cuối năm 2020 đến nay, giá các mặt hàng thức ăn chăn nuôi trong nước đã tăng tới 17 lần và chưa giảm lần nào. Tình trạng thức ăn chăn nuôi tăng giá phi mã khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Mọi chi phí sản xuất đều tăng, trong khi giá bán sản phẩm thì không tăng, thậm chí có thời điểm giảm dưới giá thành, cộng thêm các loại dịch bệnh đe dọa nên nhiều hộ chăn nuôi bị thua lỗ, phải treo chuồng.
Tọa đàm trực tuyến Xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, góp phần phát triển ngành chăn nuôi bền vững sáng 28/10, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết, thức ăn chăn nuôi đóng vai trò quan trọng, chiếm 65-70% chi phí sản xuất.
Tuy nhiên, giá thức ăn tăng phi mã đã khiến người chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản gặp rất nhiều khó khăn, thua lỗ do chi phí tăng lên, ông nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y Hà Nội cũng thừa nhận, biến động về mặt giá, người chăn nuôi không tính được đầu vào, đầu ra nên bà con bị động, không tính toán được công việc.
Hiện, giá heo hơi của Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với các quốc gia láng giềng. Trong đó, giá heo hơi tại Trung Quốc tăng liên tục. Ngày 1/11, giá heo nước này lên 91.000 đồng một kg, tăng 11.000 đồng so với đầu tháng 8. Giá tăng cao khiến chính quyền Trung Quốc phải mở kho dự trữ quốc gia để đưa thịt đông lạnh ra thị trường, đảm bảo nguồn cung cho những ngày lễ. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh doanh thịt heo tại Trung Quốc cảnh báo việc xả kho lạnh cũng không giúp nhiều cho việc hạ nhiệt đà tăng giá mặt hàng này. |