![]() |
Công nhân May 10 trong một dây chuyền sản xuất. |
Từ thực tế đó, đòi hỏi cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần sớm đưa ra kế hoạch ứng phó kịp thời, linh hoạt nhằm hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực.
Cơ hội trong thách thức
Là thị trường xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam, ngày 1/2 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp bổ sung thuế 25% đối với các hàng hóa xuất khẩu từ Canada và Mexico và 10% đối với hàng hóa của Trung Quốc.
Đến sáng 11/2 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký sắc lệnh áp thuế 25% lên mặt hàng hàng thép và nhôm nhập khẩu vào nước này.
Ngày 13/2 (rạng sáng 14/2 giờ Hà Nội), Tổng thống Mỹ Donald Trump ký biên bản ghi nhớ áp thuế nhập khẩu đối ứng (reciprocal tariff) với các quốc gia khác.
"Chúng tôi muốn một sân chơi sòng phẳng. Hệ thống thuế nhập khẩu đối ứng sẽ mang lại sự công bằng", ông cho biết trong cuộc họp báo trước thềm cuộc họp với Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi. Theo đó, Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu với hàng hóa các nước tương đương mức họ hiện áp với hàng hóa Mỹ.
Mặc dù Mỹ chưa áp thuế đối với sản phẩm dệt may nhập khẩu, song ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc May 10 nhận định, đây vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức đối với ngành dệt may nói chung.
Ông Việt cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu dệt may của Việt Nam vào Mỹ là đang là xuất siêu, do đó với bất kể một quốc gia nào, Mỹ sẽ dựa vào cán cân thanh toán quốc tế để có thể áp thuế bổ sung để cân bằng cán cân thanh toán quốc tế. Trước bối cảnh này, Tổng Công ty May 10 cũng đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025 ở mức trên 10% so với năm 2024 bằng nhiều giải pháp.
“Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, May 10 vẫn tập trung sâu vào mở rộng các thị trường xuất khẩu, không phụ thuộc vào bất kể một thị trường nào. May 10 trong nhiều năm qua luôn luôn cân bằng giữa 3 thị trường là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Trong 5 năm vừa qua, với 16 Hiệp định thương mại tự do đã được Việt Nam ký kết song phương và đa phương vẫn sẽ là một cơ hội rất lớn để May 10 có thể tiếp tục mở rộng thị trường”, ông Việt chia sẻ.
Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội thép (VSA) nói, sắc lệnh áp thuế 25% lên mặt hàng hàng thép và nhôm của Mỹ ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp thép "sẽ không đáng kể" bởi cú sốc về thuế đã xảy ra từ 2018.
Với nhôm, việc tăng thuế lại khiến các doanh nghiệp ngành này lo lắng nhiều hơn về năng lực xuất khẩu trong tương lai sang Mỹ - thị trường chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của họ, theo Hội nhôm thanh định hình Việt Nam (VAA).
VAA dự đoán nhóm doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp từ chính sách này là các nhà sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) - cũng là nhóm xuất khẩu chính. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ chịu tác động ít hơn.
"Nhưng hệ lụy sau đó là công suất dư thừa ở các nhà máy sẽ gây áp lực trở lại thị trường trong nước vốn đang thừa sau thời gian dài suy thoái, ảnh hưởng lên toàn bộ các nhà sản xuất nhôm Việt Nam", đại diện VAA nói.
Còn theo bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), quyết định này của ông Trump dự kiến ảnh hưởng đến giá cá ngừ đóng hộp tại Mỹ. Sức mua của người tiêu dùng Mỹ có thể bị ảnh hưởng vì các nhà bán lẻ có thể phải tăng giá sản phẩm.
Trong đó, năm 2024, ngành cá ngừ Việt Nam cán đích ấn tượng với kim ngạch xuất khẩu đạt 989 triệu USD, tăng 17% so với năm 2023. Trong số các thị trường xuất khẩu cá ngừ, Mỹ đang là thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam, với tỷ trọng chiếm hơn 39% tổng kim ngạch xuất khẩu.
“Chính vì thế, các doanh nghiệp đang rất lo ngại về những chính sách thương mại, đặc biệt là các mức thuế quan mà chính quyền của Tổng thống Donal Trump có thể áp dụng với các quốc gia đang có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ, trong đó có Việt Nam”, bà Hà cho hay.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để gia tăng xuất khẩu
![]() |
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Đại học Kinh tế Quốc dân. |
Trong cuộc làm việc với Đại sứ Mỹ chiều 12/2, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế Việt Nam và Mỹ là đặc điểm quan trọng giúp cho hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước phát triển ngày càng mạnh mẽ, theo hướng hài hòa và bền vững, đảm bảo các nền tảng quan trọng và duy trì lợi ích quốc gia trong hợp tác song phương.
Bộ trưởng khẳng định Việt Nam luôn coi Mỹ là đối tác quan trọng hàng đầu; đồng thời mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với Mỹ một cách toàn diện và bền vững, góp phần tăng cường sự hiểu biết và lòng tin chiến lược giữa hai nước.
Chủ trương của Việt Nam coi Mỹ là một trong những nguồn nhập khẩu lâu dài và đáng tin cậy về năng lượng, máy móc thiết bị, công nghệ, nguyên phụ liệu... Mỹ hiện đang là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam (với 150 triệu USD lúa mỳ, 325 triệu USD các sản phẩm gỗ, 464 triệu USD đậu tương, 512 triệu USD dược phẩm, 580 triệu USD ô tô, phương tiện vận tải, hơn 540 triệu USD các loại rau quả, 680 triệu USD bông. 5 nhóm hàng nhập khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD là hóa chất, thức ăn gia súc, chất dẻo, nguyên phụ liệu, và máy móc thiết bị. Nhóm hàng có kim ngạch lớn nhất là điện tử và linh kiện đạt 4,4 tỷ USD).
Riêng về nông sản, hiện nay Việt Nam đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của Mỹ. Các sản phẩm như thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy sản, sữa, đậu nành, ngô, nho, táo, cherry, việt quất... của Mỹ cũng đang được người tiêu dùng Việt Nam rất ưa chuộng. Chỉ riêng táo Mỹ, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 2 triệu thùng/năm.
Từ những phân tích trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, hai nước cần tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp để mỗi bên đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng. Việt Nam sẵn sàng mở cửa thị trường, tăng cường nhập khẩu các loại nông sản của Mỹ, đồng thời mong muốn Mỹ mở cửa thị trường hơn nữa cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam...
Ở góc độ chuyên gia, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để gia tăng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Các ngành công nghiệp chủ chốt của Việt Nam, như dệt may, điện tử, nông sản, và thủy sản, có cơ hội để tăng cường xuất khẩu sang Mỹ. Việc tiếp cận thị trường Mỹ cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt Nam có thể xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm của mình.
Song song với đó, với sự tác động của chính sách thuế mới của Mỹ, Việt Nam cũng có thể tiếp cận những nguồn hàng giá rẻ từ Trung Quốc, Canada và Mexico - những nơi hàng hóa sẽ bị tồn kho do không thể xuất khẩu sang Mỹ.
Chính sách thuế mới của Mỹ có thể sẽ thúc đẩy dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam. Điều này sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam thu hút đầu tư chất lượng cao, mang lại công nghệ và kỹ năng quản lý mới.
“Thông qua việc hợp tác với các công ty Trung Quốc, Việt Nam không chỉ có thể học hỏi và áp dụng công nghệ mới mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu. Các kênh đầu tư này cũng có thể mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế quốc tế”, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh.