Đặc sản hẹ nước mùa lũ trên vùng lúa Đồng Tháp Mười Loài cỏ dại bỗng trở thành “kho vàng” trong mùa nước nổi miền Tây |
Hẹ nước là loài rau dân dã tự nhiên mọc nhiều vào mùa nước nổi được ví như "sâm nước" của vùng Đồng Tháp Mười. |
Một trong những nông dân trồng thành công cây hẹ “sâm nước” đặc sản nghịch vụ trên ruộng cạn là anh Nguyễn Trung Luyến - một nông dân ở xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ, (tỉnh Long An). Hiện anh đang canh tác hơn 1ha hẹ nước - một loại cỏ những năm gần đây đã trở thành đặc sản cho giới sành ăn.
Không cần đợi đến mùa nước nổi mới được thưởng thức các sản vật thiên nhiên, trong đó có hẹ nước. Bởi thời điểm này, trên một số cánh đồng ở xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ, thay vì canh tác lúa hè thu, người dân chuyển sang trồng hẹ nước để cải thiện thu nhập.
Ruộng của anh Nguyễn Trung Luyến có hẹ nước tự nhiên, nên anh chủ động “dưỡng” hẹ nghịch vụ để cải thiện thu nhập. |
Sau vụ đông xuân, tận dụng lợi thế ruộng có hẹ nước tự nhiên, anh Nguyễn Trung Luyến cũng như hàng chục nông dân địa phương không gieo sạ vụ hè thu mà lấy nước ngập ruộng để hẹ phát triển. Việc luân canh lúa – hẹ nước còn hạn chế sâu bệnh, sinh vật gây hại và giảm chi phí sản xuất trước tình trạng giá vật tư nông nghiệp tăng.
Anh Nguyễn Trung Luyến không ngần ngại chia sẻ: “Cái này nó cũng tự nhiên, ruộng nào có thì mình làm, cũng ít chi phí lắm, theo như cái hẹ này tôi biết từ xa xưa tới giờ, lâu lắm rồi, kiểu như hồi đó người ta coi như cỏ, sau này dần dần nước nổi lên người ta đi làm thấy cũng có kinh tế người ta mới làm nhân giống từ từ, ruộng nào có thì để, hổng có thì làm ruộng”.
Mỗi ngày ra đồng từ 5 – 6 giờ sáng đến đứng buổi, người nhổ hẹ có thể kiếm được từ 200 – 500 ngàn đồng. |
Thứ hẹ tự nhiên mà anh Luyến nói chính là "mỏ hẹ". Anh Luyến cho biết, không phải ruộng nào cũng có thể trồng hẹ nước. Ruộng trồng được hẹ nước khi ruộng đó có "mỏ hẹ".
Theo đó, lâu nay trên mảnh ruộng đã có mầm hẹ. Và dù hạn hán khô cằn thế nào thì hễ khi ruộng có nước là hẹ nước lại sinh sôi, phát triển trên mảnh ruộng đó.
"Nhiều người cứ nghĩ khi nước về sẽ mang theo cây hẹ nước về vùng này. Thực tế, cây hẹ nước vốn tồn tại bao đời nay ở đây. Vào mùa khô, hẹ nước lụi tàn, củ vùi lấp trong đất. Khi ruộng có nước, đất mềm ra, hẹ nước sinh sôi nảy nở", anh Luyến bộc bạch.
Hẹ nước sau khi thu hoạch đưa lên bờ theo yêu cầu đặt hàng của thương lái. |
Theo anh Luyến, kỹ thuật trồng hẹ nước không khó, thậm chí rất dễ. Cây hẹ nước vốn có sức sống mãnh liệt. Và biết được quy trình sinh sôi của cây hẹ nước, nông dân chỉ cần xới ruộng, làm nhuyễn đất và cấp nước vào ruộng tạo "lũ giả".
Trong quá trình cho cây hẹ nước sinh sôi phát triển, người dân không cần phải bón phân, thuốc. "Nông dân chỉ cần chịu khó ra ruộng nhổ cỏ dại, nhặt rác. Hơn 1 tháng sau là tha hồ thu hoạch hẹ nước", anh Luyến cười nói.
Tuy nhiên, anh Luyến cho biết, trồng hẹ nước cực nhất là khi thu hoạch. Người thu hoạch hẹ nước phải đứng trong nước hàng giờ dùng tay nhổ từng bụi hẹ.
Người thu hoạch hẹ nước phải đứng trong nước hàng giờ dùng tay nhổ từng bụi hẹ. |
Họ đi theo lối, nhổ hết chỗ này mới đến chỗ khác để tránh làm đục nước khiến người sau không thấy hẹ để nhổ. Thông thường, khi nhổ từ đầu đến cuối ruộng thì hẹ mới cũng đã mọc lên thay thế lứa đã khai thác. Sau khi nhổ, hẹ sẽ được chất ngay bên bờ ruộng để sơ chế trước khi bán cho thương lái.
Hẹ nước khi thu hoạch sẽ được thương lái thu mua với giá khoảng 10 – 15 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí sản xuất và nhân công, mỗi hộ dân có thể thu được trung bình 5 – 10 triệu đồng/tháng tùy năng suất và diện tích.
Hẹ nước là loài rong không chỉ mọc ở ruộng nước, mà còn dưới các kênh mương vùng đất phèn Đồng Tháp Mười. Khác với hẹ cạn, hẹ nước là loài rau dân dã tự nhiên mọc nhiều vào mùa nước nổi, từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch. Nhiều người cho rằng ăn loại rong này rất mát, giải độc cơ thể, nên ví von như "sâm nước" miệt bưng biền.
Hẹ nước là món rau dân dã giờ đây là món đặc sản được ví như "sâm nước" với nhiều công dụng với sức khỏe. |
Anh Luyến cho biết, trước đây không ai ngó ngàng đến cây hẹ nước. Khi trồng lúa, nhiều nông dân phải nhổ bỏ để cây lúa phát triển. Tuy nhiên, những năm gần đây, cây hẹ nước đã trở thành sản vật mang lại hiệu quả kinh tế cao. Người tiêu dùng xa gần xem đây là một món ăn đặc sản đồng quê.
"Khai thác giá trị cây hẹ nước, giờ đây nông dân vùng này đã không chờ nước về mới có hẹ nước bán, mà chủ động trồng hẹ nước cung cấp cho thị trường", anh Luyến cho biết./.