Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nghiên cứu, tìm tòi để bổ sung thông tin cho mỗi bài báo. Ảnh Tư liệu |
Dành hơn 40 năm nghiên cứu về cuộc đời, tư tưởng sự nghiệp của Bác Hồ, đi khắp thế giới kể hàng nghìn câu chuyện cảm động, sâu sắc về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, GS.TS. Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực đã có những chiêm nghiệm, chia sẻ sâu sắc về nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh.
Mở đường cho nền Báo chí cách mạng Việt Nam
PV: Kính thưa GS. TS. Hoàng Chí Bảo! Ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập báo Thanh Niên, cơ quan của tổ chức Thanh niên Cách mạng Việt Nam. Sự kiện này có vị trí, vai trò như thế nào trong sự nghiệp cách mạng nước ta nói chung và sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam nói riêng, thưa ông?
GS. TS. Hoàng Chí Bảo: Báo “Thanh Niên” là “tờ báo bí mật đầu tiên của người cách mạng Việt Nam bằng chữ quốc ngữ, viết bằng giấy sáp, in bằng bàn in tay”. Báo “Thanh Niên” ra đời ngày 21/6/1925 đã phá vỡ độc quyền báo chí của thực dân Pháp, mở đường cho dòng báo chí cách mạng Việt Nam hình thành và phát triển.
Mục đích của báo là phản ánh tình hình xã hội nước ta lúc bấy giờ, khơi dậy lòng yêu nước, căm thù đế quốc thực dân, vạch trần những tội ác dã man của đế quốc Pháp, cổ vũ nhân dân đoàn kết nổi dậy làm cách mạng giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc; đồng thời, kêu gọi những người bị áp bức trên thế giới hãy đoàn kết lại. Xác định rõ mục đích là gửi về nước để tuyên truyền cho nhân dân, mà đối tượng chủ yếu là thanh niên, công nhân, nông dân với trình độ dân trí thấp (hơn 90% dân số mù chữ), Nguyễn Ái Quốc đã chọn lối viết ngắn gọn, súc tích, giản dị, dễ hiểu với nhiều hình thức phong phú như xã luận, bình luận, tranh vẽ, ca dao, thơ ca, khẩu hiệu, tin tức,…Với những nội dung dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ; từ những tin tức trong nước, thế giới đến những vấn đề cơ bản, đơn giản, bình dị đời thường nhất rồi từng bước dẫn dắt người đọc đến với những vấn đề lý luận, phương pháp tổ chức và hoạt động cách mạng.
Có thể thấy, báo “Thanh Niên” đã đưa ý thức hệ vô sản thấm sâu vào quần chúng nhân dân, báo giữ một vai trò lịch sử đặc biệt quan trọng, một phương tiện tuyên truyền hữu hiệu nhất về chủ nghĩa cộng sản, về Đảng cộng sản, về vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân, về công tác xây dựng Đảng vững mạnh, về những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga, về phong trào cách mạng vô sản thế giới,…“Đem lại cho thế hệ thanh niên, công nhân, nông dân Việt Nam thời đó một thế giới quan mới, một nhân sinh quan mới, một phương pháp tư duy mới, một chủ nghĩa anh hùng mới, góp phần mở đầu cho sự nghiệp đổi mới tư tưởng chính trị, phương pháp cách mạng và phong cách báo chí mới của Việt Nam”.
Sự ra đời của báo “Thanh Niên” đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng nước ta. Tờ báo đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình nhằm chuẩn bị những tiền đề về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự ra đời chính đảng tiên phong ở Việt Nam. Sự ra đời và những đóng góp của báo “Thanh Niên” đã mở ra một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam - bước ngoặt quyết định, góp phần tạo đà cho những thắng lợi về sau của cách mạng Việt Nam.
Vì vậy, ngày 21/6/1985, nhân kỷ niệm 60 năm ngày xuất bản tờ báo Thanh niên đầu tiên, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định lấy ngày 21/6 hàng năm vinh dự là Ngày Báo chí Việt Nam.
Báo Thanh Niên - Tờ báo cách mạng Việt Nam đầu tiên |
PV: Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ) đã đánh giá Hồ Chí Minh là “Nhà báo cách mạng vĩ đại”, sự “vĩ đại” ở đây hiểu thế nào cho đúng, thưa ông?
GS. TS. Hoàng Chí Bảo: Danh hiệu “Nhà báo cách mạng vĩ đại” mà Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ) đánh giá là kết quả hoạt động không mệt mỏi trong suốt cuộc đời đấu tranh cách mạng của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác sử dụng trên 170 bút danh để viết trên 2.000 bài báo bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, nhiều thể loại khác nhau (chính luận, tiểu phẩm, truyện, ký và thơ...) đề cập đến toàn bộ các vấn đề rộng lớn của cách mạng, của đời sống xã hội.
Sự vĩ đại của Nhà báo Hồ Chí Minh không chỉ được thể hiện ở những tác phẩm báo chí, mà còn ở tư tưởng về báo chí cách mạng, về nghệ thuật làm báo của Người. Tư tưởng ấy được thể hiện trên tất cả các mặt, từ sứ mệnh lịch sử của báo chí cách mạng; đạo đức nghề báo; vai trò, trách nhiệm của nhà báo trước Đảng, trước Nhân dân; cho đến những vấn đề liên quan đến phong cách, nghệ thuật, kỹ thuật viết báo…
Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò, vị thế của báo chí và đội ngũ những người làm báo: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Trong điện gửi Hội Nhà báo Á - Phi (1965), Bác Hồ viết: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng”.
Người khẳng định, báo chí cách mạng là một mặt trận chiến đấu của cách mạng; vì vậy viết báo và làm báo là làm “công tác cách mạng” để “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại”, và cán bộ báo chí là chiến sĩ trên mặt trận ấy, “bài báo là tờ hịch cách mạng”...
Tại Đại hội lần thứ II của Hội Nhà báo Việt Nam (1959), Bác dạy: “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình”. Đến Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam (1962), Bác lại nói: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng. Đạo đức đó là cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư”. Người tổng kết: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Hơn ai hết, nhà báo phải là người chí công vô tư, có hiểu biết rộng và nhất là có cái tâm trong sáng”…
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất đề cao nghệ thuật viết báo. Người đã từng chia sẻ về kinh nghiệm viết báo của mình trong những lần gặp gỡ đội ngũ những người làm báo trong cả nước.
Trong buổi nói chuyện tại Trường Chỉnh Đảng Trung ương ở rừng Việt Bắc (ngày 17-8-1952), Bác nêu rõ 4 vấn đề cơ bản trước những cán bộ báo chí: “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?” và đưa ra cách giải quyết cặn kẽ, phù hợp với các vấn đề đó: “Phải viết gọn, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi mà phải có đầu, có đuôi... Viết phải thiết thực, “nói có sách, mách có chứng”, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào? Người nói: “Muốn tiến bộ, muốn viết hay, thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện...”.
Đồng thời, Bác cũng khuyên người làm báo: “Chớ viết khô khan quá, phải viết cho văn chương, vì ngày trước khác, bây giờ khác, sinh hoạt đã cao hơn, người ta thấy hay, thấy lạ, thấy văn chương thì mới đọc”…
Với lòng yêu nước nhiệt thành và nhãn quan chính trị mẫn tiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết báo để phục vụ cách mạng, nhằm góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới. Mục đích cao đẹp ấy giúp Bác tạo ra những bài báo phong phú về chủ đề, đa dạng về phong cách nhưng rất gần gũi với mọi tầng lớp Nhân dân.
GS.TS. Hoàng Chí Bảo |
Cổ vũ cho cái thật, cái đẹp, cái đúng
PV: Trong bức thư ngày 25/5/1947 gửi trí thức Nam Bộ, trong đó có các nhà báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà…”. Theo ông, “phò chính, trừ tà” trong thư Bác được hiểu như thế nào?
GS. TS. Hoàng Chí Bảo: “Phò chính”, tức là phụng sự chính nghĩa, bảo vệ chính nghĩa, tuyên truyền cho chính nghĩa, cổ vũ cho cái thật, cái đẹp, cái đúng để cho mọi người noi theo. “Trừ tà”, là phê phán cái xấu, cái ác, cái suy đồi, cái phản tiến bộ. “Phò chính, trừ tà” mà Bác đề ra là tuyên ngôn về sứ mệnh của nền báo chí cách mạng Việt Nam, đồng thời là tuyên ngôn về sứ mệnh của người làm báo.
Hiểu rộng ra theo nghĩa “phò chính, trừ tà” là phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, bảo vệ chế độ, bảo vệ cuộc sống, lợi quyền của dân, vạch trần, phê phán và tẩy trừ những gì sai trái, làm tổn hại tới sự nghiệp cách mạng, tới lợi ích chung của xã hội, của Nhân dân. Nhất là trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, báo chí cần phải thể hiện vai trò và trách nhiệm của mình.
Phóng viên Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm tác nghiệp tại hiện trường |
PV: Quan điểm “Phò chính từ trà” của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa như thế nào với người làm báo trong thời đại hiện nay, thưa ông?
GS. TS. Hoàng Chí Bảo: Quan điểm “Phò chính từ tà” Bác Hồ dặn các nhà báo có thể coi là tuyên ngôn về đạo đức cách mạng của nhà báo, cũng là trách nhiệm lịch sử của giới báo chí.
“Phò chính trừ tà”, đứng về phương diện nhà báo là đạo đức, là bản lĩnh chính trị. Đứng về phương diện cơ quan báo chí thì nó là trách nhiệm lịch sử, trách nhiệm xã hội. “Phò chính trừ tà” ở đây có thể coi là lời nhắc nhở thường xuyên về đạo đức nghề nghiệp, ý thức, lòng tự trọng, danh dự, bản lĩnh chính trị của người cầm bút, và cũng là trách nhiệm xã hội cao nhất của giới báo chí phục vụ Đảng, phục vụ Tổ Quốc và Dân tộc.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và xã hội hóa thông tin hiện nay, mỗi bài báo đều có những tác động nhất định đến dư luận xã hội trong và ngoài nước. Do đó, người làm báo trong thời kỳ mới ngoài việc tự đổi mới bản thân, phải luôn giữ được sự chân thật trong tác phẩm - tôn chỉ cao đẹp nhất của nghề báo.
Muốn làm được điều đó đội ngũ những người làm báo phải luôn trau dồi đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ chuyên môn để đạt được 6 chữ mà nhà báo lão thành Hữu Thọ đã nói: “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.
PV: Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!