Tập thể cán bộ, nhân viên Tạp chí Thương hiệu và Sản Phẩm |
Nhà báo Trần Thanh Tường – Tổng Thư ký Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm: Người làm báo tại Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm luôn giữ vững tinh thần “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”
Nhà báo Trần Thanh Tường- Tổng Thư ký Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm |
Là lãnh đạo của Tạp chí Thương hiệu và Sản Phẩm tôi cùng ban lãnh đạo toà soạn luôn trăn trở làm sao để đưa tạp chí bắt nhịp cùng với sự phát triển của nền báo chí nước nhà, nhất là thời đại báo chí 4.0 thông tin phải cập nhật từng giờ từng phút như hiện nay.
Chia sẻ về định hướng sắp tới, Nhà báo Trần Thanh Tường cho biết: “Bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng được ứng dụng và phát triển mạnh mẽ, các tòa soạn, cơ quan báo chí và đội ngũ Nhà báo, Biên tập viên đang đứng trước cả thách thức lẫn cơ hội trong định hướng sáng tạo nội dung.
Trong đó có cơ quan Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm của chúng tôi. Chính vì vậy, trong những năm tới, chúng tôi chú trọng đào tạo vào công tác nghiệp vụ chuyên môn, đào tạo chất lượng tin, bài trên các số Tạp chí định kỳ, trên nền tảng điện tử nhằm mang đến cho độc giả những tác phẩm chất lượng nhất.
Bên cạnh đó, Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm đẩy mạnh công tác hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội, xây nhà tình thương, tặng quà cho những hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh miền núi như Lào Cai, Yên Bái hay ủng hộ bão lũ tại miền Trung, giúp họ vượt qua mọi khó khăn về giá trị vật chất lẫn tinh thần.
Tôi mong muốn Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm càng ngày càng phát triển và phục vụ tốt hơn cho bạn đọc và Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam. Mong rằng trong những năm tiếp theo, cán bộ nhân viên trong tạp chí sẽ cùng nhau xây dựng để trưởng thành và vươn xa hơn nữa, giữ vững tinh thần “mắt sáng, lòng tron, bút sắc”.
Nhà báo Diệp Bắc – Trưởng Ban Phóng viên 1, Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm: Luôn đặt cái “tâm” vào ngòi bút và trang giấy
Nhà báo Diệp Bắc trong chuyến công tác tại lán Nà Nưa- Thủ đô cách mạng Tân Trào Tuyên Quang |
Khó khăn lớn nhất đối với một phóng viên khi triển khai một đề tài, một bài viết là khâu khai thác thông tin, tư liệu. Vì phải đưa tin đến độc giả nhanh nhất, đúng nhất nên người làm báo phải chạy đua với thời gian, bám sát thực tế, am hiểu rõ về vấn đề đang triển khai. Nói là vậy, nhưng thực tế để ra được một sản phẩm báo chí, người làm báo phải kết hợp nhiều kỹ năng như quan sát, nghiên cứu tài liệu, phân tích, tương tác, đặc biệt là sự chuẩn mực trong từng câu chữ…
Khó khăn là thế nhưng với sự đam mê, nhiệt huyết với nghề tôi luôn đặt tinh thần trách nhiệm cao nhất với công việc, luôn đặt cái tâm của người cầm bút; không ngừng nỗ lực để ngòi bút của mình được thỏa sức vẫy vùng sắc bén trên các mặt trận thông tin. Cố gắng đưa thông tin kịp thời tới bạn đọc trên mọi miền Tổ quốc.
Nhà báo Nguyễn Quyên – Phó Trưởng ban Thư ký, Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm: Đã làm báo thì không sợ “ăn bờ nằm bụi”
Nhà báo Nguyễn Quyên – Phó Trưởng ban Thư ký, Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm |
Tôi đã có thời gian gần 8 năm làm báo trong đó 4 năm gắn bó với “ngôi nhà chung” Thương hiệu và Sản phẩm. Thời gian không quá dài nhưng cũng không quá ngắn với một người trẻ làm báo như tôi và tôi cũng phần nào nếm trải các cung bậc cảm xúc “hỉ nộ ái ố” trong nghề báo.
4 năm công tác tại tạp chí, từng kinh qua nhiều vị trí công việc, với cương vị nào nhà báo Nguyễn Quyên cũng có những trải nghiệm đáng nhớ. “Khi ở vai trò là một phóng viên tôi và các anh chị em đồng nghiệp đã có những chuyến công tác dài ngày, thực hiện những đề tài đơn giản có, nguy hiểm có, ăn bờ nằm bụi cũng có. Còn ở vị trí vai trò là một “thư ký”, người “canh miếu, gác đền” với khối lượng công việc khá nhiều, đòi hỏi sự mẫn cán của người đảm nhiệm. Chính vì vậy điều chúng tôi mong muốn và cần chính là sự đồng hành, sự sẻ chia của những người đồng nghiệp, gia đình và người thân, sự thấu cảm từ độc giả”, Nhà báo Nguyễn Quyên chia sẻ.
Phóng viên Bùi Quang Hiếu, Tạp Chí Thương hiệu và Sản Phẩm: Khao khát được cống hiến nhiều hơn cho nghề
Phóng viên Bùi Quang Hiếu, Tạp Chí Thương hiệu và Sản Phẩm |
Nghề báo cho tôi nhiều kỉ niệm đẹp, được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người và hiểu thêm nhiều điều về cuộc sống. Đó là những vốn quý mà tôi đã may mắn có được. Tôi nhớ nhất là lần đầu tiên bay plycam để ghi lại hình ảnh khai thác khoáng sản trái phép ở Hoà Bình, vì chưa sử dụng thành thạo thiết bị nên cả người và máy suýt bị phát hiện.
Trong gần 3 năm công tác tại Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm tôi đã được tiếp cận nhiều câu chuyện về nhiều cuộc đời, bản thân tôi càng có khao khát được cống hiến nhiều hơn cho nghề, được dùng những tư liệu từ đời sống mà mình chắt lọc được để sáng tạo những tác phẩm báo chí mang tính thời sự và phản ánh hơi thở cuộc sống.
Nghề báo, đi cùng với vinh quang là hiểm nguy, nhất là những khi tác nghiệp ở vùng xâu vùng xa, hay trong môi trường khắc nghiệt, thời gian đêm tối. Rất may mắn tôi được gia đình chia sẻ và cùng gánh vác công việc.
Nghề báo cũng cần có sức khoẻ để đáp ứng với yêu cầu di chuyển nhiều, áp lực công việc cần nhanh, đúng, trúng, hay. Gắn bó với nghề dù có nhiều khó khăn, nhưng khiến cho cuộc sống của tôi thêm ý nghĩa, động lực.
Biên tập viên Đỗ Trọng Đạt - Ban Thư ký, Tạp Chí Thương hiệu và Sản Phẩm: Nghề báo là nghiệp và đi cho tới hết cuộc đời
Biên tập viên Đỗ Trọng Đạt - Ban Thư ký, Tạp Chí Thương hiệu và Sản Phẩm |
Tôi còn nhớ những ngày mới ra trường, chân ướt chân ráo đến với nghề báo, một Tổng biên tập có tiếng đã có lời khuyên: “Làm báo vốn rất vất vả, phải đam mê và bản lĩnh thì hãy theo cái nghề này. Muốn làm giàu thì đừng làm nghề báo...”.
Làm báo vốn đã khó khăn, ngày nay còn chẳng khác nào “tứ bề thọ địch”. Mấy thứ kiến thức trong trường đại học chẳng thấm tháp gì. Muốn tồn tại, cánh làm báo phải học đủ thứ để theo kịp xu thế. Bài báo không chỉ “sốt nóng” thông tin, câu chữ bóng bẩy mà còn phải chuẩn seo. Viết bài xong được xuất bản không phải đã yên mà còn phải theo dõi phản hồi từ độc giả, tác động xã hội từ bài viết đó như thế nào?
Ngoài áp lực công việc, áp lực giữ cho tâm sáng, nghề báo còn áp lực với cả thu nhập. Khi những công việc ngoài xã hội có mức lương vài chục triệu tới cả trăm triệu mỗi tháng cũng khiến người làm báo “chạnh lòng”.
Xã hội phong cho nghề báo là “quyền lực thứ 4” nhưng mỗi nhà báo vẫn chỉ thầm lặng đằng sau con chữ. Nghề báo gian nan, nhưng cũng có ánh hào quang đủ để những con người đam mê coi đó là nghiệp và đi cho tới hết cuộc đời.
Tình người nghĩa nghề |
Khai mạc Hội báo toàn quốc 2023: Ngày hội của những người làm báo chí truyền thông |
Hội VNPS và Hiệp hội VATAP chúc mừng Tạp chí TH&SP nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam |