Dự thảo bổ sung vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước Dự thảo đưa Công ty Chứng khoán trong diện kiểm soát đặc biệt Điều chỉnh, bổ sung đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương |
Hôm nay (14/10), Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức hội thảo lấy ý kiến các công ty chứng khoán góp ý cho dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động của công ty chứng khoán. Tuy không có nhiều điểm mới, một trong những điểm đáng chú ý là nhà quản lý đề xuất các quy định nhằm nâng cao trách nhiệm liêm chính của công ty chứng khoán với khách hàng.
Liên quan đến nguyên tắc hoạt động nghiệp vụ, điểm mới là công ty chứng khoán có trách nhiệm trung thực với khách hàng, không được xâm phạm tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của khách hàng...
Đặc biệt, dự thảo bổ sung một điều mới là quy định về xâm phạm tài sản, quyền và lợi ích khác của khách hàng. Cụ thể, công ty chứng khoán phải thiết lập một bộ phận chuyên trách chịu trách nhiệm thông tin liên lạc với khách hàng và giải quyết các thắc mắc, khiếu nại của khách hàng. Khi tư vấn cho khách hàng giao dịch chứng khoán, công ty chứng khoán phải thu thập đầy đủ thông tin về khách hàng. Công ty chứng khoán phải công bố về mức phí giao dịch chứng khoán trên trang thông tin điện tử của công ty...
Dự thảo bổ sung đề xuất các quy định nhằm nâng cao trách nhiệm liêm chính của CTCK với khách hàng |
Theo một công ty chứng khoán thì về bản chất, bộ phận dịch vụ khách hàng hiện nay đã đảm đương việc nắm bắt thông tin của khách hàng và giải quyết các thắc mắc. Bởi vậy, việc Bộ Tài chính, UBCKNN yêu cầu phải thành lập một bộ phận chuyên trách không gây khó khăn đáng kể với công ty chứng khoán. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu mới, công ty chứng khoán sẽ phải cơ cấu lại một số bộ phận chức năng để đáp ứng tốt yêu cầu của nhà quản lý.
“Chúng tôi sẵn sàng đáp ứng yêu cầu mới của cơ quan quản lý, nhưng cũng mong đợi các cơ chế mới tránh can thiệp sâu vào hoạt động nghiệp vụ của công ty chứng khoán, để giúp công ty hoạt động linh hoạt, hiệu quả...”, vị lãnh đạo công ty chứng khoán trên đề xuất.
Một điểm mới nữa trong lần sửa đổi chính sách này với hoạt động của công ty chứng khoán là các nội dung mới về quản trị rủi ro. Theo đề xuất của Bộ Tài chính, UBCKNN, hệ thống quản trị rủi ro của công ty chứng khoán phải bao gồm một cơ cấu tổ chức hoàn chỉnh, một cơ chế vận hành thống nhất và một bộ quy trình rủi ro ít nhất xử lý năm loại rủi ro trọng yếu gồm: rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động và rủi ro pháp lý. Công ty chứng khoán còn phải quản lý trạng thái tập trung rủi ro gắn với các rủi ro trọng yếu...
Nhà quản lý đề xuất, hệ thống quản trị rủi ro được thiết lập phải đảm bảo công ty chứng khoán có khả năng xác định, đo lường và theo dõi, báo cáo và xử lý một cách hiệu quả các rủi ro trọng yếu, đồng thời đáp ứng đầy đủ các nghĩa vụ tại mọi thời điểm. Cùng với đó, công ty chứng khoán phải đảm bảo các bộ phận tác nghiệp và bộ phận quản trị rủi ro được tổ chức tách biệt, độc lập với nhau, người phụ trách bộ phận tác nghiệp không đồng thời phụ trách bộ phận quản trị rủi ro và ngược lại.
Theo ý kiến từ một số công ty chứng khoán, thực ra những năm gần đây, các công ty chứng khoán đã chú trọng triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao tính hiệu quả cho hoạt động quản trị rủi ro để chống đỡ, thích nghi tốt hơn với các rủi ro khó lường của thị trường trong và ngoài nước, mà sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 hồi đầu năm nay là một điển hình.
Tuy nhiên, các công ty chứng khoán kỳ vọng để đáp ứng tốt hơn các chuẩn về quản trị rủi ro mới, nhà quản lý cần tiếp tục hỗ trợ về các mặt như: cơ chế pháp lý cần rõ ràng, có tính dễ dự đoán và ổn định cao; đồng thời kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai các quy định mới...
Theo kế hoạch, các quy định mới tại dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động của công ty chứng khoán, sẽ có hiệu lực cùng thời điểm với Luật Chứng khoán từ ngày 1/1/2021.
BVSC: Tiền gửi đang chuyển hướng sang chứng khoán |
Ủy ban chứng khoán Nhà nước kỷ luật loạt cá nhân |
Lượng mã số chứng khoán cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh |