Kiên Giang: Phát hiện quả tang cơ sở đang đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu Đầu tháng 9, giá tôm nguyên liệu tăng trở lại Giá tôm nguyên liệu tại vùng ĐBSCL duy trì ở mức cao |
Giá tôm nguyên liệu tại tỉnh Bạc Liêu bất ngờ tăng đột biến
![]() |
Sau nhiều tháng giữ giá ở mức thấp, gần 2 tuần qua, giá tôm nguyên liệu tại Bạc Liêu bất ngờ tăng đột biến, có loại tăng đến trên 100.000 đồng/kg. Cụ thể, tôm sú oxy (tôm sú sống bắt tại ao nuôi cho thở oxy) loại 30 con/kg dao động từ 170.000 - 180.000 đồng/kg, tăng trên 50.000 đồng/kg; tôm sú loại 20 con/kg giá từ 290.000 - 300.000 đồng/kg, tăng trên 100.000 đồng/kg so với khoảng 10 ngày trước. Tương tự, giá tôm thẻ oxy loại 30 con/kg có giá 150.000 đồng/kg, cũng tăng gần 20.000 đồng/kg.
Theo ông Tạ Hoàng Nhiệm - Chủ tịch Hiệp hội tôm tỉnh Bạc Liêu, giá tôm tăng là tín hiệu đáng mừng, đồng thời kỳ vọng thị trường cuối năm 2023 sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu sử dụng lớn. Tuy vậy, đáng tiếc hiện nay nông dân không còn tôm để bán. Bởi nhiều hộ sợ thua lỗ nên treo ao hoặc thả nuôi ít, một số khác cắt bán tôm cỡ nhỏ để hạn chế thua lỗ.
Nói về lý do giá tôm thời gian gần đây tăng mạnh, các thương lái cho biết, giá tôm oxy bất ngờ tăng mạnh trong những ngày qua là do thị trường tiêu dùng gia tăng, nhu cầu xuất đi Hà Nội cùng một số tỉnh phía Bắc và Trung Quốc tăng vọt, trong khi nguồn cung hạn chế. Các thương lái nhận định, với nguồn cung khó đáp ứng đủ cầu thị trường, nhiều khả năng đến cuối năm, giá tôm oxy sẽ tiếp tục đứng ở mức cao. Giá tôm tăng là điều kiện kích thích để nông dân cải tạo ao, tiến hành thả nuôi mới. Tuy vậy, nhiều người nuôi tôm vẫn còn tâm lý dè dặt thả tôm nuôi trở lại.
Lý giải về điều này, anh Dương Tùng Lâm, hộ nuôi tôm ở ấp Cái Tràm, xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi cho biết, nhiều hộ nuôi tôm thiếu vốn, nhưng không thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng nên thường mua nợ vật tư đầu vào từ đại lý. Trong khi đó, do thời gian dài giá tôm giảm mạnh, kéo dài, việc thu hồi nợ khó khăn nên các đại lý cũng thu hẹp khoản đầu tư cho các hộ nuôi. Bên cạnh đó, người nuôi chưa thực sự an tâm bỏ vốn nuôi mới trở lại, do mới chỉ có tôm ôxy tăng giá. Các loại tôm cỡ nhỏ (80-100 con/kg) tuy có nhích lên đôi chút, nên người nuôi vẫn chưa có lãi.
Ông Cổ Tân Xuyên - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hòa Bình cho biết, toàn huyện có gần 20.000ha nuôi tôm, trong đó diện tích nuôi theo mô hình thâm canh – bán thâm canh trên 10.300 ha, mô hình quảng canh cải tiến trên 7.670 ha, còn lại là nuôi theo mô siêu thâm canh. Trong bối cảnh giá tôm nguyên liệu sụt giảm khiến người nuôi thêm nặng gánh, từ đó nhiều hộ treo ao. Trong bối cảnh hiện nay, rất khó để kích thích người dân bỏ vốn đầu tư nuôi mới. Bởi theo tính toán nuôi đạt sản lượng, nông dân chưa chắc có lãi do giá tôm thấp trong khi chi phí đầu tư cao.
Trước diễn biến giá thị trường, ông Nguyễn Hoàng Xuân - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu cho biết, trong điều kiện hiện nay, người nuôi tôm cần nắm tình hình thị trường, cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định thả nuôi vụ mới. Đồng thời, khuyến cáo người nuôi tôm nuôi thưa, rải vụ để nắm nhu cầu nhà máy. Cùng với đó là áp dụng các biện pháp giảm chi phí trong nuôi tôm đã được ngành nông nghiệp khuyến cáo như: Kiểm soát thức ăn; giảm mật độ tôm nuôi; hạn chế sử dụng thuốc, hóa chất và chế phẩm sinh học khi chưa thực sự cần thiết.
Đáng chú ý, tỉnh Bạc Liêu hiện có 140.000 ha nuôi trồng thủy, cho sản lượng trên 343.000 tấn/năm, đứng thứ hai trên phạm vi cả nước. Nuôi trồng thủy sản mà chủ yếu là tôm sú và tôm thẻ được tỉnh Bạc Liêu xác định là ngành kinh tế mũi nhọn với nhiều mô nhiều mô hình nuôi như: Nuôi thâm canh, bán thâm canh, siêu thâm canh, tôm - lúa, tôm - rừng…
Kỳ vọng xuất khẩu thủy sản tăng tốc trở lại
![]() |
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, xuất khẩu thủy sản tháng 10/2023 ước đạt trên 863 triệu USD, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến hết tháng 10 năm nay, xuất khẩu thủy sản thu về gần 7,5 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính tới hết tháng 10/2023, tôm chiếm 38% kim ngạch xuất khẩu thủy sản với giá trị trên 2,8 tỷ USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng trong tháng 10, xuất khẩu tôm đạt khoảng 320 triệu USD, giảm 11% so với tháng 10/2022.
Diễn biến xuất khẩu tôm trong những tháng cuối năm và năm 2024 phụ thuộc phần lớn vào những biến động trên thị trường Hoa Kỳ. Khối lượng nhập khẩu tôm bắt đầu hồi phục, tuy nhiên, giá nhập khẩu tôm của Hoa Kỳ vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Giá nhập khẩu giảm không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam và cả ngành tôm Ấn Độ cũng lao đao.
Ngành thủy sản đã trong tình trạng dư thừa tôm trên toàn thế giới trong hơn một năm. Tại Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc, giá nhập khẩu trung bình năm 2023 đã giảm lần lượt là 13,4%, 10% và 2,7%. Dự báo tình hình tiêu thụ và nhập khẩu tại Hoa Kỳ sẽ khả quan hơn trong tháng 11 và 12 này.
Xuất khẩu cá tra trong tháng 10 đạt 189 triệu USD, tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ năm 2022. Theo đó, tới hết tháng 10, xuất khẩu cá tra đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, nhu cầu cá tra của thị trường Hoa Kỳ cũng đang hồi phục.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đang tìm mua 5,96 triệu pound phi lê cá tra, cá da trơn đông lạnh để sử dụng trong các chương trình phân phối thực phẩm trong nước. Đây là thương vụ mua cá da trơn lớn thứ ba của Bộ vào năm 2023, sau thương vụ mua 6,2 triệu pound phi lê cá da trơn chưa tẩm bột với tổng trị giá 41,8 triệu USD (38 triệu EUR) vào tháng 3.
Nhu cầu cá tra ở Trung Quốc đã giảm đáng kể kể từ đầu năm 2023, nhưng doanh số bán phi lê cá tra tẩm bột đang có dấu hiệu tốt hơn ở thị trường này... Trong 8 tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu 11.900 tấn cá tra từ Việt Nam, giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, doanh số bán cá tra phi lê tẩm bột vẫn tăng, khi mà sản phẩm này xuất hiện ngày càng nhiều trên thực đơn các nhà hàng ở miền Bắc Trung Quốc với giá 5,47 – 6,83 USD/suất. Sản phẩm này cũng nhận được phản hồi tích cực của người tiêu dùng Trung Quốc.
Xuất khẩu cá ngừ và cua ghẹ trong tháng 10 có chiều hướng khả quan hơn với mức tăng trưởng 2 con số, tăng lần lượt 13% và 40% so với cùng kỳ, đạt 87 triệu USD và 28 triệu USD. Tới hết tháng 10, cá ngừ đã mang về lượng ngoại tệ 704 triệu USD, giảm 20% và cua ghẹ thu về 164 triệu USD, ít hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các mặt hàng mực, bạch tuộc và nhuyễn thể có vỏ vẫn giữ tăng trưởng âm từ 10-13% trong tháng 10. Lũy kế 10 tháng đầu năm, xuất khẩu mực, bạch tuộc ghi nhận doanh số trên 540 triệu USD, giảm 14%, nhuyễn thể có vỏ đạt trên 109 triệu USD, giảm 10%. Xuất khẩu các loại cá biển khác trừ cá ngừ đạt khoảng 1,6 tỷ USD, giảm 8%, riêng trọng tháng 10 đạt 166 triệu USD, giảm 11%.
Ngoài ra, tiêu thụ cá ngừ, mực, bạch tuộc và một số hải sản cao cấp tiếp tục bị tác động bởi những bối cảnh kinh tế giảm, lạm phát cao, người tiêu dùng chi tiêu thận trọng. Để hầu hết người tiêu dùng vẫn tiếp cận được các sản phẩm hải sản phổ biến và cao cấp, các nhà chế biến và kinh doanh thủy sản đang có xu hướng đóng gói sản phẩm kích cỡ nhỏ hơn, giá phù hợp với túi tiền của mọi tầng lớp thu nhập. Xu hướng này hy vọng sẽ kích cầu hải sản tốt hơn trong thời gian tới.