Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X - năm 2024 sẽ có nhiều nét mới Cao nguyên xanh Lâm Đồng chuyển đổi xanh bền vững: Cơ hội cho nhà đầu tư Festival hoa Đà Lạt năm 2024 - Bản giao hưởng sắc màu |
Người phụ nữ Cơ Ho dệt thổ cẩm. |
Nghề truyền thống của người Cơ Ho
Người Cơ Ho có dân số đông nhất trong các dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng, với khoảng hơn 175.000 người, sống tập trung chủ yếu ở huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Di Linh, gồm các nhóm địa phương: Cil, Lạch, Srê, Nộp...
Trước đây, người Cơ Ho cư trú chủ yếu là vùng rừng núi nên kinh tế truyền thống của họ là trồng trọt trên nương rẫy. Bên cạnh các nghề thủ công truyền thống khác, nghề dệt thổ cẩm đáp ứng nhu cầu ăn mặc, luôn được người Cơ Ho xem trọng.
Người phụ nữ Cơ Ho bằng đôi tay khéo léo đã gửi gắm tâm hồn, tình cảm của mình qua những hoa văn sinh động trên những tấm thổ cẩm.
Đó là những hoa văn mang hình ảnh về các sự vật gần gũi, thân thương, gắn bó trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Sợi bông và các loại cây tạo màu là những nguyên liệu chính đều được lấy từ trong tự nhiên. Trước đây, trong đời sống tự cung tự cấp, đồng bào Cơ Ho tự trồng bông để làm sợi dệt.
Sau khi thu hoạch bông, họ đem phơi khô, cán và kéo thành sợi thủ công bằng những công cụ thô sơ. Người Cơ Ho thường dùng các bộ phận (củ, rễ, thân, lá, hạt…) của những loại cây khác nhau để tạo ra nhiều màu nhuộm sợi dệt: Củ nghệ tạo màu vàng, hạt quả cari tạo màu cam, vỏ và thân cây lốt tạo màu đỏ, lá cây drửm tạo màu xanh… Để giữ bền màu sau khi nhuộm, họ còn cho thêm bột vỏ sò và tro củ chuối vào nước nhuộm sợi.
Màu sắc trên thổ cẩm Cơ Ho khá đơn giản, chủ yếu là các màu chủ đạo và mỗi màu đều gắn với thiên nhiên: Màu đỏ, màu vàng tượng trưng cho mặt trời và ánh nắng; màu xanh tượng trưng cho màu của núi rừng.
Sợi sau khi nhuộm và phơi khô là có thể tiến hành dệt. Dụng cụ nghề dệt truyền thống của người Cơ Ho khá đơn giản, bao gồm: Cán bông, bật bông, xa quay sợi, hai khung cuốn sợi, khung căng sợi và bộ khung dệt.
Người Cơ Ho không có khung dệt cố định và kiên cố mà chỉ có bộ khung dệt rời bằng các thanh gỗ và tre khá đơn giản. Khi dệt, người phụ nữ ngồi dưới đất, duỗi thẳng hai chân, trải khung dệt đặt nằm ngang trên chân để mắc hệ thống sợi.
Dụng cụ dệt tuy thô sơ, tốc độ dệt chậm nhưng sản phẩm dệt của người Cơ Ho rất bền, với những hoa văn trang trí đẹp mắt. Đặc biệt, người Cơ Ho thường dệt các hoa văn thổ cẩm trên nền sợi chỉ tối. Hoa văn trên thổ cẩm chủ yếu là hoa văn hình học, hoa văn kỷ hà, hoa văn xoáy nước, thể hiện các hiện tượng thiên nhiên như mặt trăng, mặt trời, vầng mây, hay các vật dụng gần gũi trong đời sống của họ, như cầu thang, nhà sàn, xà gạt, cối chày giã gạo, các con vật hươu nai, cá…
Phát huy thổ cẩm của người Cơ Ho
Màu sắc trên thổ cẩm Cơ Ho khá đơn giản. |
Thổ cẩm của người Cơ Ho thường dùng tạo ra các sản phẩm như áo, khố đàn ông, váy, áo phụ nữ và các loại khăn, tấm đắp. Ngoài những loại hàng dệt phục vụ cho nhu cầu trong làng, một số sản phẩm còn được đem đi trao đổi hoặc buôn bán.
Ngày nay, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ Ho đã bị thu hẹp, nhưng vẫn được duy trì và dần thích ứng với nền kinh tế thị trường.
Sản phẩm làm ra phong phú hơn, đa dạng về mẫu mã, đảm bảo về chất lượng với giá cả hợp lý. Sản phẩm dệt thổ cẩm của người Cơ Ho trở thành hàng hóa và món quà lưu niệm ưa thích đối với du khách trong và ngoài nước khi đến thăm vùng đất này.
Nghề dệt thổ cẩm đã được ghi nhận là một nghề thủ công truyền thống mang nhiều giá trị, là nét văn hóa độc đáo của cộng đồng người Cơ Ho trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, cần được bảo tồn và phát huy giá trị.
Nét văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Ho nói riêng và các dân tộc tại Lâm Đồng nói chung luôn được Bảo tàng Lâm Đồng nhận thức sâu sắc, nỗ lực gìn giữ và giới thiệu đến công chúng thông qua những không gian trưng bày, phục dựng hay các cuộc triễn lãm.
Ông KNhiệp, Phó Chủ tịch xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, hiện tại xã có hơn 8.000 nhân khẩu, đồng bào thiểu số chiếm 68%. Ngoài công việc sản xuất trồng dâu nuôi tằm, cà phê thì phụ nữ đồng bào thiểu số nơi đây vẫn lưu truyền được nghề dệt thổ cẩm cho các thế hệ trẻ.
“Nhằm phát huy lợi thế về du lịch gắn với phát triển các sản phẩm truyền thống của địa phương, nghề dệt thổ cẩm truyền thống được xác định là một trong những nghề mũi nhọn, giúp nâng cao giá trị kinh tế và giúp quảng bá văn hóa của người dân tộc thiểu số đến với bạn bè trong và ngoài nước”, ông KNhiệp cho biết thêm.