Toàn cảnh buổi làm việc |
Đoàn giám sát "Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo" đã lựa chọn Thanh tra Chính phủ là cơ quan đầu tiên để thực hiện việc giám sát trực tiếp, từ đó làm cơ sở để tiếp tục làm việc với các Bộ, ngành và địa phương khác.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát nêu rõ, Thanh tra Chính phủ là cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo với vai trò quan trọng trong việc tham mưu cho Chính phủ về công tác này.
Do vậy, đề nghị Thanh tra Chính phủ cần làm rõ việc ban hành văn bản của Ban cán sự Đảng, Tổng thanh tra Chính phủ nhằm thể chế hoá chỉ đạo, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như chỉ đạo của Chính phủ trong thực tiễn về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, việc khởi kiện vụ án hành chính của công dân.
Bổ sung, nhận định khách quan tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kết quả tiếp công dân; Báo cáo đầy đủ việc rà soát lại giải quyết các vụ việc tồn đọng kéo dài, nhận định chính xác nguyên nhân trong đó chỉ rõ vì sao có những việc cơ quan Thanh tra, Tổng thanh tra Chính phủ, thậm chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã có kết luận, yêu cầu giải quyết nhưng vẫn kéo dài không giải quyết đúng thời gian theo kiến nghị.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần chỉ rõ cơ chế chính sách, pháp luật vướng mắc ở đâu, trách nhiệm thực hiện của các cấp ở mức nào, đặc biệt là của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu báo cáo rõ việc thanh tra, kiểm tra, trách nhiệm thực hiện, việc tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo. Cùng với đó, làm rõ những vấn đề khác có liên quan đến Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và hệ thống pháp luật, nhất là xung quanh việc thực hiện pháp luật, quản lý Nhà nước về đất đai, thu hồi đất, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần…
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần chỉ ra cụ thể hơn địa phương, bộ ngành nào chưa quan tâm đến tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; người đứng đầu nơi nào không làm hoặc làm nhưng không đến nơi đến chốn hoặc đổ điều kiện khách quan do công việc mà ủy quyền cho cấp phó.
Quy định về tiếp công dân của người đứng đầu có gì cần kiến nghị thay đổi gì? Đề nghị Thanh tra Chính phủ có đánh giá tổng thể về vấn đề trình độ, năng lực của cán bộ các cấp trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong các vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài, cần phân loại đơn vị, địa phương, lĩnh vực nào còn nhiều, khả năng giải quyết dứt điểm ra sao, trên cơ sở đó, kiến nghị Luật nào, điều khoản nào cần phải sửa đổi, bổ sung.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm trình bày báo cáo bổ sung của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ về thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo |
Theo Thanh tra Chính phủ, việc ban hành Nghị định 31/2019 quy định chi tiết 1 số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo chậm do việc lấy ý kiến kéo dài, có nhiều ý kiến khác nhau. Về số liệu xử lý hành chính và chuyển điều tra xử lý hình sự, trong giai đoạn báo cáo, thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, cơ quan hành chính các cấp đã chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 65 vụ việc.
Về các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài, bao gồm 35 vụ việc do Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thực hiện; 221 vụ do Thanh tra Chính phủ rà soát, chuyển cho địa phương thực hiện; 692 vụ việc do địa phương rự rà soát theo Kế hoạch 363 của Thanh tra Chính phủ; 74 vụ việc công dân nhiều lần đến cơ quan Trung ương.
Đối với đề nghị của Tổ công tác về việc bổ sung phân tích, đánh giá cụ thể hơn số vụ việc theo lĩnh vực, tình chất, địa bần; xây dựng lộ trình cụ thể để xem xét, rà soát đối với từng vụ việc; phân loại các vụ việc đã xem xét, đang xem xét, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu các địa phương báo cáo, tuy nhiên đến nay việc đánh giá, cung cấp chưa đầy đủ.
Về tình hình khiếu nại, báo cáo phản ánh, số lượt người khiếu nại tăng 62,5% nhưng số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết giảm 21,4%. Trong đó có nguyên nhân chủ quan là do việc giải quyết chậm, công dân chờ đợi lâu nên nhiều lần đến Trụ sở tiếp công dân để khiếu nại.
Số vụ việc công dân khởi kiện ra Tòa hành chính chiếm tỷ lệ rất thấp, nguyên nhân cơ bản là do công dân phải đáp ứng các điều kiện thụ lý, nhất là phải cung cấp đầy đủ các bằng chứng, chứng cứ, tuân thủ đúng thời hiệu khởi kiện, thẩm quyền của Toà án, việc nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định (thực tế nhiều trường hợp công dân không có đủ hồ sơ, tài liệu, chứng cứ nên Toà không thụ lý).
Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội kết luận nội dung làm việc |
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao nỗ lực của Đoàn giám sát đã tổ chức cuộc làm việc với sự tham gia tích cực của các thành viên Đoàn giám sát và chuyên gia, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm đối với các nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận báo cáo của Thanh tra Chính phủ đã bám sát đề cương, cung cấp nhiều số liệu, bảng biểu theo yêu cầu, là cơ sở cho Đoàn giám sát đưa ra nhận định, đánh giá sát thực tiễn; đưa ra những đề xuất kiến nghị sửa đổi pháp luật trong lĩnh vực này.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, giám sát chuyên đề này là nội dung rất quan trọng, được Lãnh đạo Quốc hội, các đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Thanh tra Chính phủ với trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có vai trò quan trọng trong việc tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trong công tác này. Vì vậy, đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo tiếp thu tối đa các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện và gửi báo cáo bổ sung cho Đoàn giám sát trong thời điểm sớm nhất.