Rau tiến vua
Hay còn được gọi là rau cần biển. Rau này thường được bán ở dạng “khô như rơm”, màu xanh nhạt. Khi chế biến, rau được cắt thành khúc và ngâm với nước lạnh. Chúng sẽ nở ra tươi mới và giòn ngọt như chưa từng bị khô. Không chỉ ăn ngon, rau tiến vua còn có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.
Rau tiến vua hiện được bán với giá từ 350.000 – 500.000 đồng/kg. Rau tiến vua ăn giòn giòn, sần sật, vì được phơi khô nên cực dôi. Rau cần ngâm trong nước lạnh từ 2-3 tiếng, nếu ngâm nước ấm rau sẽ nở nhanh hơn nhưng không còn giòn xanh và ngon nữa.
Rau tiến vua chế biến được rất nhiều món ăn ngon và lạ miệng, có thể dùng để xào, làm nộm, ngâm chua ngọt, ăn rất "tốn". Do đó giá của rau dù đắt đỏ cũng vẫn rất nhiều người mua.
Rau bông tuyết
Loại rau này có tên gọi khác là rau kim cương, trồng nhiều ở Đà Lạt. Rau có thân hình mọng nước, có vị mặn và có độ giòn. Bề mặt của lá và thân cây có các hạt lấp lánh như những giọt sương đọng lại nên được gọi là rau bông tuyết.
Giá của loại rau này đắt hơn cả thịt, lên tới 150.000 đồng/kg. Một số nơi bán hàng hữu cơ còn có giá niêm yết 50.000 đồng/100g. Giá tuy có cao nhưng rau bông tuyết có vị tươi mát, giòn, vị mặn nhẹ, lá mềm ngon ngọt và có thể ăn sống nên được khách ưa chuộng.
Rau thối
Loại rau này có tên tiếng Thái là pắc nam, thường mọc hoang dại trong các cánh rừng ở Tây Bắc như Lai Châu, Tuyên Quang, Sơn La,… Đây là loại cây dây leo, lá xanh thẫm mọc đối xứng nhau, thân cây có nhiều gai nhọn.
Trước đây rau thối ít người biết tới, nhiều người nghe tên còn tránh xa. Bây giờ, rau thối được khách du lịch và người dân thành phố biết tới nhiều hơn và trở thành đặc sản nổi tiếng.
Bình thường rau được bán với giá khoảng 50.000 đồng/kg. Thời điểm khan hiếm có thể lên tới 120.000 đồng/kg. Theo kinh nghiệm của người dân địa phương thì rau thối sau khi được hái khỏi cây thì mùi hôi, độ giòn sẽ giảm dần theo thời gian. Nếu muốn giữ trọn mùi vị đặc trưng của loại rau này thì nên chế biến ngay. Có như vậy mới cảm nhận rõ vị ngọt bùi tự nhiên và mùi hôi nồng lan tỏa trong hơi thở.
Rau thối thường được chế biến xào không hoặc xào trứng, cho món ăn bùi béo, hương thơm lạ miệng và hấp dẫn.
Rau chút chít
Loại rau này khá phổ biến ở nước ta. Rau mọc dại ở các vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và nơi mát mẻ như SaPa. Rau còn có tên gọi khác là dương đề, ngưu thiệt, lưỡi bò, trút trít. Vì trẻ con thường cọ 2 lá cây vào nhau làm phát ra tiếng kêu “chút chít” nên có tên gọi là rau chút chít. Lá non của cây có vị đắng nhẹ, chua thanh, có thể dùng để nấu canh, xào hoặc luộc,…
Trước đây rau ít người để ý đến nhưng mấy năm gần đây rau chút chít “lên đời” trở thành đặc sản lạ ở thành phố. Loại rau này có giá dao động từ 150.000 – 250.000 đồng/kg.
Rau ngót rừng
Loại rau này còn có tên gọi là rau sắng, cây mì chính, mọc nhiều ở Hà Tây, Thái Nguyên, Bắc Kanj, Lạng Sơn,… Đây là cây thân mộc, mọc hoang trên núi đá, cao hàng chục mét, cành lá sum suê, muốn hái ngon non phải trèo lên những cây cao.
Những năm qua, rau ngót rừng được bán nhiều ở chợ nhưng giá khá cao, thời điểm khan hiếm có thể lên tới 180.000 đồng/kg. Hoa rau ngót rừng khoảng 200.000 đồng/kg. Thời điểm bình thường thì rau ngót rừng có giá dao động 120.000 – 150.000 đồng/kg.
Trước đây rau ngót rừng mọc hoang dại trên núi đá, người dân đi rừng trèo hái về chế biến thành món ăn. Ngày nay, rau ngót rừng trở thành đặc sản nổi tiếng mà người sành ăn “săn lùng” để thưởng thức.