Sóc Trăng: Nhiều tiềm năng trong xuất khẩu vú sữa tím tại huyện kế Sách Sóc Trăng: Củng cố, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP Năm 2021, Sóc Trăng đặt mục tiêu thả nuôi 51 nghìn ha tôm nước lợ |
Sau hơn 3 năm, Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng “thẻ vàng” về hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định đã tác động rất lớn đến hàng triệu ngư dân Việt Nam. Ở tầm vĩ mô, nước ta từ vị trí xuất khẩu hải sản số 1 tuột xuống số 4 vào năm 2019.
Ý thức rõ việc vi phạm sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thương hiệu cá Việt Nam và trực tiếp là thu nhập của ngư dân nên cùng với các địa phương ven biển trên cả nước, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và ngành Thủy sản Sóc Trăng đã và đang nỗ lực để chung tay cùng cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” nhằm phát triển nghề cá một cách an toàn, bền vững và ổn định sinh kế cho hàng nghìn ngư dân sống phụ thuộc vào nghề khai thác, đánh bắt.
Sóc Trăng nỗ lực tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (ảnh minh họa) |
Tại Sóc Trăng, các đơn vị chức năng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp chặt chẽ với các đồn biên phòng, UBND các xã tiếp giáp biển tổ chức tuyên truyền về Luật Thủy sản cùng các văn bản thi hành luật; đặc biệt là những quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định cho bà con ngư dân bằng rất nhiều hình thức như: Phát tờ rơi, đối thoại trực tiếp với ngư dân, hướng dẫn ghi chép nhật kí khai thác...
Tại cảng cá Trần Đề đã thành lập văn phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là tổ IUU); đến nay, đã kiểm tra trên 4.000 lượt đối với tàu trên 15 mét (trên 90CV) cập cảng và rời cảng, đảm bảo tính công bằng, khách quan giữa tàu trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Lực lượng Thanh tra chuyên ngành Thủy sản đã phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát đường thủy, địa phương tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển 12 cuộc, tiến hành kiểm tra 186 tàu cá trong và ngoài tỉnh; phát hiện 31 tàu cá thiếu trang thiết bị an toàn, lập biên bản sự việc 16 trường hợp không mang theo hồ sơ đăng ký, đăng kiểm. Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng đã tuyên truyền mạnh mẽ đến ngư dân và chủ tàu về việc lắp thiết bị giám sát hành trình; tính đến nay đã có 313/366 tàu lắp đặt thiết bị. Theo đó, khi tàu đánh giáp biên sẽ được cảnh báo từ hệ thống giám sát của Tổ IUU, giúp ngư dân kiểm soát được tàu đang ở tọa độ nào để kiểm tra trên thiết bị; góp phần quản lý tốt việc đánh bắt xa bờ của ngư dân.
Sản phẩm đánh bắt của ngư dân từng bước vươn xa ra thị trường quốc tế, việc thực hiện tốt các quy định về kê khai nguồn gốc hải sản thông qua nhật ký khai thác và khai thác không vi phạm vùng biển nước ngoài là một trong những yêu cầu nghiêm ngặt để hàng thủy hải sản nước ta xuất khẩu an toàn, khi đó giá trị hải sản sẽ nâng lên, không chỉ có ngành chế biến xuất khẩu phát triển mà ngư dân cũng trực tiếp được hưởng lợi khi giá trị hải sản tăng lên. Nhận thức rõ lợi ích chính đáng này, hầu hết các ngư dân đều đồng tình và chấp hành tốt các thủ tục khi tàu vào, ra bến cảng.
Nghề khai thác biển ở Sóc Trăng không chỉ mang về nguồn lợi hải sản mỗi năm trên 60.000 tấn để cung cấp cho hoạt động chế biến và thương mại của tỉnh, mà Sóc Trăng còn là 1 trong số 28 tỉnh có biển và hoạt động đánh bắt xa bờ được xếp vào nhóm 15 cảng cá loại I của cả nước; kinh tế biển cũng được xác định là một lĩnh vực thế mạnh của tỉnh trong xu thế phát triển.
Chính vì vậy, thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai công tác phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định một cách bài bản, quyết liệt hơn; bởi việc tháo gỡ thẻ vàng cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) không chỉ góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn” nhiều năm qua cho các mặt hàng thủy hải sản của cả nước mà còn được xem là đợt lập lại trật tự trong công tác quản lý khai thác biển tại Sóc Trăng; đây cũng là hướng đi quan trọng trong thực hiện mục tiêu phát triển nghề cá tỉnh nhà một cách an toàn, bền vững.