Điện Biên tưng bừng khai mạc Lễ hội Hoa Ban năm 2022 Quảng Nam: Khai mạc Lễ hội truyền thống Bà Thu Bồn năm 2022 Khai mạc trưng bày, quảng bá sản phẩm du lịch tại Lễ hội Hoa Ban 2022 |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - ông Trần Văn Tân trao bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội Bà Thu Bồn cho lãnh đạo địa phương. |
Lễ hội Bà Thu Bồn là lễ hội mang màu sắc tín ngưỡng dân gian được truyền lại qua bao đời nhằm thể hiện lòng thành kính, tôn vinh, tri ân công đức của Bà và các vị tiền nhân trong công cuộc mở cõi, lập làng, tạo cơ sở và điều kiện cho các thế hệ kế tiếp an cư lạc nghiệp, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội; thể hiện tinh thần đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Chăm, Cơtu, Kinh sinh sống vùng thượng lưu sông Thu Bồn.
Theo các vị cao niên trong làng, Dinh Bà Thu Bồn và lễ hội bà Thu Bồn được truyền từ đời này sang đời khác. Có rất nhiều truyền thuyết về hoàn cảnh xuất thân cũng như quá trình sinh sống của Bà Thu Bồn như:
Có truyền thuyết cho rằng Bà được sinh ra trong một gia đình giàu có tại làng Thu Bồn. Từ lúc lọt lòng mẹ, Bà đã có mái tóc dài ngang lưng, hàm răng trắng ngà, nước da trắng như sương và khuôn mặt đẹp tựa thiên thần.
Đặc biệt, Bà chỉ cười mà không cất tiếng khóc khi chào đời. Từ nhỏ, Bà đã có khả năng thiên bẩm về việc sử dụng các loại thảo dược để trị bệnh cứu người và động vật. Cho đến năm 50 tuổi thì Bà quy tiên đúng vào trưa ngày 12/2 âm lịch, hóa thân thành hoa sứ tỏa hương thơm ngào ngạt khắp cả một vùng.
Dân làng thành kính cung nghinh cỗ quan tài đầy hoa sứ về thờ phụng, xây dựng lăng mộ trang trọng để đền đáp, tưởng nhớ công lao to lớn của Bà lúc sinh thời cũng như sự hiển linh của Bà sau khi mất.
Lăng bà Thu Bồn ở xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. |
Có truyền thuyết khác cho rằng, Bà Thu Bồn là nữ tướng Chăm rất xinh đẹp, có mái tóc đen, dài óng mượt. Bà đã từng chinh chiến nhiều trận mạc.
Trong một lần thất thủ, bà men theo hướng Tây đến Phường Rạnh có địa hình hiểm trở, trước có sông sâu, sau có núi cao che chắn, ruộng đồng bao la, đảm bảo điều kiện quan trọng cho quân cơ, chờ thời cơ thuận lợi để phản công. Bà đã chọn đất này để định cư, làm căn cứ đóng quân, địa điểm lịch sử ấy là Dinh Bà hiện nay.
Cùng với việc chiêu quân và tổ chức luyện binh, Bà Thu Bồn còn cho quân lính đào giếng, đào ao, trồng lúa, chăn nuôi, dạy cho dân trồng dâu, nuôi tằm, quay tơ, dệt vải, cách dùng thảo mộc trong rừng để chữa bệnh cho người và vật nuôi. Vì thế, cho đến bây giờ, trong khu Dinh Bà vẫn còn các địa danh, di tích gắn với Bà Thu Bồn như giếng Bà, ao Bà, vườn Bà, rừng Bà, ghềnh Bà…
Trong một lần giao tranh bị thất bại, Bà Thu Bồn gieo mình xuống dòng sông tự vẫn, thân bà xuôi dòng về miền dưới, được dân làng Thu Bồn (xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên) an táng, thờ phụng và xây dựng Lăng Bà ngày nay.
Quang cảnh buổi lễ |
Dù có nhiều truyền thuyết về Bà Thu Bồn song tất cả đều hội tụ điểm chung. Bà là một cô gái xinh đẹp, có mái tóc dài, là hiện thân của lòng yêu thương con người, là người mẹ của quê hương, xứ sở mang sắc màu thần bí, hiển linh, là biểu tượng của khát vọng đất nước thái bình, là ý chí vươn lên để chiến thắng thiên tai địch họa và đói nghèo.
Sự hiển linh của Bà trong "Hộ Quốc Tý Dân" (Bảo vệ nước, che chở dân) được các vị vua Triều Nguyễn ban tặng 8 sắc phong: Một sắc phong thời Minh Mạng; 2 sắc phong thời Thiệu Trị; 2 sắc phong thời Tự Đức; Một sắc phong thời Thành Thái; Một sắc phong thời Duy Tân; Một sắc phong thời Khải Định.
Các sắc phong này cung cấp nhiều thông tin quý giá về phẩm cấp của Bà qua thời gian. Cấp bậc được thăng dần từ Bô Bô phu nhân tiết mông ban cấp Mặc phu Hiển tướng Trung Đẳng thần đến Bô Bô phu nhân Tư nguyên Trang huy Thượng Đẳng thần.
Lễ rước sắc trong lễ hội Bà Thu Bồn. |
Để ghi nhớ công ơn của Bà, từ bao đời nay, dân làng Thu Bồn đã góp công, góp của xây dựng Lăng Bà và hằng năm tổ chức các hoạt động tế lễ vào 2 ngày 11-12/ 2 âm lịch để tạ ơn Bà đã che chở, phù hộ và đó là cơ sở, là nền tảng văn hóa tâm linh để hình thành nên các hoạt động mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Lễ hội Bà Thu Bồn hội tụ những giá trị nhân văn vô cùng quý giá, mang đậm màu sắc tín ngưỡng, lịch sử, văn hóa rất cần được bảo tồn, phát huy và khai thác để góp phần giáo dục lòng yêu thương con người, yêu quê hương đất nước, góp phần phát triển du lịch trên địa bàn…
Ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - cho biết, lễ hội truyền thống Bà Thu Bồn là một hình thái lễ hội dân gian được hình thành từ khi người Việt ở phía Bắc di cư đến khai phá vùng đất mới lập làng xã vào thế kỷ XV.
Ông Trần Văn Tân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại buổi lễ |
Sau đó giao thoa diễn biến văn hóa Champa, văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Nam để tạo nên tín ngưỡng thờ mẫu Bà Thu Bồn với những giá trị văn hóa đặc sắc, được bảo tồn phát huy cho đến ngày nay.
"Sức lan tỏa, sự bám rễ sâu bền trong đời sống xã hội của tín ngưỡng thờ mẫu Bà Thu Bồn xuất phát từ chính nguyện vọng chính đáng của nhân dân luôn cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thái dân an, làng xã được ấm no, hạnh phúc; góp phần thắt chặt nghĩa đồng bào, khơi dậy hồn thiên, sông núi, xây dựng bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng tiêu biểu cho đời sống tín ngưỡng dân gian của cư dân miền Trung nói chung và cư dân tỉnh Quảng Nam nói riêng", Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam phát biểu.
Làm lễ Đại tế theo nghi thức truyền thống trong khu di tích lăng Bà Thu Bồn |
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân nhấn mạnh Lễ hội Bà Thu Bồn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, một hình thái văn hóa phi vật thể tín ngường thờ mẫu có quy mô lớn nhất tỉnh Quảng Nam. Đây là sự kiện rất quan trọng trong Năm Du lịch Quốc gia năm 2022, ghi nhận sự nỗ lực của người dân và chính quyền các địa phượng nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử trong nhiều năm qua.
Những đóng góp của nghệ nhân, người dân đã nỗ lực giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa tín ngưỡng dân gian được lưu truyền từ ngàn đời.
Lễ hội độc đáo Bà Thu Bồn được người dân Duy Tân duy trì, tổ chức hằng năm đã nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cộng đồng dân cư sống dọc theo hai bên bờ sông Thu Bồn và là sợi dây cố kết cộng đồng, cùng nhau vượt qua khó khăn của thiên tai, chiến thắng địch họa, xây dựng quê hương phát triển./.