Đại biểu dự buổi lễ. |
Đến dự buổi lễ, đại biểu Trung ương có đồng chí Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL.
Về phía Thành phố Hà Nội, có các đồng chí: Chu Ngọc Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố; Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố; Hà Minh Hải - Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố; Đỗ Đình Hồng - Thành uỷ viên, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao Hà Nội; Nguyễn Sĩ Trường - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội.
Về phía quận Đống Đa có các đồng chí: Đinh Trường Thọ - Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy; Nguyễn Anh Cường, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy; Lê Tuấn Định - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân quận Đống Đa.
Phát biểu khai mạc lễ hội và giới thiệu về giá trị di tích Quốc gia đặc biệt đền Kim Liên, đồng chí Lê Tuấn Định - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân quận Đống Đa cho biết, ngược dòng lịch sử, trong quá trình định đô, bên cạnh việc xây dựng trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, triều Lý còn đưa Thăng Long trở thành trung tâm lớn về tôn giáo của quốc gia Đại Việt. “Thăng Long tứ trấn” hay “Tứ trấn Thăng Long” là cụm từ thường dùng để chỉ bốn di tích, bốn ngôi đền linh thiêng, tiêu biểu trấn giữ bốn phương của kinh thành.
Tương truyền vào buổi đầu định đô ở miền đất này, với những đóng góp lớn lao của các vị thần cho vương triều Lý, bốn ngôi đền đã lần lượt được dựng lên: Phía Đông là đền Bạch Mã, thờ thần Long Đỗ; phía Tây là đền Voi Phục, thờ thần Linh Lang; phía Nam là đền Kim Liên, thờ thần Cao Sơn; phía Bắc là đền Quán Thánh, thờ thần Huyền Thiên Thượng đế.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đánh trống khai hội. |
Thăng Long tứ trấn chính là bốn di tích tiêu biểu, trấn giữa bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc của kinh thành Thăng Long các thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội thời Nguyễn. Ngày nay, thuộc địa giới hành chính ba quận: quận Đống Đa là đền Kim Liên, quận Hoàn Kiếm là đền Bạch Mã; quận Ba Đình là đền Voi Phục và đền Quán Thánh.
Bởi vậy, trong suốt hơn một ngàn năm qua, trong không gian văn hóa, lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, các di tích thuộc Thăng Long tứ trấn, trong đó có đền Kim Liên đã luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng.
Sự tồn tại của "Thăng Long tứ trấn" là lời gợi nhắc, dấu ấn ghi tạc về sự thịnh trị của kinh thành Thăng Long xưa và bảo vệ, che chở cho Hà Nội ngày nay, góp phần làm nên sự đa dạng, giàu có cho tài nguyên di sản văn hóa trên mảnh đất nghìn năm văn hiến.
Đền Kim Liên được xây dựng trên một gò đất cao thuộc làng Kim Hoa vốn là một trong 36 phố phường hợp thành kinh đô Thăng Long đời Lê, sang thời Nguyễn, do kiêng húy tên mẹ vua mới đổi là Kim Liên như ngày nay.
Từ xa xưa, đây đã là khu vực tập trung đông đúc dân cư, có bề dày lịch sử rất lâu đời. Cùng với sự hình thành và phát triển của xóm làng, để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tinh thần, với trí sáng tạo tuyệt vời, bằng sự tài hoa, khéo léo và trên hết, đó là niềm thành kính vô hạn đối với các bậc tiền nhân, người dân nơi đây đã kiến tạo lên vô số các công trình tôn giáo, tín ngưỡng trong đó có di tích đền Kim Liên.
Lễ hội truyền thống Đền Kim Liên - phường Phương Liên, quận Đống Đa. |
Theo các tài liệu lịch sử, đền Kim Liên được khởi dựng từ thời Lý, thờ thần Cao Sơn đại vương - vị thần đã bảo hộ, phù trì giúp nhân dân chống lại thiên tai, cường địch, giữ gìn sự bình yên trong cuộc sống. Tương truyền, Thần là con của Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc mẫu Âu Cơ. Do có công giúp thần Sơn Tinh đánh Thủy Tinh, nên rất được đề cao trong hệ thống thần thoại về buổi đầu dựng nước của dân tộc ta.
Đầu thời Lê Trung Hưng, thần Cao Sơn tiếp tục phù giúp vua Lê Tương Dực dẹp loạn, giành lại ngai vàng. Trên tấm bia “Cao Sơn Đại Vương thần từ bi minh”, dựng năm 1510 cho biết: Khi vua Lê Tương Dực khởi binh dẹp loạn, có ba vị đại thần thụ mệnh đem quân đi chinh phạt, đến địa phận huyện Phụng Hóa (Nho Quan, Ninh Bình) thấy có ngôi đền cổ đề 4 chữ “Cao Sơn Đại Vương” rất lấy làm kinh dị, bèn vào khẩn cầu mong thần phù giúp.
Quả nhiên 10 ngày sau đó thành công. Nhớ ơn thần ngầm giúp, năm 1509, nhà vua đã cho xây dựng lại đền thờ thần khang trang, to đẹp hơn ở làng Đồng Lầm, phường Kim Hoa, nay là làng Kim Liên, phường Phương Liên, quận Đống Đa.
Trải qua thời gian dài tồn tại, vượt qua muôn vàn những tác động, ảnh hưởng tiêu cực của chiến tranh, loạn lạc và mưa bão khắc nghiệt, dưới sự bao bọc, bảo vệ của cộng đồng dân cư và sự quan tâm của chính quyền các cấp, kiến trúc của đền Kim Liên, trong đó có nhiều hạng mục mang đậm dấu ấn từ thời Lê Trung Hưng vẫn được bảo tồn nguyên trạng.
các tiết mục biểu diễn tại buổi lễ |
Tại Đền hiện đang lưu giữ nhiều di vật, cổ vật hết sức quý giá, trong đó tiêu biểu nhất là bản gốc 33 đạo Sắc Phong của các vua nhà Lê, nhà Nguyễn (có Sắc Phong được ban tặng cách đây đã 402 năm) và tấm bia đá “Cao Sơn Đại Vương Thần Từ Bi Minh” do Thượng thư Bộ Lễ - Đông các Đại học sĩ Lê Tung phụng soạn vào năm Canh Ngọ (1510), nội dung ca ngợi công đức của thần Cao Sơn Đại Vương, cũng như các vị thần được thờ tại đền Kim Liên.
Đây là những bảo vật quý hiếm, không chỉ có giá trị chứa đựng cứ liệu lịch sử liên quan đến di tích nói riêng, lịch sử các triều đại phong kiến nói chung, mà còn chứa đựng nhiều thông tin khoa học quý giá về thư pháp, ngôn ngữ học, mỹ thuật truyền thống Việt Nam.
Có thể nói, cùng với các di tích thuộc Thăng Long tứ trấn, đền Kim Liên và sự tích về thần Cao Sơn Đại Vương là minh chứng rõ nét về tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm đấu tranh, lao động bền bỉ để chinh phục, cải tạo thiên nhiên của cha ông ta vào buổi đầu định đô, mở nước; góp phần cung cấp nhiều thông tin giá trị về phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần của cư dân và quy mô của kinh đô Thăng Long xưa.
Lễ hội đền Kim Liên diễn ra vào 16 tháng Ba âm lịch, để người dân và khách thập phương tỏ lòng ngưỡng vọng, biết ơn tới thần Cao Sơn đã che chở, ban phúc lộc cho người dân. Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu đó, đền Kim Liên cùng với các di tích thuộc "Thăng Long tứ trấn" đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 93/QĐ-KGVX ngày 18-1-2022).
Chủ tịch Ủy ban nhân quận Đống Đa Lê Tuấn Định phát biểu tại buổi lễ. |
Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định nhấn mạnh, cùng với các di tích thuộc "Thăng Long tứ trấn", đền Kim Liên và sự tích về thần Cao Sơn Đại Vương là minh chứng rõ nét cho tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm đấu tranh, lao động bền bỉ, để chinh phục, cải tạo thiên nhiên của cha ông ta vào buổi đầu định đô, mở nước; góp phần cung cấp nhiều thông tin giá trị về phong tục, tập quán, đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần của cư dân và quy mô của kinh đô Thăng Long xưa.
Việc cụm di tích "Thăng Long tứ trấn", trong đó có đền Kim Liên, được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt là niềm tự hào của mỗi người dân Hà Nội nói chung, nhân dân Đống Đa nói riêng. Đi liền với đó là trách nhiệm, những nỗ lực không ngừng để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.
Để tiếp tục phát huy hơn nữa giá trị của di tích, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Chủ tịch UBND quận Đống Đa khẳng định, thời gian tới thực hiện tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú; tăng cường công tác quản lý nhà nước về di tích, lễ hội gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Khai thác, phát huy tiềm năng về du lịch của các di tích, lễ hội; tiếp tục thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các nội dung của chuyên đề "Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống trên địa bàn quận Đống Đa giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn đến năm 2030".
Đồng thời, xây dựng quy hoạch tổng thể đối với các di tích, trước hết là đối với các di tích quốc gia đặc biệt gò Đống Đa và đền Kim Liên; thu thập dữ liệu, bước đầu nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền công nhận lễ hội Đống Đa và lễ hội đền Kim Liên là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Chu Ngọc Anh trao Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Thăng Long tứ trấn - đền Kim Liên. |
Trong những năm qua, sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa trên địa bàn thủ đô Hà Nội, trong đó có quận Đống Đa, đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Mỗi di tích, lễ hội đã thực sự là một địa chỉ đỏ, góp phần quan trọng trong công tác giáo dục truyền thống, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh, với những phẩm chất tiêu biểu của con người Việt Nam, đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái, sự tinh tế trong ứng xử, giản dị trong lối sống.
Những giá trị bản sắc đó, được kết tinh qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, là nền tảng vững chắc tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp chúng ta đoàn kết vượt qua những khó khăn thách thức, đã một lần nữa được minh chứng rõ nét khi nhân dân và cán bộ quận Đống Đa cùng Thủ đô và cả nước ngăn chặn, đẩy lùi thành công dịch bệnh Covid 19 trong thời gian vừa qua.