Ai đó đã ví von như vậy để nói về tầm quan trọng của dữ liệu nói chung và dữ liệu cá nhân nói riêng trong nền kinh tế số. Sự phát triển của kinh tế số cũng đang dẫn dắt thế giới với những bước đi nhanh như vũ bão. Tuy nhiên, tại mỗi quốc gia, khái niệm có sự khác nhau.
Vậy hiểu thế nào cho đúng về dữ liệu, thông tin cá nhân? Luật sư Nguyễn Tiến Lập đưa ra những định nghĩa của Bộ Thương mại Mỹ là những thông tin có thể sử dụng phân biệt hay nhận dạng một cá nhân như tên, số an sinh xã hội, hồ sơ sinh trắc,... nói riêng. Hoặc khi kết hợp với các thông tin cá nhân hay thông tin nhận dạng khác liên quan hoặc có thể liên quan với một người cụ thể như ngày và nơi sinh, tên khai sinh của mẹ. Hay như tại châu Âu, định nghĩa dữ liệu cá nhân được hiểu là bất cứ thông tin gì liên quan đến một thể nhân được nhận dạng (chủ thể). Một thể nhân có thể được nhận dạng là người có thể được nhận dạng trực tiếp hay gián tiếp bằng việc tham chiếu số định danh hay một hoặc các yếu tố riêng về vật lý, sinh lý, tâm thần, kinh tế, văn hóa và xã hội.
Ở cấp độ cao hơn, còn có “dữ liệu, thông tin nhạy cảm”. Tại Mỹ là những dữ liệu về y tế, giáo dục, tài chính và công việc, được cho rằng nếu tiết lộ sẽ có thể dẫn đến những lạm dụng, tấn công và gây thiệt hại cho người có liên quan.
Với cách tiếp cận như vậy, dữ liệu nói chung và dữ liệu cá nhân nói riêng có sự phức tạp, tinh vi, nhạy cảm trong sự tương tác giữa con người với nhau trong kỷ nguyên số và internet.
Tại Việt Nam, ngày 3/6/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đề xuất một chiến lược phát triển toàn diện bao gồm Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đánh giá từ Hội truyền thông số Việt Nam (IPS) cho rằng, Quyết định này khẳng định tầm quan trọng của dữ liệu số là “ tài sản, tài nguyên, điều kiện tiên quyết cho chuyển đổi số”.
Phó Chủ tịch IPS Nguyễn Xuân Cường cho biết: Chương trình chuyển đổi số quốc gia xem bảo vệ thông tin và dữ liệu cá nhân như một nguyên tắc trụ cột cho thấy, tầm nhìn và quyết tâm lớn của Chính phủ trong thúc đẩy nề kinh tế số Việt Nam phát triển bền vững.
Chưa bao giờ vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư được đề cập mọi lúc mọi nơi như hiện nay. Ảnh: Kim Thanh
Bảo vệ quyền riêng tư
Vừa phát triển kinh tế số vừa bảo vệ quyền riêng tư ở Việt Nam đang là đòi hỏi cấp thiết. Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập, các quy định vừa thiếu hụt vừa tản mát trong nhiều văn bản. Hiện có 17 Luật, Nghị định điều chỉnh vấn đề này nhưng hầu hết dừng ở mức nguyên tắc, đặt yêu cầu chứ chưa có định nghĩa, quy định cụ thể và cơ chế thực thi hiệu quả. Do đó, trên thực tế, quyền và nghĩa vụ của chủ thể thu thập, xử lý, khai thác dữ liệu chưa được quy định rõ.
Có thể nói rằng, chưa bao giờ vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư được đề cập mọi lúc mọi nơi như hiện nay. Ông Nguyễn Trọng Khánh, Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho biết, với Nghị định 47 về kết nối chia sẻ dữ liệu trong các cơ quan nhà nước, trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ tiếp tục cụ thể các nguyên tắc thành các hướng dẫn, quy trình thực hiện cụ thể nhằm đảm bảo rằng, tiến trình chuyển đổi số trong các cơ quan công quyền luôn gắn với việc bảo vệ tốt nhất dữ liệu công dân.
Với những thực tế như trên, việc hoàn thiện khung khổ pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư là cần thiết cho sự vận hành phát triển nền kinh tế số lành mạnh, bền vững. Ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho rằng, các quy định của pháp luật và chương trình của nhà nước cần xây dựng các giải pháp bảo vệ quyền riêng tư cho người dân cũng như doanh nghiệp. Dữ liệu do doanh nghiệp và nhà nước thu thập của công dân cần phải được quản trị đúng đắn theo các chuẩn mực về quyền con người và tôn trọng quyền riêng tư. Bên cạnh đó, cho phép người dân lên tiếng khiếu kiện tập thể khi có vi phạm quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân là điều cần thiết.
IPS đã đưa ra hai giải pháp cho vấn đề. Đó là xây dựng chiến lược quốc gia về dữ liệu và Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Thiên Kim