Việt Nam kỳ vọng sẽ xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Ấn Độ. (Ảnh minh họa). |
Thị trường tiềm năng cho trái sầu riêng
Một trong những thị trường tiềm năng mà trái sầu riêng Việt Nam hướng tới là Ấn Độ. Những thông tin về triển vọng xuất khẩu của thị trường tiềm năng này được hé mở trong khuôn khổ Hội nghị kết nối tiêu thụ hàng giữa doanh nghiệp hai nước.
Chương trình kết nối do Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường - Truyền thông Quốc tế (IMRIC)- Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại TP.HCM vào ngày 23/5 vừa qua.
Phát biểu tại buổi kết nối, Tiến Sĩ Hồ Minh Sơn cho biết: "Việt Nam xem trái cây sầu riêng là trái cây vua trong giai đoạn này. Thế nhưng theo tôi tìm hiểu thì Trung Quốc đã trồng rất nhiều sầu riêng… Như vậy việc chúng ta xúc tiến và kết nối với các doanh nghiệp Ấn Độ trong giai đoạn này là rất cần thiết".
Hiện nay, trái thanh long là mặt hàng được phép xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ. |
Đến nay, Viện IMRIC đã làm cầu nối cho hơn 50 doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, hàng tiêu dùng đến thị trường Ấn Độ.
Việc gặp gỡ trực tiếp giữa doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ lần này là hoạt động thiết thực để doanh nghiệp hai bên có thể giới thiệu, trao đổi thông tin và tìm kiếm bạn hàng, xúc tiến thương mại, đầu tư hiệu quả.
Bên cạnh xúc tiến “B2B” tập trung phát triển thị trường tiêu thụ nông sản và một số ngành hàng có dấu hiệu giảm sút, như: giày dép, thức ăn gia súc, nguyên nhiên liệu… Hội nghị thực hiện vai trò kết nối thu hút vốn đầu tư FDI vào các địa phương.
Những triển vọng xuất khẩu ở phía trước
Nhìn vào các hoạt động giao thương thời gian qua cho thấy, với dân số hơn 1,4 tỷ người, Ấn Độ là thị trường lớn, đầy tiềm năng tiêu thụ đa dạng các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến của Việt Nam như trái cây, cà phê, chè, hạt tiêu, hạt điều, quế, hồi, thảo quả, cao su, bánh kẹo, cá tra, cá basa, các sản phẩm từ ngũ cốc… Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản và thực phẩm chế biến của Ấn Độ có khả năng phát triển tại tại thị trường Việt Nam như thủy sản, gạo tấm, ớt và một số loại gia vị, rau quả.
Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng, Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hai quốc gia có những nét tương đồng trong sản xuất nông sản. Mặc dù có thể nhìn thấy tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực này tuy nhiên trên thực tế sản lượng và kim ngạch xuất nhập khẩu các mặt hàng này giữa Việt Nam và Ấn Độ vẫn còn hết sức khiêm tốn. Năm 2021, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Ấn Độ đạt trị giá 481 triệu USD, chiếm hơn 1% tổng giá trị nhập khẩu của Ấn Độ.
Nhận định về triển vọng xuất khẩu tại thị trường Ấn Độ, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - Vinafruit, khẳng định sản xuất rau quả Việt Nam đang ngày càng phát triển, các sản phẩm nông sản phát triển theo xu hướng đáp ứng các tiêu chuẩn tiêu trồng như VietGAP, GlobalGAP. Các loại quả mà Việt Nam có ưu thế trong sản xuất là thanh long, nhãn, xoài, bưởi, chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, vú sữa, vải thiều,... Các loại quả này đã được Việt Nam xuất khẩu dưới dạng quả tươi, đông lạnh hoặc sản phẩm chế biến.
Việt Nam cần đa dạng các thị trường xuất khẩu cho trái sầu riêng. |
Cũng theo ông Nguyên, một trong những hạn chế lớn nhất khiến hoạt động xuất nhập khẩu trái cây giữa hai nước còn hạn chế là bởi mức thuế suất cao, có những mặt hàng xuất khẩu sang Ấn Độ chịu mức thuế lên tới 70% vì chưa được thị trường Ấn Độ mở cửa. Hiện tại mới chỉ có duy nhất trái thanh long Việt Nam xuất khẩu được sang Ấn Độ với thuế suất 0%. Việt Nam nhập siêu hoa quả từ Ấn Độ với các các mặt hàng chính như hạt mắc ca, quả chà là, táo, lê,... Ông cũng đưa ra đề nghị hai quốc gia mở cửa thị trường rau quả và kí kết các hiệp định thương mại song phương để tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu nông sản giữa hai nước.
Tiến Sĩ Hồ Minh Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường - Truyền thông Quốc tế (IMRIC) cho biết, Ấn Độ đang đầu tư tại 28 địa phương của Việt Nam. Trong đó, Ninh Thuận dẫn đầu với 4 dự án. Còn Việt Nam có khoảng 6-9 dự án đầu tư tại Ấn Độ, chủ yếu là bán buôn và bán lẻ, với tổng giá trị vượt 6 triệu USD, tiềm năng lên tới trên 28 triệu USD.
Ở thời điểm giao thương hàng hóa tại nhiều thị trường lớn truyền thống gặp nhiều khó khăn, việc tăng tính kết nối với các doanh nghiệp Ấn Độ mang lại cơ hội cho cả hai bên; giúp Việt Nam sớm giải quyết đầu ra cho hoạt động sản xuất, nhất là nông sản, trong đó đặc biệt là trái sầu riêng đang được coi là trái cây vua./.