Việt Nam chi 3,65 tỷ USD nhập khẩu thức ăn gia súc Mỗi tấn cám gạo mang lại 2.000 – 3.000 USD, Việt Nam đang lãng phí khi chỉ dùng chăn nuôi |
Việt Nam cần khoảng 32 triệu tấn nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi. |
Mỗi năm cần 32 triệu tấn nguyên liệu
Theo khảo sát của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 269 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) của Việt Nam cần khoảng 32 triệu tấn nguyên liệu, nhưng nguồn cung trong nước mới đáp ứng khoảng 35%, số còn lại phải nhập khẩu.
Tính từ cuối năm 2020 đến nay, giá các mặt hàng TACN trong nước đã tăng tới 17 lần và chưa giảm lần nào, khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Dự báo, giá TACN tăng liên tiếp không giảm sẽ dẫn đến hệ luỵ cuối năm nay, giá thịt lợn có thể tăng khoảng 10-15%.
Theo con số thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu và TACN về Việt Nam trong 9 tháng năm 2022 đã đạt gần 4,07 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Trước đó, năm 2021, Việt Nam cũng đã chi tới gần 5 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu và TACN. Điều đáng nói là do giá nhập nguyên liệu TACN tăng cao, khâu vận chuyển bị đứt gãy do dịch COVID-19 và chiến sự Nga – Ukraine nên giá thành sản phẩm chăn nuôi liên tục tăng mạnh. Tính từ cuối năm 2020 đến nay, giá các mặt hàng TACN trong nước đã tăng tới 17 lần và chưa giảm lần nào, khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn.
Năm 2021, Việt Nam cũng đã chi tới gần 5 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu và TACN. |
Mặt bằng giá tiếp tục biến động
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nhận định, những tháng cuối năm có nhiều yếu tố tác động đến mặt bằng giá như xung đột tại Ukraine, chính sách Zero COVID của Trung Quốc, lạm phát tăng cao ở Mỹ, châu Âu và nhiều nước trên thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, nguy cơ mất ổn định an ninh năng lượng, an ninh lương thực... Ngoài ra, giá xăng dầu tiếp tục được dự báo diễn biến phức tạp do những biến động của các yếu tố chính trị và kinh tế.
"Đồng USD tiếp tục tăng giá làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Các yếu tố này dẫn đến chi phí logistic tăng, tác động đến giá cả hàng hóa thế giới, hoạt động xuất nhập khẩu và gây sức ép lên mặt bằng giá trong nước", Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định.
Trong báo cáo về kịch bản giá cả hàng hóa những tháng cuối năm của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản vừa công bố cho biết, giá thịt lợn được Bộ Tài chính dự báo tăng cao. Trong đó có 2 kịch bản gồm giá thịt lợn tăng thêm 10% hoặc 15%.
Với các kịch bản này, giá lợn hơi được dự báo tăng lên 68.000 - 70.000 đồng/kg trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trước tình hình giá lợn hơi biến động thất thường như hiện nay, người chăn nuôi khó có thể tái đàn với số lượng lớn. Vì vậy, giá thịt lợn dịp Tết Nguyên đán có thể tăng cao hơn so với 2 kịch bản trên.
Trước dự báo trên, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng vừa đề nghị các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với TACN sản phẩm cung ứng ra thị trường với mức giá hợp lý. Bộ NN&PTNT cũng mới gửi văn bản đến Bộ Tài chính đề nghị bộ này kiến nghị Chính phủ giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% trong bối cảnh ngành chăn nuôi trong nước đang gặp khó khăn.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là biện pháp trước mắt. Về lâu dài, làm thế nào để chủ động nguồn nguyên liệu TACN mới là giải pháp căn cơ, chiến lược.
TACN là một vấn đề lớn, bởi đang chiếm khoảng 65-70% tổng chi phí sản xuất. |
Không chủ động nguyên liệu khó kiểm soát giá thức ăn
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh cho biết, TACN là một vấn đề lớn, bởi đang chiếm khoảng 65-70% tổng chi phí sản xuất. Theo khảo sát của Cục Chăn nuôi, 269 nhà máy sản xuất TACN của Việt Nam cần khoảng 32 triệu tấn nguyên liệu, nhưng nguồn cung trong nước mới đáp ứng khoảng 35%.
"Hiện nước ta chuyển dịch từ chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn. Cộng thêm vấn đề về thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu, nhu cầu về thức ăn công nghiệp rõ ràng là rất lớn", ông Chinh chia sẻ. Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh đề xuất phương án tập trung sản xuất những mặt hàng mà Việt Nam có sức cạnh tranh.
"Chúng ta không thể để tình trạng xuất khẩu 3 tỷ USD lúa gạo nhưng lại nhập khẩu 6 tỷ USD thức ăn chăn nuôi kéo dài. Muốn vậy, bên cạnh chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh cơ giới hóa, người dân còn cần liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để xây dựng các chuỗi", ông Chính phân tích. Với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, lãnh đạo Cục Chăn nuôi khuyến nghị, nếu trồng ngô để giải quyết một phần vấn đề TACN, người dân nên chọn những giống ngô lai chuyển gen có năng suất tốt và kháng bệnh.
giá thức ăn chăn nuôi tăng cao sẽ gây khó khăn cho người chăn nuôi. |
Ở quy mô nông hộ, ông Tống Xuân Chinh khuyên bà con có thể tận dụng phụ phẩm từ trồng trọt để làm TACN. Khuyến khích bà con tăng cường nuôi các con bản địa, con đặc sản để giảm thức ăn công nghiệp, tăng cường thức ăn thô xanh...
Ngành chế biến thức ăn chăn nuôi Việt Nam đang phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Trước diễn biến thị trường cuối năm, giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn những bất thường. Điều này sẽ gây khó khăn cho người chăn nuôi. Giá thực phẩm, đặc biệt là thịt heo vẫn suy giảm nếu giá thức ăn vẫn tăng, người chăn nuôi sẽ càng lún sâu vào thua lỗ./.