Năm 2022 tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước 53.887 tỷ đồng
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, năm 2022, mặc dù bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc kịp thời của các cấp các ngành và sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực: đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 tăng 8,02%, cao nhất trong 10 năm qua và vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%), lạm phát được kiềm chế ở mức dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. |
Triển khai Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện và đạt được kết quả tích cực, trong đó đã thực hiện rà soát, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các định mức, tiêu chuẩn chế độ; thực hiện triệt để tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi gây thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, tài sản công, đất đai, khoáng sản...
Đồng thời, triển khai Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 14/4/2023, theo đó các nội dung của Nghị quyết đã được thể hóa thành công việc trọng tâm của Chính phủ năm 2023 và giai đoạn 2023-2025 với 6 giải pháp chung và 26 nhiệm vụ cụ thể yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao.
Nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước năm 2022 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỷ đồng (trong đó tiết kiệm chi thường xuyên được khoảng 716,9 tỷ đồng).
Hệ thống các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã được ban hành tương đối đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công. Công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương năm 2022 tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm. Cải cách thể chế về đầu tư công tiếp tục được quan tâm, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh để nâng cao hiệu lực công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
Hệ thống cơ chế, chính sách phục vụ quá trình sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp Nhà nước đã được ban hành đầy đủ và tiếp tục hoàn thiện; đã có 18/19 tập đoàn, tổng công ty đã xây dựng đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025 và đang tiếp tục hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành.
Tăng cường công tác tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực
Toàn cảnh phiên họp. |
Đề cập đến các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, Chính phủ xác định chủ đề điều hành của năm 2023 là "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả".
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 về Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 trong đó đề ra các giải pháp lớn, như: Các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm chỉ đạo thống nhất việc xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong từng lĩnh vực được giao phụ trách, trong đó cần phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc, từng cán bộ, công chức, viên chức, gắn với công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên để đảm bảo việc thực hiện Chương trình đạt hiệu quả.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm nâng cao, thống nhất nhận thức, trách nhiệm về mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình tiên tiến; thực hiện các biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí.
Tăng cường công tác tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào các lĩnh vực: Quản lý ngân sách Nhà nước, quản lý vốn đầu tư công, quản lý nợ công, quản lý tài sản công, quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đối với đất đai, quản lý vốn, tài sản Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp...
Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và pháp luật chuyên ngành. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra thất thoát, lãng phí./.