![]() |
Cá chép gù của gia đình anh Quàng Văn Hoàng |
Cá chép gù là đặc sản của xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơ La). Sở dĩ có tên gọi là cá chép gù, vì cá có mình dài và dày, phần lưng hơi gù cao, da cá màu ánh đen, vây, đuôi và khóe miệng màu vàng nhạt. Cá có ít xương dăm và xương rất mềm, sau chế biến thực khách có thể ăn được cả xương. Ngoài món nướng, cá chép gù còn được chế biến thành món cá nấu canh chua, cá hấp và món gỏi.
Anh Quàng Văn Hoàng, bản Khua Vai, xã Ngọc Chiến là người đầu tiên phát hiện ra đặc tính cá chép gù và tiên phong đi đầu phát triển nuôi giống cá này trên lòng hồ thủy điện Nậm Chiến.
Qua lời kể của bà con trong xã, giống cá này là cá chép V1, tuy nhiên khi nuôi ở lòng hồ thủy điện Nậm Chiến lại có sự sinh trưởng phát triển mang đặc điểm khác biệt với cá chép V1 nuôi ở vùng lòng hồ khác.
Anh Hoàng chia sẻ: Năm 2017, tôi bắt tay làm mô hình nuôi cá lồng, gia đình tôi đầu tư 2 lồng cá, diện tích gần 90m², 1 lồng nuôi cá chép, 1 lồng nuôi cá trắm. Trong quá trình nuôi, nhận thấy cá chép nuôi ở vùng này có đặc tính khác so với nuôi ở các khu vực khác, mình dày, phần lưng hơi gù cao, da cá màu ánh đen, vây, đuôi và khóe miệng màu vàng nhạt, khi chế biến thịt ngon, thơm, xương mềm, ít tanh. Tôi xuất bán cho một số nhà hàng và nhận lại phản hồi rất tốt, được khách hàng rất ưa chuộng và đặt hàng với số lượng lớn để phục vụ thực khách.
So với cá chép bình thường, cá chép gù mang lại giá trị kinh tế cao hơn, đối với cá trọng lượng trên 1 kg có giá 160 nghìn đồng/kg; từ 4 - 5 kg và 30 - 50 gam xuất bán với giá 300 nghìn đồng/kg, thu nhập gấp 2 lần so với giá cá chép thông thường. Trung bình được 30-40 triệu đồng/lồng cá chép gù. Năm nay, tôi đã phát triển lên 20 lồng cá với diện tích gần 500m2, trong đó, riêng cá chép gù có 8 lồng với diện tích gần 200m2. Năm 2022, gia đình tôi thu được 1,3 tấn cá chép gù, thu nhập gần 260 triệu đồng/năm.
![]() |
Cá chép gù sau khi tẩm ướp gia vị sẽ được nướng trên than hồng |
Chia sẻ khó khăn khi nuôi cá chép gù, anh Hoàng nói: Loài cá này đặc tính xương mềm, dễ bị dịch bệnh khi thời tiết thay đổi, môi trường ô nhiễm hoặc trong lúc thu hoạch làm cá bị xây sát thì tỉ lệ sống của cá thấp, ảnh hưởng đến cả đàn trong lồng. Tôi theo dõi thường xuyên và chăm sóc đúng kỹ thuật, thời gian sinh trưởng của cá chép gù. Khi cá trưởng thành đủ điều kiện xuất bán phải từ 6 tháng đến 1 năm đạt trọng lượng từ 30 gam đến hơn 1kg; từ 3 - 4 năm cá mới đạt trọng lượng khoảng 5 kg.
Với nhu cầu ngày càng cao của thị trường, anh Hoàng đã nghiên cứu nuôi gối vụ, mỗi lứa cá cách nhau từ 2-3 tháng để thường xuyên có cá cung cấp cho thị trường. Nếu trước chỉ xuất bán được 1 vụ/năm, thì nay cá luôn sẵn có và cung cấp quanh năm cho thị trường.
Chị Lò Thị Hậu, chủ homestay Hoàn Hậu, bản Lướt, cho biết: Chế biến món cá chép gù nướng khá kỳ công, sau khi chọn những con cá tròn lẳn, đều, cỡ ba đầu ngón tay, chị đem mổ dọc sống lưng cá. Hành lá, rau húng, xả, ớt, tỏi, muối, mì chính và mắc khén - thứ gia vị không thể thiếu mà người miền xuôi quen gọi là hạt tiêu rừng, được băm nhuyễn đem nhồi trong bụng cá, sau đó gập ngang thân cá lại sao cho đầu và đuôi cá chạm vào nhau, rồi dùng 2 thanh trúc cố định lại bằng lạt thật chắc chắn rồi đêm nướng trên than hồng.
Chị Hậu cho biết thêm, nướng cá chép gù phải cời than, lật lên, lật xuống thật đều để cá không cháy, đến khi vây và đuôi cá giòn tan, nước mỡ dính như keo bên ngoài, vảy cá vàng ươm thì bày lên mâm.
Món cá nướng nóng hổi, béo ngậy chấm cùng muối ớt giã hạt dổi cay xộc mũi khiến thực khách rất khó quên. Nhiều người còn đặt món cá này mang về cho người thân thưởng thức.