Theo Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), lãi suất tiền gửi đã liên tục được các NHTM điều chỉnh giảm từ đầu năm và hiện duy trì ở mức 3,15-4,25%/năm với kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng, 4,4-6,5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng. Trong khi đó, vào thời điểm đầu năm, lãi suất tiền gửi ổn định ở mức 4,1-5%/năm cho kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,3-7,4%/năm cho kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng.
Trong bối cảnh diễn biến của dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ảnh hưởng tiêu cực thì thanh khoản dồi dào ở hệ thống ngân hàng và môi trường lãi suất thấp tiếp tục là yếu tố hỗ trợ tích cực hơn cho TTCK Việt Nam trong giai đoạn tới, báo cáo SSI Research nhận định.
Quý II, TTCK Việt Nam bị khối ngoại bán ròng mạnh nhưng vẫn phục hồi kèm thanh khoản cao với sự hỗ trợ của dòng tiền đến từ nhà đầu tư trong nước. Theo nhiều chuyên gia, một phần nhờ lãi suất tiết kiệm ngày càng giảm trong thời gian gần đây đã tạo cơ hội cho TTCK thu hút lượng tiền gửi trong dân.
Đồng thời, lãi suất thấp cũng có thể giúp thị trường chứng khoán thu hút được nguồn tiền dự trữ lớn từ các doanh nghiệp thông qua mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ hay đầu tư cổ phiếu doanh nghiệp khác.
Lãi suất thấp tiếp tục là yếu tố hỗ trợ tích cực hơn cho TTCK Việt Nam
Theo thống kê của FiinPro, xét trên 830 doanh nghiệp đã công bố BCTC quý II (loại trừ doanh nghiệp đặc thù như ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán), lượng tiền, tương đương tiền và khoản đầu tư tài chính ngắn hạn đạt hơn 500.000 tỷ đồng, tăng thêm 20.800 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ trọng các khoản mục này chiếm tỷ trọng 13% trên tổng tài sản, tăng so với mức 12,5% thời điểm đầu năm.
Thông thường, doanh nghiệp tích trữ tiền ở ngân quỹ hay tiền gửi không kỳ hạn trong ngân hàng, hay còn gọi là tiền mặt; tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng là tương đương tiền; tiền gửi kỳ hạn trên 3 tháng dưới 1 năm, trái phiếu hay chứng khoán kinh doanh được phân vào nhóm khoản đầu tư tài chính ngắn hạn.
Hiện nay, đa phần doanh nghiệp lựa chọn kênh tiền gửi kỳ hạn, giải pháp an toàn để đầu tư khoản tiền nhàn rỗi trong ngắn hạn. Một số ít doanh nghiệp khác dùng phần nhỏ khoản tiền dự trữ để đầu tư chứng khoán như Tổng công ty Dầu Việt Nam (UPCoM:OIL), Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE:KBC), Công ty Đầu tư Sài Gòn VRG (UPCoM:SIP), Công ty Đầu tư Thương mại SMC….
Tuy nhiên, lãi suất thấp và để tối ưu hóa dòng tiền trong bối cảnh dịch bệnh khiến kế hoạch đầu tư bị giãn hoặc hoãn lại như hiện nay, nhiều khả năng các doanh nghiệp có thể lựa chọn thị trường chứng khoán, nơi có tính thanh khoản cao không kém giữ tiền mặt nhưng cơ hội kiếm lời cao hơn.
Như trường hợp Công ty Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) đã trích 193,5 tỷ đồng trên 1.579 tỷ đồng (tỷ lệ 12,2%) vốn là tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng dưới 1 năm để đầu tư vào thị trường chứng khoán, điều này mới xuất hiện trên BCTC quý II năm nay của Vĩnh Hoàn.
Theo đó, doanh nghiệp thủy sản đã lựa chọn cổ phiếu MWG của Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động, cổ phiếu FPT và cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát với tỷ lệ giải ngân lần lượt 87,3 tỷ, 28,6 tỷ và 23,6 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn rót 50 tỷ đồng vào các cổ phiếu khác.
Trong khi đó, quý II, TTC Sugar (HoSE: SBT) mở rộng danh mục kinh doanh chứng khoán ra cổ phiếu của Chứng khoán Bản Việt (VCI) và Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA). Trước đó, danh mục đầu tư chứng khoán của SBT gồm doanh nghiệp thành viên trong Tập đoàn TTC như Điện Gia Lai (GEG) và Du lịch Thành Thành Công (VNG).
Hay Gelex (HoSE: GEX) tăng đầu tư cổ phiếu niêm yết từ 42,3 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên 283 tỷ đồng trong quý I, sang quý II hạ xuống 175,6 tỷ đồng (xét theo giá gốc). Song, doanh nghiệp không thuyết minh rõ đầu tư cổ phiếu nào.
Tuy nhiên, “lợi nhuận cao thì rủi ro cao”, nếu doanh nghiệp không suy xét cẩn trọng trong đầu tư thì có thể phải chịu hậu quả giảm lợi nhuận do dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư.
Công ty Đầu tư Thương mại SMC (HoSE: SMC) có danh mục đầu tư vào nhiều doanh nghiệp thép trên sàn như Pomina (HoSE:POM), Thép Nam Kim (HoSE:NKG), Thép Việt Nam (UPCom:TVN), Thép tấm lá TN (UPCoM:TNS). Quý I trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, thị trường chứng khoán lao dốc đã khiến danh mục đầu tư cổ phiếu của SMC giảm giá trị đến gần 60%, phải trích lập dự phòng đẩy lãi ròng giảm theo. Tuy nhiên, qua quý II, danh mục phục hồi trở lại, SMC được hoàn nhập phần giá trị đã trích lập trong quý I. Nhờ vậy, lợi nhuận quý II hồi phục và đạt mức tương đương cùng kỳ năm trước.
Tương tự, Công ty Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) cũng phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư 114,3 tỷ đồng trong quý I cho danh mục cổ phiếu Casumina (HoSE:CSM), Cao su Tây Ninh (HoSE:TRC), Tập đoàn Công nghiệp Cau su Việt Nam (HoSE:GVR)… Đến quý II, thị trường hồi phục lại, doanh nghiệp được hoàn nhập lại 17,7 tỷ đồng dự phòng.
Hồng Nhung