Nuôi lợn bằng thức ăn lên men lỏng giúp người chăn nuôi giảm chi phí tăng lợi nhuận. |
Giảm chi phí thức ăn để gỡ khó cho người nuôi lợn
Tỉnh Quảng Ninh có khoảng 38.000 cơ sở chăn nuôi, trong đó 403 trang trại, số còn lại là chăn nuôi nông hộ. Riêng lĩnh vực chăn nuôi lợn, trên địa bàn tỉnh có 255 trang trại và gần 17.000 nông hộ.
Trước áp lực về chi phí thức ăn tác động lớn đến hiệu suất, hiệu quả, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh đã khuyến cáo người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ động chuyển đổi, tận dụng các nguồn thức ăn sẵn có, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp tại địa phương.
Ngoài ra, người chăn nuôi có thể mua các loại thức ăn đậm đặc để phối trộn với nguyên liệu sẵn có nhằm giảm giá thành thức ăn chăn nuôi hoặc ngâm ủ ngũ cốc để tăng hàm lượng dinh dưỡng, tăng khả năng hấp thu của gia súc.
Ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh cho biết, một trong những phương pháp chăn nuôi vừa tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương, giảm chi phí chăn nuôi, mà vật nuôi lại hấp thu thức ăn hiệu quả, tạo sản phẩm thịt sạch, thơm ngon, giảm mùi hôi chuồng trại, đó chính là phương pháp ngâm ngũ cốc lên men lỏng tự nhiên.
Một số hộ chăn nuôi lợn đã áp dụng phương pháp ngâm ngũ cốc lên men lỏng tự nhiên làm thức ăn. |
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trong hạt ngũ cốc có sẵn các men nội sinh, khi hỗn hợp ngũ cốc được ngâm trong nước ở nhiệt độ từ 20 độ C trở lên, thời gian từ 6 - 8 tiếng sẽ kích hoạt hệ thống men nội sinh (tên gọi là Enzyme amylaza) hoạt động.
Dưới tác dụng của men, tinh bột bị thủy phân do các liên kết Glucoside bị phân cắt. Sự thủy phân tinh bột được xảy ra phản ứng dịch hóa và đường hóa. Kết quả dịch hóa tạo ra sản phẩm trung gian là Dextrin. Dextrin tiếp tục đường hóa tạo ra đường đơn Mantose, Glucose. Sau đó, chúng được hấp thu dễ dàng khi vào đường tiêu hóa vật nuôi.
Đồng thời, trong quá trình ngâm men lỏng, một phần đường đơn sẽ tiếp tục chuyển hóa thành axit lactic có tác dụng làm giảm pH của khối thức ăn, tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật có ích phát triển, kìm hãm sự phát triển hệ vi sinh vật có hại gây bệnh trong đường ruột. Từ nguyên lý trên, các chuyên gia đã nghiên cứu và ứng dụng để thực hiện phương pháp ngâm ngũ cốc (cám gạo, bột bắp) lên men lỏng.
Quy trình tạo thức ăn lên men lỏng dễ áp dụng
Được biết, người chăn nuôi có thể dễ dàng áp dụng quy trình này. Theo đó, bà con cần chuẩn bị dụng cụ để chứa thức ăn chăn nuôi như thùng, phuy nhựa. Hỗn hợp ngũ cốc sẵn có (như bột bắp, bột cám gạo) và thức ăn đậm đặc hay bà con có thể mua bột cá, premix (hỗn hợp vitamin và các khoáng chất) thay thế cho cám đậm đặc.
Người dân đem ngâm hỗn hợp bột ngũ cốc và nước theo tỷ lệ 1 hỗn hợp ngũ cốc với 2,5 - 3 lít nước cho vào thùng chứa, đậy nắp lại để ở nhiệt độ môi trường bình thường. Sau khoảng thời gian ngâm từ 4 - 6 tiếng, thấy xuất hiện lớp bọt trắng ở trên mặt, có mùi thơm, chua nhẹ, bà con chăn nuôi bổ sung thức ăn bột cá, premix hoặc thức ăn đậm đặc của các công ty thức ăn chăn nuôi trộn vào cùng đổ cho lợn ăn. Ví dụ sáng 9 giờ chúng ta ngâm ngũ cốc, chiều 3 giờ cho lợn ăn. Tối 19 - 20 giờ ngâm ngũ cốc, sáng hôm sau cho lợn ăn.
Sử dụng thức ăn lên men lỏng cho đàn lợn vừa giảm chi phí chăn nuôi, mà vật nuôi lại hấp thu thức ăn hiệu quả. |
Quy trình ngâm ngũ cốc lên men lỏng như sau: Chuẩn bị dụng cụ: cân, phi nhựa, thùng, vại hoặc bể lên men, nước sạch, thanh đảo thức ăn và ngũ cốc đã được nghiền nhỏ. Nguyên liệu: hỗn hợp ngũ cốc (bột ngô, cám gạo, …)
Ngâm hỗn hợp bột ngô, cám theo tỷ lệ 1 kg bột ngũ cốc với 2,5 - 3 lít nước sạch đổ vào bể hoặc thùng lên men, dùng thanh đảo thức ăn đảo đều để cho bột ngũ cốc ướt đều, sau đó đậy kín nắp thùng hoặc bể lại. Luôn đảm bảo thức ăn ngâm trên 200C với thời gian ngâm từ 6 - 8 giờ tùy theo nhiệt độ môi trường, sau đó trộn thức ăn đã lên men với thức ăn đậm đặc theo đúng hướng dẫn trên bao bì rồi cho lợn ăn.
Bà con lưu ý: Những ngày nhiệt độ dưới 200C nên dùng nước nóng khoảng 400C ngâm theo tỷ lệ 1 kg bột : 1 lít nước, sau 6 - 8 tiếng hoà thêm nước nóng để đạt tỷ lệ 1 kg hỗn hợp bột : 2,5 - 3 lít nước rồi phối trộn đậm đặc theo hướng dẫn trên cho lợn ăn. Ngày hè, nhiệt độ trên 30 độ C chỉ cần ngâm từ 4 – 6 tiếng theo tỷ lệ 1 hỗn hợp bột : 3 lít nước, sau đó trộn đậm đặc cho lợn ăn. Sau khi ngâm 6- 8 thấy xuất hiện lớp bọt trắng ở trên mặt, có mùi thơm, chua nhẹ.
Nhiều người có kinh nghiệm thường sáng 9h ngâm ngũ cốc, chiều 3h cho lợn ăn. Tối 6-7h ngâm ngũ cốc, sáng hôm sau cho lợn ăn. Nếu cho ăn ngày 3 bữa phải điều chỉnh thời điểm ngâm cho phù hợp.
Theo ông Trần Xuân Đông, ban đầu khi mới cho ăn, bà con không nên thay đổi đột ngột, phải có thời gian chuyển đổi dần từ thức ăn cũ sang thức ăn ngâm men lỏng, đậm đặc để tránh dẫn đến rối loạn tiêu hóa ở vật nuôi. Theo đó, cần thời gian chuyển đổi trong 4 ngày để lợn quen dần thức ăn.
Cụ thể, ngày thứ nhất áp dụng 75% lượng thức ăn cũ và 25% thức ăn mới dạng lên men. Ngày thứ hai 50% lượng thức ăn cũ và 50% thức ăn mới dạng lên men. Ngày thứ ba áp dụng 25% lượng thức ăn cũ và 75% thức ăn mới dạng lên men. Đến ngày thứ tư sử dụng 100% thức ăn mới dạng lên men.
Nhiều chuyên gia dự báo giá các loại thức ăn chăn nuôi tiếp tục giữ ở mức cao trong thời gian tới, người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn và có nguy cơ thua lỗ nhất là trong chăn nuôi lợn ở nông hộ, trang trại nhỏ do thức ăn chiếm tới 70% chi phí đầu vào, là yếu tố chính quyết định chất lượng, giá thành sản phẩm.
Hiện nay, nhiều địa phương áp dụng mô hình này như: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định… các hộ chăn nuôi nhận thấy cho thấy nó có tính ưu việt như sau: Giảm chi phí giá thành sản phẩm (FCR thấp hơn, chi phí cho một kg thức ăn giảm); Nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi; Tăng khả năng sử dụng thức ăn; Tăng chất lượng thịt ( thịt thơm, ngon); Giảm tiêu chảy ở lợn con sau cai sữa ( do thức ăn làm giảm PH đường ruột, tăng hoạt động của vi khuẩn có lợi); Giảm mùi hôi chuồng trại… Đồng thời, khả năng áp dụng của phương pháp “Ngâm ngũ cốc lên men lỏng” đơn giản, dễ thực hiện; lại tận dụng được nguồn thức ăn hiệu quả của địa phương giảm chi phí giá thành, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Do vậy, các mô hình chăn nuôi lợn qui mô nhỏ, có hệ thống máng tại các địa phương nên áp dụng nhất là trong thời điểm hiện nay để chăn nuôi hiệu quả cao hơn. Nuôi lợn bằng thức ăn lên men lỏng có mức tiêu thụ thức ăn thấp hơn so với lợn nuôi bằng thức ăn công nghiệp từ 5 - 10%, giúp các hộ dân giảm chi phí thức ăn/1 kg tăng trọng từ 10 - 20%, tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có, các phụ phẩm nông nghiệp, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường./.