Rút giấy phép đơn vị kinh doanh vàng không có hóa đơn điện tử Nội dung thanh tra hoạt động kinh doanh vàng rất rộng Thanh tra 4 doanh nghiệp kinh doanh vàng và 2 ngân hàng |
Lực lượng QLTT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiến hành kiểm tra đột xuất doanh nghiệp kinh doanh vàng. (Ảnh: Cục QLTT) |
Từ ngày 8/4-17/5, lực lượng QLTT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiến hành kiểm tra đột xuất 49 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ trên địa bàn. Qua đó đã phát hiện 49 doanh nghiệp đều vi phạm với các hành vi như kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ; bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục kinh doanh có điều kiện; không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật.
Cục QLTT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiến hành xác minh làm rõ và ban hành quyết định xử phạt đối với 31 doanh nghiệp với tổng số tiền hơn 864 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 426 triệu đồng. Số doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ còn lại đang tiếp tục xác minh làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trong thời gian tới, Cục QLTT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục chỉ đạo các đội kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tại Cà Mau, Cục QLTT đã xử phạt hành chính đối với 6 doanh nghiệp kinh doanh vàng vi phạm giả mạo nhãn hiệu hàng hóa với tổng số tiền phạt 272 triệu đồng.
Hay tại TP.HCM, tính đến ngày 14/5 đã phát hiện, kiểm tra đối với 35 cơ sở kinh doanh vàng. Qua đó, lực lượng chức năng đã tạm giữ 719 đơn vị sản phẩm là nhẫn, dây chuyền, lắc đeo tay, mặt dây chuyền... không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ với tổng giá trị hơn 1,3 tỷ đồng.
Tính đến nay, Cục QLTT TP.HCM đã xử phạt 21 vụ với số tiền 1,28 tỷ đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Tại Nghệ An, ngày 15/5, Cục QLTT tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành quyết định xử phạt doanh nghiệp kinh doanh vàng có trụ sở tại huyện Đô Lương với mức phạt 55 triệu đồng vì hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Tại Tiền Giang, cơ quan chức năng tỉnh này xử phạt 12 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn các huyện Cái Bè, Cai Lậy do không thể hiện đầy đủ trên biển hiệu tên cơ sở kinh doanh.
Cục QLTT Long An hồi đầu tháng cũng xử phạt 57 triệu đồng đối với 2 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức trên địa bàn TP Tân An và huyện Châu Thành do có hành vi vi phạm về nhãn hàng hóa.
Trước đó hồi tháng 4, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra 18 cơ sở, phát hiện 12 cơ sở vi phạm trong kinh doanh mặt hàng vàng với tổng số tiền phạt hơn 221 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu về nhãn hàng hóa và niêm yết giá không rõ ràng, vi phạm về điều kiện kinh doanh.
Ngoài các đơn vị nhỏ lẻ, tới đây, các "ông lớn" kinh doanh vàng cũng bị thanh tra.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ thanh tra 4 doanh nghiệp kinh doanh vàng gồm: Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu. Cùng với đó là Ngân hàng TMCP Tiên Phong và Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam.
Thời gian thanh tra là 45 ngày. Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2020-15/5/2024. Khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.
Nội dung thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền.