Nhiều “động lực” để thị trường bất động sản xoay chiều trong năm 2024 |
Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn
Sau hơn 30 năm áp dụng, Luật Đất đai cũ đã bộc lộ không ít bất cập, khiến thị trường diễn ra tình trạng đất đai bị bỏ hoang, tư hữu, giá đất tăng bất hợp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống, sinh kế của người có đất thu hồi và gây thất thoát ngân sách…
Vì vậy, Luật Đất đai (sửa đổi) thông qua từ tháng 1/2024 đã bổ sung nhiều quy định mới bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tài chính đất đai tách bạch rõ ràng, ổn định tiền thuê đất, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực đất đai.
Với những quy định mới được bổ sung hoàn chỉnh hơn, Luật Đất đai 2024 được kỳ vọng sẽ khơi thông những điểm nghẽn liên quan đến cơ chế dịch chuyển đất đai, dẫn dắt ngành Xây dựng, thị trường BĐS phát triển sau thời gian dài trầm lắng; đồng thời, loại bỏ các "lỗ hổng" còn tồn tại, hướng đến hài hòa lợi ích và công bằng xã hội, tạo môi trường pháp lý lành mạnh để phù hợp với những biến chuyển nhanh chóng của thị trường BĐS.
Bên cạnh đó là hàng loạt chính sách hỗ trợ ngành bất động sản. Nghị định 08 về trái phiếu, Nghị quyết 33 tái cơ cấu nợ bất động sản, room tín dụng được nới, Ngân hàng Nhà nước 4 lần giảm lãi suất điều hành, gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội… Mỗi chính sách tác động đến một góc cạnh của thị trường bất động sản nhưng vấn đề chung vẫn là “kéo dài thời gian” cho doanh nghiệp, thị trường “hồi sức”.
Trước hết, với Nghị quyết 08 Đây là quyết sách chưa có tiền lệ và mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là cơ chế giãn, hoãn nợ trái phiếu và cơ chế cho hoán đổi tiền – hàng (đổi trái phiếu doanh nghiệp sang bất động sản). Thời điểm đó (3-2023) nhiều doanh nghiệp vui mừng vì đã thành công trong việc đàm phán giãn nợ với trái chủ. Để được gia hạn, doanh nghiệp chấp nhận chi trả thêm lãi suất để có thêm thời gian tìm phương án tái cấu trúc xoay dòng tiền.
Đan xen giữa những quyết sách lớn là những thông tư, công điện từ Chính phủ, bộ ngành nhằm “gia cố” lại những lỗ hổng trong tiến trình tái cấu trúc của thị trường. NHNN với thông tư 02 về việc các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ giúp khách hàng vượt qua khó khăn. Thông tư 03 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nước ngoài mua bán trái phiếu. Thông tư 10 về việc cấp giấy chứng nhận cho bất động sản nghỉ dưỡng…
Theo sát tiến trình tái cấu trúc của thị trường Chính phủ cũng đưa ra nhiều công điện để tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh. Trong đó, đáng chú ý nhất là quyết định phê duyêt đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân. Kèm theo đó là giao NHNN chủ trì triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng với nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.
Tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 33, ông Bùi Thành Nhơn, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland thừa nhận, nghị quyết trên như một nguồn oxy quy báu đúng thời điểm, giúp cho cộng đồng doanh nghiệp không rơi vào bất ổn. Kịp thời ngăn chặn những hệ lụy xấu ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính, đà phát triển của quốc gia…
Kỳ vọng năm 2024 thị trường bất động sản sẽ khởi sắc hơn
Lãi suất hạ nhiệt và hàng loạt chính sách hỗ trợ bất động sản. |
Về tình hình bất động sản năm 2024, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng dự báo sẽ có hai điểm sáng, một là bất động sản công nghiệp vì nguồn vốn đầu tư FDI còn rất nhiều, giá thuê bất động sản công nghiệp đang tăng cao. Thứ hai là nhà ở giá vừa phải, NƠXH có nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư, năm 2024 sẽ có nhiều dự án khởi công. Chính phủ cũng đã giao 130 nghìn căn hộ NƠXH sẽ hoàn thành trong năm 2024.
Trong khi đó, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, thị trường bất động sản đang trong tiến trình phục hồi. Thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành đã tổ chức nhiều cuộc hop, đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Đặc biệt, sáng 18/1, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai năm (sửa đổi). Luật Đất đai (sửa đổi) đã tiếp thu nhiều ý kiến của chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp. Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6 vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ 1/1/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, chưa bao giờ cùng lúc chúng ta sửa một lúc 4 luật quan trọng về bất động sản và có hiệu lực vào 1/1/2024 sẽ đồng bộ hóa, nhất quán hóa các chính sách tăng tính công khai cho các chính sách để thị trường phát triển minh bạch. TS Cấn Văn Lực kiến nghị với các cơ quan quản lý: Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển tín dụng nhà ở, bất động sản khu công nghiệp, các phân khúc còn thiếu cung; sớm giải quyết dứt điếm, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư trong các vụ việc vừa qua...
Tham luận tại Diễn đàn với chủ đề “Doanh nghiệp Bất động sản – hành động và thích ứng trong điều kiện mới”, ông Nguyễn Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tập đoàn An Gia cho biết, năm 2024 có các dấu hiệu phục hồi của thị trường cùng các chính sách của Nhà nước, Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc cho ngành bất động sản và những điểm mới của Luật Đất đai, sự hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước… đồng thời bày tỏ tin tưởng với sự giúp sức của Chính phủ, các cơ quan chức năng sẽ giúp thị trường cũng như các chủ đầu tư, doanh nghiệp bất động sản như An Gia đón thêm nhiều tín hiệu khởi sắc trong thời gian tới.
Đồng quan điểm này, ông Lê Viết Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình dự báo tình hình bất động sản năm 2024 thì bất động sản đô thị có thể phục hồi, bất động sản công nghiệp có nhiều cơ hội phát triển nhưng riêng bất động sản nghỉ dưỡng chưa tiêu thụ, khai thác được và cần một vài năm nữa mới phục hồi.
Ông Mai Viết Vĩnh, Chủ tịch Mai Việt Land cho rằng, vùng đáy của thị trường bất động sản rơi vào năm 2023, đến 2024 thị trường đang trên đà phục hồi nhưng không mạnh. Cụ thể, giai đoạn này, hiện tại nguồn lực tài chính bắt đầu rót vào thị trường bất động sản có khởi sắc, đầu tư cơ sở hạ tầng bắt đầu cũng được Chính phủ chú trọng nhưng do tâm lý, niềm tin của người mua vào thị trường trong thời gian qua đã quá thấp nên thị trường chưa thể ổn định trong thời gian ngắn. Do đó, để nắm bắt cơ hội khi thị trường hồi phục thì trong 2024, các chủ đầu tư nên cơ cấu lại các nguồn vốn, chất lượng sản phẩm… tạo ra niềm tin lớn hơn nữa cho khách hàng đặc biệt là mặt pháp lý của các dự án. Nếu giải quyết được những vấn đề này thì cơ hội cho các chủ đầu tư, các sàn môi giới trong năm 2024 sẽ lớn hơn nếu thị trường hồi phục mạnh. Đặc biệt là thị trường ở những thành phố lớn và những khu vực đang phát triển.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nêu quan điểm, theo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đội ngũ môi giới sau này sẽ phải ràng buộc vào các sàn giao dịch. Do đó, việc môi giới bán các bất động sản trái luật cũng đồng nghĩa với việc chủ các sàn giao dịch phải chịu ràng buộc về mặt pháp lý. Vì vậy, để nắm bắt cơ hội khi thị trường hồi phục trong thời gian tới, ông Đính cho rằng, các sàn giao dịch bất động sản sẽ phải chuẩn bị tốt hơn về mặt pháp lý cho môi giới theo đúng quy định của pháp luật; cũng như đào tạo, nâng cao kỹ năng, kiến thức cho từng nhân viên môi giới khi thị trường hồi phục, để phát triển bền vững.