Theo Bloomberg, Nga đang xem xét áp giá sàn cho dầu bán ra thị trường quốc tế nhằm đáp trả giá trần mà nhóm quốc gia phát triển G7 áp dụng từ hôm 5/12 vừa qua. Theo hai quan chức không nêu tên, Moscow đang xem xét áp đặt một mức giá cố định cho các thùng dầu, hoặc quy định mức chiết khấu tối đa so với giá tiêu chuẩn quốc tế.
Hiện vẫn chưa có thông tin chính xác về mức giá sàn sẽ là bao nhiêu. Trong trường hợp kế hoạch này được áp dụng, các nhà giao dịch sẽ tập trung vào việc liệu giá sàn có nằm trên mức giới hạn của G7 hay thấp hơn nhiều.
Mức sàn sẽ rất quan trọng bởi doanh nghiệp chỉ có thể tiếp cận bảo hiểm và những dịch vụ khác của phương Tây khi trả giá từ 60 USD/thùng trở xuống. G7 đặt ra giá trần với hy vọng rằng dầu Nga sẽ tiếp tục chảy đến thị trường quốc tế, đồng thời hạn chế doanh thu của Điện Kremlin.
Một quan chức cho biết, Nga đặt mục tiêu cung cấp một cơ chế định giá minh bạch cho người mua dầu thô của mình, tuân thủ theo quy luật thị trường để chống lại giá trần của G7.
Nguồn tin này cũng nói thêm rằng Điện Kremlin không muốn làm mất lòng các quốc gia trung lập mua dầu thô của mình bằng cách tạo ra áp lực thông qua những biện pháp phi thị trường.
Nguồn tin của Bloomberg cho biết, một cách để áp giá sàn là đặt ra mức chiết khấu tối đa cho dầu của Nga so với giá dầu tiêu chuẩn toàn cầu. Các nhà sản xuất năng lượng của Moscow sẽ không được bán dầu với mức chiết khấu cao hơn giới hạn này. Đồng thời, mức chiết khấu sẽ được điều chỉnh thường xuyên, và dựa trên tình hình năng lượng toàn cầu.
Lựa chọn thứ hai là thiết lập một mức giá cố định, cũng được điều chỉnh thường xuyên. Nguồn tin nói rằng chính phủ Nga vẫn đang đánh giá phản ứng phù hợp.
Giá CFR bao gồm cả cước vận tải, chưa có bảo hiểm. |
Trước đó, vào hôm 6/12, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tuyên bố bất kỳ công cụ chống lại giá trần nào mà Nga định sử dụng sẽ được thông qua vào cuối năm nay, cho thấy Moscow không vội vàng.
Bộ Năng lượng cũng đã đề cập đến những tuyên bố gần đây của ông Novak. Điện Kremlin cho biết Nga vẫn đang xem xét phản ứng đối với mức trần. Điện Kremlin đang chuẩn bị một sắc lệnh của Tổng thống, cấm các công ty trong nước và bất kỳ thương nhân nào mua dầu Nga và bán cho những quốc gia tham gia áp giá trần.
Các quan chức hàng đầu, bao gồm cả Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã nhiều lần nói rằng Moscow sẽ không tuân thủ mức trần, cho rằng biện pháp này không dựa trên nguyên tắc thị trường, và có thể gây hậu quả nghiêm trọng với cân bằng cung cầu.
Phó Thủ tướng Novak cũng khẳng định rằng Nga sẽ ngừng cung cấp dầu cho bất kỳ khách hàng nào tuân theo mức trần, và sẵn sàng cắt giảm sản lượng tạm thời.
Theo Interfax, khi được hỏi về bài viết trên của Bloomberg, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov tuyên bố sẽ không có giới hạn trong việc Nga đáp trả động thái của G7.
Theo Reuters, ngay cả sau khi bị áp giá trần, hỗn hợp dầu ESPO của Nga từ cảng Kozmino ở Viễn Đông vẫn được bán ở mức giá 79 USD/thùng tại thị trường châu Á vào hôm 5/12. Mức giá này cao hơn 1/3 so với trần giá mà G7 và EU đã thông qua.
Nga hiện xuất khẩu 65 triệu tấn ESPO mỗi năm qua đường ống Đông Siberia-Thái Bình Dương (ESPO). Trong đó, 35 triệu tấn được xuất qua cảng Kozmino.
EU hoãn đàm phán về áp trần giá dầu nhập khẩu từ Nga sang tuần sau |
Loạt rủi ro từ phía nguồn cung đang quay lại “gõ cửa” thị trường dầu thô |
Châu Âu chốt trần giá dầu Nga ở mức 60 USD/thùng |