Ảnh minh họa.
Thực phẩm chức năng (TPCN) không phải là thuốc, không có công dụng điều trị hay chữa bệnh. Đối với TPCN, nhà sản xuất phải ghi rõ chức năng và các thành phần trên nhãn, được Bộ Y tế kiểm nghiệm và cho phép lưu hành, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn sức khỏe, phù hợp với các quy định về thực phẩm.
Như vậy, có thể hiểu TPCN đúng như tên gọi của nó: là một dạng thực phẩm, thức ăn bổ sung, có tác dụng bồi bổ, bù đắp các chất mà trong cơ thể chúng ta bị thiếu, để giúp cơ thể trở nên khỏe mạnh hơn.
Hiện nay nhu cầu chăm sóc sức khỏe, chăm sóc ngoại hình đang rất được quan tâm hiện nay. Điều này dẫn đến nhu cầu tiêu thụ thực phẩm chức năng tại Việt Nam “tăng vọt” trong những năm gần đây. Bên cạnh các sản phẩm giúp tăng cường sức khỏe, thực phẩm giảm cân, bột tăng cơ hiện đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ.
Đối tượng sử dụng TPCN có chỉ định rõ rệt, cụ thể có thể chia làm 2 loại: TPCN bổ sung vi chất dành cho người thiếu hụt chất dinh dưỡng, rối loại chức năng sinh lý và TPCN giúp tăng cơ, giảm mỡ dành cho người khỏe mạnh và không có tiền sử bệnh lý.
Thực phẩm chức năng có lợi ích gì đối với sức khoẻ?
Bổ sung nhanh chóng chất dinh dưỡng và các chất có tác dụng chức năng mà cơ thể không được cung cấp đầy đủ trong chế độ ăn uống hàng ngày.
- Có thể tạm thời thay thế bữa ăn khi không có điều kiện ăn uống bình thường (như khi ở môi trường thiếu thốn thực phẩm hoặc không thể ăn được vì lý do bênh tật).
- Các chế phẩm đều ở dạng tinh chế rất tiện lợi, dễ sử dụng và bảo quản.
- Có nhiều sản phẩm để chọn lựa phù hợp với tình trạng cơ thể từng người.
- Mua và dùng dễ dàng không cần phải có thầy thuốc khám bệnh kê toa.
- Khi sử dụng thực phẩm chức năng, người sử dụng sẽ có ý thức chăm lo cho sức khoẻ, thay đổi thói quen để có chế độ ăn uống hợp lý và lối sống lành mạnh có lợi cho sức khoẻ hơn.
Thực phẩm chức năng bao gồm những nhóm thực phẩm nào?
Có rất nhiều loại thực phẩm chức năng, tuy nhiên có thể kể tên những loại điển hình như:
- Các loại ngũ cốc có bổ sung thêm vitamin hoặc chất xơ
- Sữa được trộn thêm canxi và các loại vitamin
- Bánh mỳ tăng thêm hàm lượng axit folic
- Các loại trứng với axit béo omega - 3
- Sữa và sữa chua với lợi ích kháng khuẩn.
- Sữa chua uống với các loại vitamin, kali, sắt, canxi, chất xơ và men vi sinh.
- Bơ thực vật và các loại sữa chua uống có chứa thêm chất stanols hoặc sterols những hợp chất này giúp giảm hàm lượng cholesterol trong máu.
Quản lý TPCN ở Việt Nam như thế nào?
Bộ Y tế đã ban hành thông tư số 43/2014/TT-BYT quy định về quản lý thực phẩm chức năng tại Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp phải công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho sản phẩm (gọi chung là công bố thực phẩm chức năng) thì mới đủ điều kiện để kinh doanh trên thị trường.
Nếu doanh nghiệp tự sản xuất sản phẩm thì phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định và có giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, doanh nghiệp muốn quảng cáo sản phẩm cũng phải xin giấy phép quảng cáo trước khi quảng cáo.
Thanh Hà (Theo HHTH)