Toàn cảnh Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng pí làm việc với Chính phủ. |
Tình hình thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ tại các bộ, ngành, địa phương là một trong những trọng tâm giám sát của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Qua giám sát tại 15 bộ, 15 địa phương; các cơ quan tư pháp và làm việc với Chính phủ, nhiều thành viên Đoàn giám sát của Quốc cho rằng sự lãng phí trong sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ vẫn chưa được lượng hóa. Bởi qua giám sát cho thấy, có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học nghiệm thu xong lại cất ngăn kéo; có sự trùng lắp đề tài nghiên cứu khoa học ở nhiều địa phương; nguy cơ thất thoát, lãng phí từ việc xử lý, thu hồi tài sản hình thành trong quá trình nghiên cứu, đầu tư về khoa học công nghệ; có tình trạng sử dụng kinh phí khoa học công nghệ để chi lương và hoạt động của bộ máy của các cơ quan đơn vị...
Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội với Chính phủ và các bộ, ngành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai, thành viên Đoàn giám sát cho biết, qua giám sát tại các địa phương, bộ ngành có thể thấy nguồn lực ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học công nghệ rất lớn. Đại biểu đặt câu hỏi, một năm có bao nhiêu đề tài nghiên cứu khoa học sử dụng ngân sách nhà nước, trong số đó tỷ lệ đưa vào ứng dụng rất thấp, có những đề tài tiêu tốn nhiều tiền nhưng hiệu ứng thực tế không có.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai, thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội cho rằng, nguồn lực ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học công nghệ rất lớn nhưng tỷ lệ đưa vào ứng dụng rất thấp |
Giám sát việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Bộ Công thương cho thấy, giai đoạn 2016-2021, tổng kinh phí ngân sách nhà nước nguồn sự nghiệp khoa học phân bổ cho Bộ Công thương là gần 2.059 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số kinh phí phân bổ cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ giai đoạn 2016-2021 có kinh phí chi lương và hoạt động bộ máy thông qua các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của các Viện nghiên cứu trực thuộc bộ (chiếm 19%).
Kết quả giám sát bước đầu của Tổ công tác (Đoàn giám sát của Quốc hội) đã đưa ra nhận định: với số liệu do Bộ Công thương cung cấp, trong tổng số kinh phí nghiên cứu khoa học, Bộ Công thương giao cho các doanh nghiệp, viện trường, hiệp hội thực hiện khá lớn (chiếm khoảng 56%).
Tuy nhiên, Bộ chưa làm rõ cơ chế phối hợp, phân chia trách nhiệm, rủi ro, quyền lợi giữa Bộ và các cơ quan, tổ chức này, nhất là quyền lợi về mặt kinh tế cho nhà nước khi các đề tài sử dụng kinh phí nghiên cứu của Nhà nước thành công, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức; Bộ Công thương cũng chưa làm rõ sự phù hợp và cơ sở pháp lý của việc Bộ Công thương sử dụng 19% số kinh phí phân bổ cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ để hỗ trợ chi lương và hoạt động bộ máy của các Viện nghiên cứu trực thuộc Bộ.
Hơn nữa, số kinh phí sự nghiệp khoa học của Bộ Công thương trong giai đoạn 2016-2021 là khá lớn. Báo cáo của Bộ Công thương chủ yếu đánh giá kết quả đạt được, các tồn tại, vướng mắc chủ yếu là cơ chế chính sách, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan; chưa làm rõ được số tiết kiệm khi thực hiện nguồn kinh phí này; số thất thoát, lãng phí; việc quản lý, sử dụng các kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu, cũng như quản lý, sử dụng các tài sản, trang thiết bị đã mua sắm, đầu tư khi thực hiện các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học này.
Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước tại Bộ Công thương cũng cho thấy, còn tình trạng lập dự toán kinh phí khoa học và công nghệ đối với nhiệm vụ mở mới khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt (14,133 tỷ đồng); giao dự toán chi sự nghiệp khoa học và công nghệ chưa ưu tiên bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chuyển tiếp; quản lý, sử dụng nguồn vốn khoa học và công nghệ còn chưa đúng quy định; các dự án sản xuất thử nghiệm do Bộ giao cho đơn vị thực hiện từ các năm 2006-2010 đã thu hồi nhưng chưa nộp trả ngân sách nhà nước là 2.940 tỷ đồng; một số hợp đồng đã nợ trên 3 năm chưa được đối chiếu, thanh toán hoặc chưa xử lý theo quy định; chưa phản ánh số phải trả của dự án “Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống mạng” 86,38 tỷ đồng…
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân, thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Y tế. |
Tại buổi làm việc với Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân, thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội nêu quan điểm, qua giám sát tại các bộ cho thấy, một trong những sự lãng phí là các đề tài nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, trong báo cáo của Bộ Y tế nêu chung chung, không báo cáo cụ thể 5 năm qua đã triển khai bao nhiêu đề tài, dự án khoa học công nghệ, tính ứng dụng như thế nào, có lãng phí hay không, đề nghị Bộ Y tế nêu rõ, kèm theo danh mục các đề tài. Bởi thực tế cho thấy, kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học rất lớn nhưng lãng phí không ít, hiệu quả đưa lại của việc ứng dụng các đề tài vào thực tế so với ngân sách bỏ ra không cao.
Báo cáo kết quả giám sát bước đầu về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Tổ công tác (Đoàn giám sát của Quốc hội) tại Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa ra nhận định: số liệu về kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ được nêu thiếu logic, có sự sai lệch về số liệu báo cáo giữa tổng kinh phí nhiệm vụ khoa học công nghệ với kinh phí cho nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia và kinh phí chi cho cấp bộ, cấp cơ sở, chi các nhiệm vụ khoa học công nghệ khác. Số liệu giữa tổng kinh phí của cả giai đoạn cũng có sự sai biệt so với số kinh phí được bố trí hàng năm.
Ngoài ra, trong báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ còn bộc lộ một số tồn tại trong việc thực hiện nhiệm vụ khoa học, ở cả cấp quốc gia và cấp Bộ, cấp cơ sở. Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2021, không có đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp quốc gia nào áp dụng phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng; chưa cung cấp, làm rõ được danh mục, số lượng các đề tài nghiên cứu theo từng năm; chưa làm rõ được việc hình thành tài sản từ kết quả nghiên cứu; việc xử lý tài sản là trang thiết bị khi kết thúc nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định tại Nghị định số 70/2018/NĐ-CP.
Tổ công tác của Đoàn giám sát của Quốc hội cũng cho biết, tổng kinh phí các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp cơ sở và các nhiệm vụ khác trong giai đoạn 2016-2021 là 3.772 tỷ đồng nhưng chỉ có 519 tỷ đồng được phân bổ để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trong khi có tới 1.784 tỷ đồng được chi cho lương, hoạt động bộ máy, nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, và các nhiệm vụ cấp bộ khác. Có tổng số 86 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã được xem xét, xử lý dừng thực hiện.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn, rất nhiều đề tài được cấp kinh phí sau đó bị dừng, hủy, thậm chí làm xong rồi nhưng lại không được đưa vào thực tiễn. |
Cho ý kiến tại buổi giám sát tại Bộ Khoa học và Công nghệ, thành viên Đoàn giám sát cho rằng, việc thống kê, quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu về tài sản chưa được chú trọng thực hiện, báo cáo về việc thương mại hóa, xử lý các tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cũng không rõ. Nhiều đề tài có đơn vị nhận chuyển giao kết quả là các doanh nghiệp ngoài nhà nước nhưng không có báo cáo về giá trị chuyển giao, thu hồi vốn cho nhà nước.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn nêu quan điểm: “Rất nhiều đề tài hiện nay cấp kinh phí xong bị dừng, hủy, thậm chí làm xong rồi nhưng lại không được đưa vào thực tiễn, trong khi đó có rất nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng trong thực tiễn thì lại không được ứng kinh phí. Tôi cho rằng đây là bất cập, dưới góc độ quản lý nhà nước thì Bộ Khoa học và Công nghệcần đánh giá sâu về chuyên đề này.”
Trong khi đó, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ đề nghị làm rõ nguy cơ thất thoát, lãng phí từ việc xử lý, thu hồi tài sản hình thành trong quá trình nghiên cứu, đầu tư về khoa học công nghệ. Bởi, theo kết quả kiểm toán, giá trị tài sản chưa được xử lý lớn, số liệu tổng hợp đến hết năm 2020 là 1.032 tỉ đồng.
Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá rõ nguyên nhân, trách nhiệm đối với việc 7 dự án chậm tiến độ, 4 dự án dừng triển khai, với tổng chi phí là gần 75 tỉ đồng; việc quản lý Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia và Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, khi quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia được ngân sách nhà nước cấp hơn 317 tỉ đồng song việc triển khai hoạt động còn nhiều bất cập, chưa thể tự chủ, hàng năm phải sử dụng 1 phần nguồn vốn điều lệ để duy trì hoạt động thường xuyên.
Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá hiệu quả các đề tài khoa học đã hoàn thành, chuyển giao. |
“3 dự án đầu tư công và tài sản công từ 76 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ thì đánh giá tài sản này thế nào, quản lý thế nào, sau khi hoàn thành thì các đề án, đề tài ra sao. Ví dụ việc quản lý, đánh giá hiệu quả các phòng thí nghiệm, các đề tài khoa học đã hoàn thành, chuyển giao thực hiện thì phải đánh giá cho được”, Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát yêu cầu.
Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho biết: Giai đoạn 2016-2021, tổng dự toán kinh phí bố trí cho sự nghiệp khoa học và công nghệ của thành phố Hà Nội là 1.531.094 triệu đồng, trong đó chi cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ là 629.662 triệu đồng. Cơ chế quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã chuyển mạnh từ phương thức giao trực tiếp sang đặt hàng, tuyển chọn, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng và khách quan.
Kết quả về tình hình thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ giai đoạn 2016-2021 tại Hà Nội cho thấy, 15% kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu nhưng không được ứng dụng thực tiễn. Theo lý giải của UBND thành phố Hà Nội, kết quả của các nhiệm vụ khoa học công nghệ đã được áp dụng với mức độ và quy mô khác nhau. 100% dự án được sản xuất thử nghiệm và trên 85% kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu được ứng dụng vào thực tiễn.
Điều này không có nghĩa là 15% kết quả nghiên cứu đề tài nghiên cứu đã nghiệm thu nhưng không được ứng dụng thực tiễn mà 15% này chưa được ứng dụng ngay sau khi nghiệm thu vì chưa hội đủ điều kiện. Các đề tài, dự án sau nghiệm thu vẫn tiếp tục được theo dõi việc ứng dụng trong thực tiễn, theo rà soát đến thời điểm 2022, tỷ lệ ứng dụng của các đề tài đã đạt trên 90%.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội |
Nêu quan điểm tại buổi giám sát UBND thành phố Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội nêu thực tế địa phương nào cũng báo cáo chi cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học lớn nhưng có bao nhiêu đề tài được nghiệm thu, bao nhiêu đề tài ứng dụng vẫn chưa được báo cáo cụ thể, vì thực tế có nhiều đề tài nghiệm thu xong lại cất ngăn kéo, gây lãng phí.
Trong khi đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, báo cáo của UBND thành phố Hà Nội nêu 85% đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ được ứng dụng trong thực tế - đây là kết quả rất đáng ghi nhận, tuy nhiên đề nghị thành phố làm rõ thêm số lượng tổng mức đầu tư cho các dự án nghiên cứu khoa học là bao nhiêu, tư nguồn ngân sách nhà nước hay nguồn huy động từ bên ngoài; các đề tài được ứng dụng trong thực tế ở lĩnh vực nào.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cũng quan tâm đến giá trị thương mại hóa các đề tài nghiên cứu khoa học là bao nhiêu, cần lượng hóa con số tiết kiệm để Đoàn giám sát của Quốc hội tổng hợp báo cáo Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình với Đoàn giám sát của Quốc hội về việc phân bổ kinh phí nhiệm vụ khoa học công nghệ cho các bộ, ngành, địa phương. |
Giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Bộ Tài chính, có ý kiến cho rằng, qua rà soát, việc chi cho sự nghiệp khoa học công nghệ lớn nhưng tỷ lệ ứng dụng thấp, có sự trùng lắp đề tài ở nhiều địa phương. Đặc hiệt, việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học tại các bộ, ngành địa phương chưa đạt kết quả như mong muốn. Thành viên Đoàn giám sát nêu điển hình tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề tài nghiên cứu chuyển đổi giống cây trồng nhưng giống lại của Thái Lan trong khi chi phí cho nghiên cứu rất lớn.
Thành viên Đoàn giám sát đề nghị, với vai trò là cơ quan phân bổ kinh phí nghiên cứu khoa học công nghệ cho các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đánh giá, làm rõ hơn việc chi ngân sách và hiệu quả của các đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng trong thực tiễn.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và cho rằng công tác quản lý nhiệm vụ khoa học công nghệ, hiệu quả của các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ chưa cao, có tình trạng đề tài nghiên cứu khoa học cất ngăn tủ, không ứng dụng trong thực tiễn.
Bộ Tài chính đang nghiên cứu sửa đổi Thông tư, Nghị định về quản lý nhiệm vụ khoa học công nghệ, như Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ; Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 30/12/2015 quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước./.