Học Song Hye Kyo mẹo dưỡng da căng mướt “không tuổi” để tự tin đón Tết Mang cây cảnh vào nhà đón Tết, nhớ 5 nguyên tắc sau để đón được nhiều lộc Dựng nêu đón Tết, nét đẹp văn hoá Tết cổ truyền |
Đón năm mới là khoảng thời gian đặc biệt nhất trong năm đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đều có những phong tục đặc trưng để tạm biệt năm cũ, chào đón năm mới. Trong đó có nhiều phong tục vô cùng độc đáo và thú vị.
Mỹ
Mỗi năm, hàng triệu người Mỹ chờ đón khoảnh khắc thả quả cầu pha lê vào dịp giao thừa tại quảng trường Thời Đại (TP New York).
Nghi thức này bắt đầu từ năm 1907. Khi ấy, chủ sở hữu tờ The New York Times – ông Adolph Ochs tổ chức sự kiện này để mọi người chú ý đến tòa soạn mới của tờ báo. Nghi thức này đã trở thành một sự kiện thường niên và là một trong những lễ đón năm mới nổi tiếng thế giới.
Ở Anh quốc
Ngày đầu năm mới ở Anh chính thức bắt đầu từ năm 1752. Người Anh rất coi trọng “tục xông nhà” đầu năm mới. Họ quan niệm rằng nếu người đầu tiên bước vào nhà là người có tóc vàng hoe hay màu đỏ, hoặc một phụ nữ, sẽ mang đến những điều xui xẻo trong năm cho cả nhà, nên họ chọn một thanh niên có mái tóc đen, chưa vợ mang theo tiền, một mẩu than hoặc bánh mì. Họ cho rằng những vật này tượng trưng cho sự giàu sang, may mắn và hạnh phúc, đây cũng được xem như món quà khởi đầu một năm đầy hứa hẹn.
Tây Ban Nha
Người Tây Ban Nha bắt đầu năm mới bằng việc ăn 12 quả nho với mỗi quả trong thời gian 12 tiếng chuông mừng năm mới ngân vang. Truyền thống này có tên gọi las doce uvas de la suerte và bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX.
Theo quan niệm của người Tây ban Nha, việc này có tác dụng xua đuổi điều xấu và mang đến một năm mới thịnh vượng, may mắn. Tuy nhiên, phong tục này được cho là chỉ hiệu quả nếu ăn hết nho trong vài giây trước khi đồng hồ điểm thời khắc giao thừa.
Ba Lan
Tại Ba Lan cũng như ở các nước châu Âu khác, đêm 31/12 rạng sáng 1/1 là thời gian của những cuộc vui, trò chơi, vũ hội và những hội hoá trang. Đàn ông ăn mặc như đàn bà đeo mặt nạ trùm kín đầu, trẻ con vẽ thêm râu, thêm tai dài... để cho mọi người không thể nhận ra.
Trước lúc nửa đêm người ta thường đếm ngược thời gian. Những giây cuối cùng mọi người đều nâng ly sâm-banh, đồng thanh đếm: "mười, chín, tám..." Ðúng 12 giờ đêm, mọi người uống cạn ly rượu, ôm hôn, chúc nhau những điều tốt lành nhất trong năm mới./.
Nga
Đón năm mới là một trong những dịp lễ quan trọng nhất của người Nga trong năm, bởi đây là ngày lễ của hạnh phúc và bình an. Một cây thông to được đặt ở quảng trường cung điện Kremli (Moscow). Đến 12 giờ đêm giao thừa, ông già Noel xuất hiện bên cạnh nàng công chúa tóc vàng, vai mang theo túi quà để phân phát cho trẻ em và cùng nhau nhảy múa dưới cành thông. Ngay đầu năm mới, người dân có tục tặng bánh mì và muối cho khách quý.
Biểu tượng năm mới ở Nga là "Cây năm mới", gọi là Novogodnaya Yolka, với những ngôi sao rực sáng đèn. Năm mới là dịp để cha mẹ trao quà cho các con dưới cây này. Cũng như một số quốc gia phương Tây khác, người Nga cũng đón năm mới trong màn trình diễn pháo hoa và những buổi tiệc linh đình, gồm: thịt, đậu xanh, dưa chua, hành, sốt mayonnaise, cà rốt và khoai tây. Trang hoàng cây thông Tết là công việc thích thú của người Nga. Nhiều gia đình cha mẹ cùng con cái tiến hành, cũng có nhà chỉ có người lớn trang hoàng thông khi trẻ ngủ, để sáng mùng một, chúng có một niềm vui sướng bất ngờ: nhìn thấy trong nhà một cây thông tuyệt đẹp. Một đặc trưng nữa trong lễ Tết ở Nga là việc ông già Tuyết và bà chúa Tuyết tặng quà cho trẻ em.
Đan Mạch
Người Đan Mạch có truyền thống ném những chiếc đĩa không còn sử dụng trước cửa nhà bạn bè, người thân trong ngày đầu năm mới. Theo đó, nhà nào càng nhận được nhiều đĩa thì sẽ càng gặp nhiều may mắn trong năm mới.
Pháp
Người Pháp gọi đêm giao thừa là La Saint-Sylvestre. Người dân nước này quan niệm một buổi tiệc tối linh đình trong trong thời gian này sẽ mang đến thịnh vượng cho gia đình họ trong năm tới. Thức ăn của bữa tiệc thường là bánh nướng, thịt vịt hoặc ngỗng và rượu champagne. Lễ hội đón năm mới ở Pháp được xem như “lễ hội ánh sáng”. Người dân tham gia vào các cuộc diễu hành với ánh sáng lung linh của ngọn đuốc và cùng nhau uống rượu mừng năm mới. Hàng ngàn ca sĩ, nghệ sĩ thực hiện các show diễn tuần hành trên khắp các nẻo đường, tiến đến Trocadéro, bên dưới tháp Eiffel vào ngày đầu năm mới. Theo phong tục, năm mới cũng là dịp để người Pháp thể hiện tình yêu đôi lứa. Họ ôm hôn nhau chúc mừng năm mới.
Brazil
Brazil là quốc gia được cả thế giới chú ý về màn trình diễn pháo bông mừng năm mới. Lễ hội mừng năm mới luôn diễn ra trong không khí thật tưng bừng, sôi động. Từ các quán bar, các đại sảnh, bãi biển đến khắp các đường phố đều chật ních người. Người dân nước này tin rằng ăn đậu và gạo sẽ mang lại sự thịnh vượng và niềm may mắn cho họ trong năm mới.
Đêm giao thừa mang một ý nghĩa quan trọng trong buổi lễ đón chào năm mới của người Brazil. Lễ hội đón chào năm mới được tổ chức ở Rio de Janeiro - thành phố lớn thứ nhì ở Brazil và lớn thứ ba ở Nam Mỹ. Tất cả mọi người cùng tụ họp bên bãi biển Copacabana nổi tiếng thế giới để chào đón giờ khắc bước sang năm mới. Họ quan niệm nếu nhảy qua 7 ngọn sóng trong đêm giao thừa thì điều ước sẽ trở thành hiện thực.
Những màn trình diễn pháo bông ngoạn mục và đặc sắc trên nóc các khách sạn hoặc xà lan ngoài khơi làm sáng rực cả bầu trời. Mọi người trong trang phục dạ hội, dạo quanh khắp các nẻo đường vừa hát vừa nhảy vũ điệu samba truyền thống.
Bữa ăn tối đêm giao thừa cũng là một phần quan trọng trong buổi lễ đón chào năm mới của người Brazil, gồm salad, gạo, thịt gà, trái cây, những thứ mang lại hương vị cho năm mới.
Theo quan niệm của người Brazil, màu sắc tượng trưng cho những điều tốt lành và niềm hy vọng. Đó là màu trắng (tượng trưng cho hòa bình), màu đỏ (tượng trưng cho tình yêu) và màu vàng (tượng trưng cho sự giàu có). Do đó, trang phục trong buổi lễ mừng năm mới chắc chắn có những màu này.
Nhật Bản
Trước đây, Nhật Bản cũng đón Tết âm lịch như Việt Nam chúng ta nhưng từ năm 1873 đến nay họ đã chuyển sang ăn Tết dương lịch như các nước phương Tây. Mặc dù vậy, người dân Nhật Bản vẫn giữ lại những phong tục truyền thống của mình như tổng vệ sinh, trang trí nhà cửa, làm các món ăn truyền thống, làm thiệp chúc Tết để tặng nhau.
Đêm giao thừa ở Nhật Bản được gọi là Omisoka. Vào thời khắc giao thừa, tất cả các ngôi chùa đều đồng loạt gióng lên 108 hồi chuông tượng trưng cho 108 ham muốn trần tục của con người theo quan điểm Phật giáo. Nếu từ chỗ bạn ở không thể lắng nghe được tiếng chuông chùa thì vẫn có thể xem nghi thức này trên các kênh truyền hình.
Giao thừa ở Nhật, nhiều người dân vẫn đổ ra đường để tham gia các hoạt động vui chơi, xem bắn pháo hoa, nhưng cũng có rất nhiều người ở nhà với gia đình và cùng nhau thưởng thức mì trường thọ hoặc là ăn lẩu.
Đức
Năm mới ở Đức được gọi là Nuejahr. Người Đức tổ chức tiệc chia tay năm cũ và đón chào năm mới theo vũ điệu rock. Họ ca hát, nhảy múa, chúc tụng nhau… và vẫn không quên những phong tục truyền thống của dân tộc mình.
Bleigiessen - phong tục nhúng chì đã nấu chảy vào nước lạnh để dự đoán tương lai sẽ ra sao dựa vào hình dáng của viên chì trong nước. Nếu có hình trái tim thì sẽ có đám cưới, hình con tàu là chuyến đi du lịch… Khi đồng hồ điểm 0h đêm giao thừa cũng là lúc mà người dân ở Đức ôm và trao nhau những nụ hôn nồng thắm, chúc nhau năm mới an lành: "Gutes Nue Jahr" hoặc "Happy New Year". Sau đó, mỗi gia đình quây quần bên nhau trong những bữa tiệc thịnh soạn với đầy đủ món ăn và cùng nhau xem các chương trình truyền hình đặc biệt. Người Đức quan niệm nếu ăn cà rốt và bắp cải sẽ mang đến sự ổn định về tài chính.
Mỗi gia đình người Đức được phép bắn pháo hoa trong sân nhà mình để đón chào năm mới và họ đã hân hoan chuẩn bị pháo từ những ngày trước Tết. Tiếp đến, tiếng chuông nhà thờ ngân vang, pháo hoa làm sáng rực cả bầu trời. Đó là cách đón chào năm mới của người Đức.
Thái Lan
Năm mới ở Thái Lan là một khởi đầu ẩm ướt, nơi những người vui chơi ăn mừng bằng cách hắt các xô nước lên nhau.
Hàn Quốc
Năm mới, người Hàn Quốc thường mặc Han-Boks, một loại trang phục cổ truyền, Seung Hye Lee - người Hàn Quốc cho hay. Vào buổi sáng của năm mới, chúng tôi thường có nghi lễ tưởng nhớ tổ tiên, sau đó là ăn món Dduk-gook - một loại súp làm bằng gạo. Tiếp theo, khi gặp người già, chúng tôi cúi chào. Năm mới là ngày lễ lớn nhất ở Hàn Quốc, chúng tôi thường dành những ngày này cho gia đình và người thân.
Trung Quốc
Trước ngày Tết, người ta cũng làm vệ sinh nhà cửa để “xả xui”. Trong năm mới có phong tục đốt pháo để đuổi ma quỷ và những điều xui xẻo. Người ta thường mua cành đào để nhà vì cho rằng cây đào nở hoa tượng trưng cho “tài lộc”. Trong năm mới, trẻ em và người già thường được mừng tuổi, gọi là “lì xì”, tiền đựng trong bao đỏ để lấy may.
Mỗi năm trong lịch của người Trung Quốc tương ứng với một con vật nên trong năm của “con vật” nào thì người ta thường tránh ăn thịt con vật đó vào đầu năm.Kể từ đó cứ mỗi dịp năm hết Tết đến người dân Trung Quốc thường trang trí nhà bằng cách treo những câu đối đỏ, đèn lồng đỏ dán giấy đỏ và đốt pháo để mong muốn có một cái Tết vui vẻ, một năm mới an lành.