Nhiều người dân ở xã Ea Kênh ( huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) phát hiện vườn sầu riêng nhà mình được cấp mã số do một doanh nghiệp khác đứng tên. |
Không thể lựa chọn đối tác khác
Câu chuyện mập mờ mã số vùng trồng là chủ đề bàn tán xôn xao của người dân thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk trong 2 tuần nay. Đứng giữa vườn sầu riêng rộng gần 2ha đã trồng 18 năm, bà Lê Thị Hương cùng 1 vài người hàng xóm rất bức xúc, khi nói về việc toàn bộ diện tích sầu riêng tại đây đã bị Công ty TNHH Thương mại nông sản Thiện Tâm làm thủ tục cấp mã số vùng trồng, trong khi chính họ là người trồng lại không hề hay biết. Bà Hương khẳng định, quá trình làm hồ sơ cấp mã số vùng trồng, DN đã không thông qua chủ vườn và cũng không thu mua sầu riêng tại đây.
“Mã số vùng trồng DN nói có làm cho người dân tại thôn Tân Bắc này, nhưng trên thực tế họ không vào đây để hỏi thăm xem vườn này bán như thế nào để họ mua. Không có DN nào đến mua trái nên nhà vườn phải bán cho thương lái khác nên giờ người dân yêu cầu tỉnh, huyện, xã làm cho rõ vấn đề này”, bà Hương bức xúc.
Lý giải về vấn đề này, ông Hoàng Trọng Cường, Trưởng thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh cho biết, thôn có khoảng 100ha sầu riêng đang kinh doanh. 2 năm trước, đại diện Công ty TNHH Thương mại nông sản Thiện Tâm có đến thôn đề nghị bà con kê khai diện tích, tuy nhiên phía DN lại không giới thiệu rõ ràng và cũng không nói rõ mục đích kê khai làm gì.
Krông Pắk là vùng trọng điểm sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk, với diện tích kinh doanh trên 2.500 ha. |
Gần đây, khi sầu riêng trong vùng được xuất khẩu chính ngạch, một số DN khác có đến liên hệ với tổ hợp tác của thôn, đề nghị liên kết làm hồ sơ mã số vùng trồng, thu mua và bao tiêu sản phẩm. Trong quá trình làm hồ sơ mới phát hiện mã số vùng trồng của nhiều vườn cây trong thôn đã được cấp cho Công ty Thiện Tâm.
“Có rất nhiều DN đến địa phương muốn liên kết với các hộ dân làm hồ sơ mã số vùng trồng, cam kết bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu chính ngạch. Lúc này trong thôn có 2 tổ hợp tác, người ta kê khai để đi làm mã vùng trồng nhưng khi xuống huyện lại được trả lời mã số vùng trồng này đã được cấp. Mong muốn của bà con lúc này cần làm rõ việc DN tự ý đăng ký mã vùng trồng, vì việc này gắn liền với quyền lợi và sản phẩm của người dân”, ông Cường cho biết.
Xử lý dứt điểm tránh ảnh hưởng đến xuất khẩu sầu riêng
Chi cục bảo vệ thực vật Đăk Lăk cho rằng, xảy ra sự việc này là do có bất cập trong quy trình quản lý. Đơn vị đã kiến nghị tỉnh tổ chức họp với các địa phương và DN để khắc phục, đảm bảo hoạt động cấp mã vùng trồng và quản lý, sử dụng mã được minh bạch, hài hòa lợi ích của các bên.
Theo ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Đăk Lăk, trong suốt quá trình gần 4 năm kể từ khi triển khai cấp mã vùng trồng sầu riêng đến khi đàm phán thành công, ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật với sản phẩm này, các nỗ lực của Cục bảo vệ thực vật và các đơn vị, địa phương ở Đăk Lăk chủ yếu hướng tới các quy trình kỹ thuật nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm. Việc phân công, phân nhiệm cho các bên liên quan, gồm nông dân, DN và các cơ sở đóng gói và cơ quan quản lý, trong việc quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, chưa được kiện toàn.
Thêm vào đó, việc phê duyệt các mã số được xuất khẩu chính ngạch của phía Trung Quốc diễn ra khi sầu riêng đã vào cuối vụ, khiến các DN vội vàng, có sơ xuất trong phối hợp với nông dân…. Điều này dẫn đến các tranh chấp gây tai tiếng cho ngành sản xuất đầy tiềm năng của địa phương. Ông Lê Văn Thành cho biết, sẽ có một cuộc họp cấp tỉnh để nhận diện và chấn chỉnh những bất cập đang tồn tại.
“Đến ngày 11/7 vừa qua, Nghị định thư được ký kết lúc ấy mới triển khai (phổ biến các yêu cầu của nghị định thư), nhưng chủ yếu triển khai cho cán bộ chứ chưa kịp phổ biến tới nông dân. Đến mấy ngày lễ 2/9 do bận lễ hội để nâng thương hiệu nên cũng không ai để ý mấy điều đó. Ngày 17/9 khi xuất khẩu lô đầu tiên sầu riêng đã vào cuối vụ, DN cũng lo, rất vội đủ thứ việc nên người ta cũng không đến được nhà vườn để phổ biến lại. Dự kiến đến ngày 18 hoặc 19/10, Đăk Lăk sẽ có cuộc họp, mời tất cả các huyện, thị xã, thành phố và đại diện một số mã vùng trồng, bàn thảo lại các khó khăn vướng mắc và tham mưu phân cấp cụ thể các Sở, ban, ngành”, ông Thành thông tin.
Sản phẩm sầu riêng Krông Pắk chủ yếu tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu tiểu ngạch. |
Theo quy định cấp mã vùng trồng trái cây do Cục bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) ban hành, trong Hồ sơ đăng ký cấp mã “phải có tên người đại diện mã vùng trồng” và có “giấy cam kết thu mua trái cây tươi của các hộ nông dân”. Tuy nhiên, quy định này không nêu rõ điều kiện để được công nhận là người đại diện hợp pháp và không nêu rõ cam kết thu mua là cam kết với Cục Bảo vệ thực vật, hay với các nông hộ là chủ của mã vùng trồng được cấp.
Đây là 2 lỗ hổng chính, dẫn đến một số hộ dân ở Krông Pách không công nhận DN đăng ký mã số là người đại diện của mình và sản phẩm đã thu mua cũng không có căn cứ để đảm bảo đúng xuất xứ của vùng trồng được cấp./.