Còn nhiều khó khăn, tồn tại trong vấn đề lập quy hoạch
Báo cáo tại cuộc làm việc của Đoàn Giám sát Quốc hội chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” với Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngay sau khi Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua, ban hành, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05/02/2018 về triển khai thi hành Luật Quy hoạch.
Bộ NN&PTNT đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP tại Quyết định số 1005/QĐ-BNN-KH ngày 21/03/2018 trong đó đã cụ thể các nội dung, nhiệm vụ cần tập trung triển khai.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến trình bày báo cáo |
Cụ thể, Bộ NN&PTNT đã tích cực thực hiện triển khai việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Quy hoạch; xây dựng các dự án Luật sửa đổi, bổ sung bảo đảm đồng bộ với Luật Quy hoạch; xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch; thực hiện lập các Quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030; phối hợp lập các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, công tác lập quy hoạch vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn. Cụ thể các Quy hoạch ngành thời kỳ trước hầụ hết đựợc xây dựng trên cơ sở nhu cầu phát triển nội bộ ngành dẫn tới chưa thông nhât về thời kỳ, tầm nhìn quy hoạch; việc tổ chức lập các quy hoạch còn dàn trải, nhiều quy hoạch nhỏ lẻ thực hiện phục vụ mục tiêu quản lý, đầu tư một nội dung ngành, lĩnh vực hẹp, thiếu tầm nhìn đồng bộ, tổng thể.
Bên cạnh đó, quá trình lập quy hoạch sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các ngành, các cấp chưa đồng bộ, chặt chẽ dẫn tới nhiều quy hoạch các ngành còn có những mâu thuẫn, chồng chéo gây khó khăn trong tổ chức thực hiện. Việc lấy ý kiến, tham vấn rộng rãi về quy hoạch chưa được thực hiện đầy đủ cả về đối tượng, thời gian lấy ý kiến dẫn tới nhiều quy hoạch khi được ban hành gặp khó khăn trong tổ chức thực hiện.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho biết, nguồn vốn phục vụ cho công tác lập các quy hoạch còn hạn chế dẫn tới không đủ kinh phí một số hoạt động: điều tra thu thập tài liệu, khảo sát, thực địa... để đảm bảo chất lượng quy hoạch, dẫn tới nhiều quy hoạch thiếu tầm nhìn, chưa sát với yêu cầu phát triển thực tiễn, phải bổ sung, điều chỉnh nhiều lần. Việc quản lý, giám sát, đánh giá tổ chức thực hiện sau khi quy hoạch được duyệt chưa được thực sự chú trọng dẫn tới tồn tại một số quy hoạch không còn phù hợp, chưa sát với yêu cầu thực tiễn, khi cần triển khai thực hiện phải tiến hành điều chỉnh cục bộ, hiệu quả thực hiện quy hoạch chưa cao.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, công tác lập quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030 gặp một số khó khăn khi một số văn bản quy định chi tiết thi hành dưới Luật còn chưa ban hành kịp thời, đúng thời hạn theo quy định của Luật Quy hoạch hiệu lực từ 01/01/2019 dẫn tới việc xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch, lập và phê duyệt dự toán chi phí quy hoạch, tổ chức quản lý nhiệm vụ quy hoạch, xây dựng nội dung quy hoạch theo phương pháp tích hợp còn một số lúng túng, chưa thực sự thống nhất, đồng bộ các ngành, lĩnh vực. Các quy hoạch ngành quốc gia được lập lần đầu với nội dung lớn, phạm vi rộng trên toàn quốc, yêu cầu theo quy định gồm nhiều bước, cần nhiều thời gian dân đên chưa đáp ứng được việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, phê duyệt theo các chi đạo.
Toàn cảnh cuộc làm việc giữa Đoàn Giám sát của Quốc hội chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Cần hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu quốc gia về quy hoạch
Xác định nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng Luật Quy hoạch ban hành có nhiều quy định mới, các quy hoạch ngành quốc gia là những quy hoạch được lập lần đầu và lập đồng thời với toàn bộ các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia, yêu cầu lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp, phối hợp đa ngành nên việc xây dựng các văn bản hướng dẫn cần nhiều thời gian nghiên cứu, thống nhất dẫn đến việc triển khai thực hiện cụ thể mất nhiều thời gian.
Đồng thời, tình hình dịch Covid-19 trong các năm 2020, 2021 diễn biến phức tạp gây khó khăn trong triển khai các hoạt động lập quy hoạch: điều tra thu thập tài liệu và khảo sát bổ sung, tham vấn ý kiến về quy hoạch, hội nghị hội thảo... dẫn đến hoàn thành chậm hơn so với tiến độ dự kiến hoàn thành, trình phê duyệt các quy hoạch.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, những tồn tại, hạn chế trên còn xuất phát từ sự lúng túng trong việc phối hợp thực hiện, chưa xây dựng được cơ chế cụ thể trong phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các Bộ, ngành và địa phương để đảm bảo thực hiện tổ chức lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp, đảm bảo tính đồng bộ của các quy hoạch theo tinh thần của Luật quy hoạch. Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch chưa được xây dựng hoàn thành, làm ảnh hưởng đến việc chia sẻ, cung cấp thông tin của các Bộ, ngành và địa phương trong quá trình lập quy hoạch.
Đề xuất giải pháp để nhanh chóng giải quyết những tồn tại, hạn chế trên, Bộ NN&PTNT đề nghị đẩy nhanh tiến độ lập các Quy hoạch quốc gia cấp trên (ban hành trước định hướng tổng thể các vùng, ngành...) để làm cơ sở định hướng cho quy hoạch các cấp dưới. Đồng thời, khẩn trương xây dựng hoàn thành hệ thống thông tin dữ liệu quốc gia về quy hoạch nhằm cung cấp thông tin đồng bộ, thống nhất, đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch nói chung và quy hoạch vùng nói riêng.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đề nghị tăng cường và xây dựng cụ thể cơ chế phổi hợp ngay trong quá trình lập quy hoạch giữa các cấp, các ngành nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin đảm bảo cơ bản tính thống nhất, đồng bộ ngay trong quá trình lập đồng thời các quy hoạch./.