Chưa “lên kệ”, iPhone 14 đã lập kỷ lục về đơn đặt cọc Nặng nợ vì “con” Bách Hóa Xanh, Thế Giới Di Động vẫn lãi gần 3.500 tỷ đồng Realme C55 siêu giảm giá tại Thế giới di động và FPT Shop. |
Doanh thu trung bình của mỗi nhà thuốc An Khang hiện đạt 500 triệu đồng/tháng. |
"Khai tử" 200 nhà thuốc An Khang
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư và cổ đổng của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã cổ phiếu MWG - sàn HoSE) mới đây, ông Đoàn Văn Hiểu Em - Thành viên Hội đồng Quản trị Thế giới Di động cho biết công ty đang tiến hành tái cấu trúc chuỗi nhà thuốc An Khang, tương tự như việc tái cấu trúc mảng bán lẻ điện máy và sản phẩm công nghệ (chuỗi Thế Giới Di Động và chuỗi Điện Máy Xanh) trước đây.
Theo đó, Thế giới Di động đang đánh giá lại hoạt động của từng nhà thuốc và đóng cửa những nhà thuốc không đạt hiệu quả về doanh thu và lợi nhuận.
Chuỗi nhà thuốc An Khang được Thế giới Di động mua lại từ năm 2017, tuy nhiên cho đến năm 2022, công ty mới bắt đầu dồn lực phát triển cho mảng kinh doanh này. Trong giai đoạn 2022 - 2023, chuỗi nhà thuốc An Khang đã liên tục mở rộng quy mô khi có thêm đến 340 điểm bán mới được mở trong nửa đầu năm 2022.
Tại thời điểm này, chuỗi nhà thuốc An Khang từng đặt mục tiêu doanh thu 2.000 tỷ đồng và đạt điểm hoà vốn vào cuối năm 2022, tiến tới nâng quy mô lên đến 2.000 nhà thuốc vào cuối năm 2023.
Tuy nhiên, kế hoạch trên đã không đi đúng hướng khi tính đến cuối năm 2023, chuỗi nhà thuốc An Khang chỉ có 527 điểm bán. Về hoạt động kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2024, chuỗi nhà thuốc An Khang đã lỗ 172 tỷ đồng; và lỗ lũy kế giai đoạn từ năm 2017 đến nay lên tới 834 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dữ liệu cập nhật đến cuối quý 2/2024 cho thấy chuỗi nhà thuốc An Khang chỉ còn 481 điểm bán, tương đương 46 điểm bị đóng cửa trong 6 tháng đầu năm nay.
Theo chia sẻ của ông Đoàn Văn Hiểu Em, hiện doanh thu trung bình của mỗi nhà thuốc đạt 500 triệu đồng/tháng, trong khi điểm hòa vốn là 550 triệu đồng/tháng. Theo đó, công ty dự kiến sẽ thu hẹp chuỗi Nhà thuốc An Khang xuống còn khoảng 300 điểm bán vào cuối năm nay.
Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có gần 200 nhà thuốc An Khang buộc phải đóng cửa trong 6 tháng cuối năm nay.
Chia sẻ về định hướng cho chuỗi nhà thuốc An Khang trong thời gian tới, lãnh đạo Thế giới Di động cho biết, công ty sẽ tập trung hoàn thiện mô hình kinh doanh và chỉ mở rộng quy mô khi các điểm bán đạt điểm hòa vốn.
Mặc dù đang trong quá trình tái cấu trúc, Thế giới Di động vẫn đặt mục tiêu duy trì mức tăng trưởng hai chữ số đối với chuỗi nhà thuốc An Khang. Đồng thời, công ty cũng kỳ vọng việc tái cấu trúc sẽ giúp chuỗi nhà thuốc này đạt điểm hòa vốn trước cuối năm và dần gia tăng thị phần.
Tuy nhiên, trên thực tế thì chuỗi nhà thuốc An Khang của Thế giới Di động đang phải cạnh tranh khốc liệt với các chuỗi nhà thuốc hiện đại khác như Long Châu của FPT Retail (mã cổ phiếu FRT), Pharmacity... hay các nhà thuốc truyền thống khác.
Hiện một số tổ chức tài chính nhận định, việc gia tăng thị phần đối với nhà thuốc An Khang sẽ khá khó khăn do khó giành được khách hàng từ kênh nhà thuốc bệnh viện khi không tập trung nhiều vào mảng thuốc kê đơn cho các bệnh mãn tính.
Ngừng đóng cửa chuỗi Thế giới Di Động và Điện Máy xanh?
Cũng trong cuộc họp Thành viên HĐQT Đào Thế Vinh cho biết, Thế Giới Di Động (MWG) đã cơ bản hoàn tất việc đóng các cửa hàng Thế giới di động và Điện máy xanh vào cuối tháng 6/2024.
Theo tổng hợp, chỉ trong quý II/2024, MWG đã đóng 25 cửa hàng Thế Giới Di Động và 91 cửa hàng Điện Máy Xanh, tổng cộng 116 cửa hàng. So với mức đỉnh vào quý I/2023, với 1.188 cửa hàng Thế Giới Di Động và 2.291 cửa hàng Điện Máy Xanh, công ty đã đóng lần lượt 142 và 198 cửa hàng.
Số lượng nhân viên cũng giảm mạnh, từ 74.008 nhân sự vào cuối năm 2022, đến ngày 30/6/2024 chỉ còn 59.478 nhân sự, giảm 14.530 người.
Việc quyết định đóng shop của mình nằm trong chiến lược "giảm lượng, tăng chất", tối ưu chi phí thông qua tái cấu trúc, bao gồm: Đóng cửa các cửa hàng hoạt động không hiệu quả từ quý IV/2022 đến nay; Tinh gọn đội ngũ; và thay đổi chính sách lương và khoán, giúp nhân viên chủ động và năng động hơn.
Kết quả kinh doanh đang được cải thiện khi dù số cửa hàng giảm nhưng doanh thu vẫn tăng 15% so với cùng kỳ, tổng chi phí bán hàng giảm 3% so với cùng kỳ. Số lượng nhân viên giảm nhưng thu nhập bình quân lại tăng khi chất lượng được cải thiện.
Về việc sắp xếp nhân sự khi các cửa hàng bị đóng, lãnh đạo MWG cho biết không có kế hoạch tuyển mới nhân sự trước đó và ưu tiên tái sử dụng lại nhân sự của các shop đã đóng cửa.Nhìn lại nửa đầu năm, MWG ghi nhận doanh thu kế đạt 65.621 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.075 tỷ đồng, lần lượt tăng 16% và 5.200% so với nửa đầu năm 2023.
Đáng chú ý, dù số lượng nhân viên giảm, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2024, MWG đã chi ra 4.760 tỷ đồng để trả lương người lao động, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Tính trung bình, mỗi nhân viên nhận mức lương khoảng 13,4 triệu đồng mỗi tháng.
Ngoài ra, tại mục chi phí phải trả ngắn hạn, MWG thuyết minh rằng gần 1.204 tỷ đồng là tiền thưởng cho nhân viên. Con số này tăng gần 80% so với cuối năm ngoái.