Người dân đem trâu chết đi chôn. |
Ngày trâu vẫn ăn cỏ bình thường đêm lăn ra chết
Thời gian quan, một số gia đình nuôi trâu trên địa bàn xã Noong Hẻo (huyện Sìn Hồ, Lai Châu) lo lắng, trâu của họ nghi bị chết bất thường, ban ngày vẫn ăn cỏ bình thường, nhưng chỉ qua một đêm, chúng bỗng lăn đùng ra chết.
Bà Tòng Thị Dơi ở bản Noong Hẻo 2, xã Nông Hẻo (huyện Sìn Hồ, Lai Châu) cho biết, gia đình bà nuôi trâu để phục vụ cày bừa và để bán thịt, từ hàng chục năm nay không có gì thay đổi bất thường, việc chăn thả vẫn diễn ra như thói quen hàng ngày. Tuy nhiên, gần đây trâu của gia đình bà và các hộ dân trên địa bàn xã bắt đầu xuất hiện tình trạng chết đột ngột. Ban ngày trâu chăn thả bình thường nhưng đến sáng hôm sau trâu nhốt ở chuồng đã lăn ra chết. Con trâu có hiện tượng chướng căng bụng, không rõ nguyên nhân.
“Gia đình tôi nuôi 3 con trâu tháng trước tự nhiên chết mất 1 con. Mất bao nhiêu công sức chăm nuôi, tôi tiếc lắm. Giờ còn 2 con, chúng tôi không dám mang về nhà nhốt trong chuồng nữa. Mong các cấp chính quyền xem xét, giúp đỡ”, bà Tòng Thị Dơi nói.
Người dân vùng cao vẫn duy trì lối chăn thả nên rất khó kiểm soát dịch bệnh đàn trâu. |
UBND xã Noong Hẻo cho biết thời gian qua, trên địa bàn xã có hiện tượng trâu bị chết chưa rõ nguyên nhân. UBND xã cũng đã thông báo đến các trưởng bản, thú y xã kiểm tra hiện tượng trâu chết bất thường. Tuy nhiên, do trâu chết đột ngột nên chính quyền xã không có điều kiện lấy mẫu. UBND xã cũng đã tuyên truyền các hộ dân không được ăn thịt trâu chết mà phải đem chôn.
Theo ông Lò Văn Hươi, Phó Chủ tịch UBND xã Noong Hẻo cho biết từ đầu năm 2023, UBND xã đã chỉ đạo kế hoạch tiêm phòng, phun tiêu độc khử trùng cho các hộ chăn nuôi trâu. Tuy nhiên, hiện nay xã vẫn phát hiện trâu của bà con chết đột ngột chưa rõ nguyên nhân. Trước tình hình đó, xã cũng đã báo cáo cấp trên xuống kiểm tra, xác minh, tìm nguyên nhân.
Với người dân vùng cao, con trâu không chỉ giúp họ cày bừa mà còn là tài sản lớn. Mỗi con trâu ước tính có giá tới hàng chục triệu đồng. Vì vậy, hiện tượng trâu chết bất thường khiến bà con ở Noong Hẻo hết sức lo lắng.
Nghiêm cấm việc vận chuyển, giết mổ gia súc chết bất thường
Vừa qua, Sở Y tế tỉnh Lai Châu cho biết, từ đầu tháng 6 đến nay, trên địa bàn huyện Sìn Hồ đã ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh Than. Cả 3 bệnh nhân đều tham gia mổ và ăn thịt trâu chết nghi do mắc bệnh than của người dân trong xã.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh than chủ yếu là do gia súc chưa được tiêm vaccine nhiệt thán. Khi trâu bò chết, bà con không khai báo, tự ý giết mổ, ăn thịt, dẫn tới bệnh lây sang người. Các triệu chứng điển hình ở người mắc bệnh than nhiễm qua da là xuất hiện vết rộp, u nhỏ và ngứa như khi bị côn trùng đốt. Nếu bệnh nhiễm qua đường tiêu hóa thì xuất hiện triệu chứng đau đầu, đau bụng, tiêu chảy, khó thở hay đau nhức toàn thân.
Người dân huyện Sìn Hồ chăm sóc phòng bệnh cho trâu. |
Theo Sở Y tế, tình hình dịch bệnh chưa ổn định do nguồn lây tại chỗ, có nhiều người tham gia mổ và ăn thịt trâu chết, vi khuẩn khi sinh nha bào có thể tồn tại thời gian dài trong môi trường đất.
Trong thời gian tới, có thể ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới nếu người dân không thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch cả trên người cũng như trên động vật.
Do vậy Sở Y tế đề nghị các địa phương tiến hành xác minh tình hình động vật chết trên địa bàn và lập danh sách những người liên quan, đưa bệnh nhân đi điều trị hạn chế lây lan mầm bệnh và diễn biến nặng dẫn đến tử vong.
Đồng thời tổ chức đi thu gom, tiêu hủy thực phẩm còn lại của những con trâu bị bệnh tiêu hủy theo quy định của cơ quan thú y.
Đặc biệt nghiêm cấm việc vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ gia súc mắc bệnh, chết bất thường trên địa bàn. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vận chuyển, giết mổ, chế biến, tiêu thụ gia súc bị bệnh.
Cán bộ Trung tâm y tế huyện Sìn Hồ Phun CloraminB 25% khử khuẩn môi trường tại khu vực có nguy cơ cao mắc bệnh Than tại xã Chăn Nưa (Sìn Hồ). |
Ông Ma Khánh Toàn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sìn Hồ cho biết, sau khi nhận được thông tin về việc trâu của bà con chết bất thường, cán bộ chuyên môn phối hợp chính quyền địa phương đã xuống khoanh vùng, khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi. Đồng thời cách ly toàn bộ đàn trâu có trâu bị chết nhằm ngăn chặn, phòng ngừa trường hợp lây lan dịch bệnh.
Qua tìm hiểu, người dân địa phương ở đây có thói quen thả rông trâu ở nương đồi hoặc trong rừng. Theo bà con, bệnh lạ trên con trâu xuất hiện từ tháng 3/2023, đến nay đã khiến 6 con trâu trên địa bàn xã Noong Hẻo bị chết. Điều đáng nói, trước đó các con trâu bị chết đều không có biểu hiện gì bất thường, chỉ khi trâu chết mới phát hiện nên không có biện pháp gì ngăn chặn hoặc chữa trị.
"Khi phát hiện sự việc, bà con không thông tin ngay cho cơ quan chuyên môn nên hiện chưa lấy được mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. Tuy nhiên, sau khi cách ly, khử trùng chuồng trại, hiện chưa có thêm trâu bị chết' ông Toàn cho biết thêm./.