Cây ba chạc
Cây ba chạc hay còn gọi là dấu dầu ba lá, dấu dầu háo ẩm, chè đắng, chè cỏ, có tên khoa học là Melicope pteleifolia, thuộc loài thực vật có hoa trong họ Cửu lý hương.
Cây ba chạc hay còn gọi cây chè đắng
Ba chạc là loại cây nhỡ cao từ 2 – 8m, có nhánh màu đỏ tro. Lá có 3 lá chét nguyên. Hoa mọc thành cụm ở nách các lá và ngắn hơn lá. Quả hình nang, mọc thành cụm thưa, có từ 1 – 4 hạch nhẵn, nhăn nheo ở cạnh ngoài. Cây ba chạc thường ra hoa vào tháng 4 – 5, ra quả vào tháng 6 – 7.
Loại cây này mọc hoang ở nhiều nơi, từ trên các đồi cây bụi, bìa rừng thưa, vùng đất núi cho đến vùng đồng bằng. Bộ phận dùng làm thuốc của cây là lá, cành, thân và rễ. Thông thường, người ta thu rễ và lá cây ba chạc mang về rửa sạch thái nhỏ và phơi khô ngoài nắng. Lá có thể sấy khô hoặc phơi trong bóng râm đều được.
Cây ba chạc và những hữu ích chữa bệnh dân gian
Nghiên cứu hiện đại cho thấy, rễ ba chạc chứa alcaloid, lá có tinh dầu thơm nhẹ. Tuy nhiên, nói về tác dụng của cây ba chạc thì phần lớn vẫn dựa vào các bài thuốc dân gian.
Theo y học cổ truyền, ba chạc có tác dụng thanh nhiệt, chống ngứa, giảm đau... Lá và cành tươi nấu với nước có thể giúp rửa vết thương, lở loét, chốc đầu, giúp chữa mẩn ngứa, ghẻ lở... Thân và rể ba chạc phơi khô được dùng làm thuốc bổ đắng, ăn ngon, dễ tiêu, điều hòa kinh nguyệt.
Một số bài thuốc dân gian từ cây ba chạc bạn có thể tham khảo
Thuốc tắm, rửa vết loét
Hái khoảng 50 – 100g lá to cả cành non cây ba chạc, để tươi, rửa sạch, đun sôi với 4 - 5 lít nước trong 30 phút đến 1 giờ. Chờ cho nước ấm, dùng để tắm, sau đó lấy bã chà xát vào các nốt ngứa ghẻ. Mỗi ngày tắm một lần cho đến khi khỏi.
Phụ nữ sau sinh
Dùng rễ ba chạc 10g, sắc uống thay trà hàng ngày. Bài thuốc tốt cho phụ nữ sau sinh có tác dụng giúp ăn ngon, dễ tiêu, bồi bổ sức khỏe.
Chữa tê thấp, xương khớp đau nhức
Lá ba chạc tươi, lá tầm gửi cây sau sau, mỗi thứ một nắm, rửa sạch, giã nát băng đắp vào chỗ đau nhức. Ngày đắp 1 lần, trong vòng 7 - 10 ngày. Có thể kết hợp thuốc uống với bài thuốc: Thiên niên kiện 12g, rễ bưởi bung 10g, quả dành dành 8g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô ngâm với 1 lít rượu 30 - 40 độ, để càng lâu càng tốt. Ngày uống 2 lần, mỗi lần một chén nhỏ.
Dự phòng nhiễm cảm cúm
Ba chạc 15g, rau má 30g, đơn buốt 15g, cúc chỉ thiên 15g. Cho các dược liệu vào nồi cùng 6 chén nước, sắc nhỏ lửa trong 30 phút, còn 3 chén nước thuốc. Ngày uống 2 lần, dùng trong 1 tuần.
Điều hòa kinh nguyệt
Rễ ba chạc 12g, cho vào ấm đổ khoảng 6 chén nước, sắc còn 3 chén nước thuốc. Chia ra thành 3 lần uống trong ngày. Uống trước chu kỳ kinh nguyệt 15 ngày.
Như vậy, cho đến hiện tại các tác dụng của cây ba chạc vẫn còn đang giới hạn trong y học cổ truyền và dân gian, không có quá nhiều nghiên cứu hiện đại về thành phần cũng như tác dụng của loại cây này. Vì thế, trước khi sử dụng bạn vẫn nên tham khảo ý kiến thầy thuốc để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Diệp Bắc