Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021” |
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, thực hiện Nghị quyết và Kế hoạch giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021" của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn triển khai giám sát và làm việc trực tiếp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để có nhận diện, đánh giá tổng thể về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực Bộ quản lý.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội làm rõ hơn việc Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai, quán triệt, cụ thể hóa quan điểm đường lối của Đảng, nhất là Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và quy định về việc người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc tiếp công dân; công tác chỉ đạo, điều hành trong thực hiện, quản lý các lĩnh vực của Bộ có phát sinh khiếu nại, tố cáo;…
Đồng thời, yêu cầu Bộ báo cáo làm rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân khách quan chủ quan một cách đầy đủ trong đó tập trung vào những nguyên nhân chủ quan chủ yếu, có Phụ lục chi tiết kèm theo; Trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cũng như quy trình đối thoại trong giải quyết khiếu nại tố cáo.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cũng lưu ý Bộ làm rõ những kiến nghị liên quan đến việc đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo,… cũng như các luật chuyên ngành khác trên lĩnh vực phụ trách của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng trướng Trần Quang Phương |
Báo cáo kết quả khảo sát, đánh giá bước đầu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan, đại diện Tổ công tác cho biết, báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tuân thủ theo đề cương, kế hoạch của Đoàn Giám sát với tinh thần trách nhiệm, cầu thị cao.
Về ban hành văn bản, hướng dẫn chỉ đạo thực hiện, Bộ đã ban hành đầy đủ các văn bản, hướng dẫn chỉ đạo thực hiện theo quy định, nhiều văn bản chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, đặc biệt trong thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ phòng, chống Covid-19 đã thiết lập nhiều số điện thoại đường dây nóng trực 24/7 tại Thanh tra Bộ. Tuy nhiên, Thông tư 08/2020/TT-BLĐTBXH ngày 15/10/2020 hướng dẫn về bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động có một số nội dung chưa phù hợp với Luật Tố cáo, đã kịp thời được sửa đổi, bổ sung bằng Thông tư 09/2021/TT-BLĐTBXH. Tổ Công tác đề nghị phân tích rõ hơn nguyên nhân để rút kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả xây dựng pháp luật.
Về tiếp công dân, đề nghị Bộ bổ sung số vụ việc được hướng dẫn, giải thích trực tiếp, số vụ việc được hướng dẫn, giải thích bằng văn bản; số vụ việc được thụ lý theo thẩm quyền, số vụ việc được chuyển, chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền giải quyết; vụ việc đã được giải quyết, vụ việc đang giải quyết, vụ việc đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhưng công dân tiếp tục có khiếu nại và vụ việc ra văn bản chấm dứt thụ lý.
Về tình hình khiếu nại, tố cáo, đề nghị Bộ phân tích, đánh giá hiệu quả tiếp nhận khiếu nại, kiến nghị, hỏi chính sách qua đường dây nóng, hộp thư điện tử; làm rõ nhận định “đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực… dẫn đến khiếu nại, tố cáo về lao động, bảo hiểm xã hội tăng”;…
Ngoài ra, Tổ Công tác của Đoàn giám sát cũng đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội bổ sung các số liệu về tình hình khiếu nại, tố cáo; tiếp công dân, trong đó có lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; khởi kiện vụ án hành chính;…
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung |
Báo cáo với Đoàn giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, việc tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật được Bộ thực hiện kịp thời, đồng bộ, tạo hành lang pháp lý vững chắc, đầy đủ để thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý Nhà nước của ngành, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, công tác tuyên truyền, tập huấn được thực hiện thường xuyên, liên tục; công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã chú trọng thực chất, tập trung trao đổi, hướng dẫn các tình huống cụ thể nên đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn công tác.
Bên cạnh đó, đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng nêu rõ kết quả tổ chức thực hiện: về tiếp công dân; Tình hình về giải quyết các đơn liên quan đến lĩnh vực lao động, việc làm; Tình hình về giải quyết đơn liên quan đến lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tại Cục Quản lý lao động ngoài nước; Kết quả tiếp nhận thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 qua đường dây “nóng”; Việc thực hiện Kết luận số 21112/KL-TTCP;…
Trên cơ sở phân tích khó khăn, hạn chế và nguyên nhân những tồn tại, hạn chế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nêu kiến nghị hoàn thiện pháp luật. Theo đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 18 Luật Tiếp công dân theo hướng cho phép được ủy quyền cho phép cấp phó tiếp công dân thay trong trường hợp đi công tác đột xuất; Đề nghị hướng dẫn cụ thể Điều 9 Luật Tiếp công dân về xác định năng lực hành vi của công dân để tạo thuận lợi cho cán bộ tiếp công dân làm nhiệm vụ.
Ngoài ra, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội kiến nghị tăng biên chế đối với Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ; tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về kỹ năng và xử lý tình huống trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo;…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng như nhận định của Tổ Công tác đồng thời đề nghị phân tích rõ nguyên nhân vì sao tình hình tố cáo lại tăng nhiều hơn so với khiếu nại |
Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phản ánh tình hình, kết quả thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ trong giai đoạn 2016 -2021, chỉ ra các tồn tại, hạn chế và đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện chính sách, pháp luật, góp phần nâng cao năng lực, trách nhiệm của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.
Tán thành với nhiều nội dung đánh giá của Tổ Công tác, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội bổ sung số liệu về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về việc thực hiện các chính sách về hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, việc chậm nhận được tiền hỗ trợ cho F0 điều trị tại nhà; Cập nhật thêm tình hình, kết quả thực hiện từ tháng 7/2021 đến nay trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;…
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng đề nghị, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần bổ sung tỷ lệ khiếu nại đúng, khiếu nại có đúng có sai; khiếu nại sai; tỷ lệ tố cáo đúng, tố cáo có đúng có sai, tố cáo sai; Chỉ rõ những hạn chế chính sách, pháp luật cụ thể khi phân tích, đánh giá nguyên nhân dẫn tới khiếu nại tố cáo nhiều do có thiếu sót, bất cập từ chính sách, pháp luật hiện hành;…
Cũng trong khuôn khổ buổi làm việc, đại diện Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam,.. đã có giải trình làm rõ thêm các vấn đề các thành viên Đoàn giám sát nêu liên quan đến lĩnh vực cơ quan, ngành quản lý.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung buổi làm việc |
Kết luận nội dung buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng trướng Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát ghi nhận tinh thần làm việc tích cực, có trách nhiệm của Tổ công tác cũng như đánh giá cao những ý kiến tâm huyết và thẳng thắn của các đại biểu tại buổi làm việc.
Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đã bám sát yêu cầu, mục đích, đề cương giám sát và tình hình thực tiễn, từ đó làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến chuyên đề giám sát.
Đánh giá cao việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Phó Chủ tịch cho biết, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành đầy đủ các văn bản, hướng dẫn chỉ đạo thực hiện theo quy định. Đồng thời, Bộ cũng đã kịp thời sửa đổi, bổ sung Thông tư số 08/TT-BLĐTBXH; ban hành nhiều công văn chỉ đạo giải quyết kịp thời tháo gỡ, khó khăn trong thực tiễn; thiết lập đường dây “nóng”,…
Nhấn mạnh Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về chính sách liên quan đến nhiều lĩnh vực, liên quan trực tiếp đời sống người dân, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ cần rà soát, chuẩn hóa số liệu làm cơ sở để đánh giá chính xác, tránh mâu thuẫn trong các nhận định,..
Đồng tình với cách làm hay, những ưu điểm nổi bật của Bộ trong triển khai thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý Bộ cần có báo có cụ thể hơn để chia sẻ kinh nghiệm,... Đồng thời chỉ rõ khuyết điểm, tồn tại đặc biệt là phân tích nguyên nhân chủ quan để tầm vĩ mô.
Để hoàn thiện báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ đánh giá sâu sắc hơn tiếp công dân, nhất là hoạt động tiếp công dân của người đứng đầu các cấp của ngành thương binh, xã hội trong đó có lãnh đạo Bộ; bổ sung yêu cầu phân thành 3 loại: tiếp công dân theo định kỳ theo luật, số, số liệu tiếp đột xuất, số liệu tiếp chuyên đề và đối thoại với dân. Ngoài ra, cần có nhận định đánh giá một số vấn đề trọng tâm liên quan đến lĩnh vực người có công, lĩnh vực lao động –việc làm, lĩnh vực đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;… từ đó đưa ra những dự báo cụ thể.
Đối với kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện pháp luật, đề nghị cần cụ thể đề xuất sửa đổi nội dung gì, nêu rõ những bất cập hiện hành và đề xuất sửa đổi cụ thể, chi tiết đối với Luật Tiếp Công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và luật chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý.