Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, sáng 24/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026.
Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, trong đó có các chủ trương mới, liên quan trực tiếp tới phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước, như việc sắp xếp tổ chức bộ máy, miễn học phí, bảo đảm trật tự, an ninh, quốc phòng, ưu tiên các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giáo dục - đào tạo…
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi báo cáo tại phiên họp. |
Việc sửa đổi sẽ làm căn cứ để Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2026; xác định tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu và số bổ sung từ ngân sách trung ương cho từng địa phương.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày và ý kiến thảo luận tại phiên họp đề nghị chưa xem xét, ban hành Nghị quyết vào thời điểm này.
Nguyên nhân theo tờ trình, thời điểm 30/4/2025 là thời gian lấy làm căn cứ để xác định các chỉ tiêu, định mức liên quan đến đơn vị hành chính quy định tại dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, căn cứ tình hình thực tế, căn cứ vào các văn bản sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền thì việc sắp xếp lại bộ máy sẽ có nhiều thay đổi sau thời điểm 30/4/2025.
Theo Chủ nhiệm Phan Văn Mãi, một số liên quan đến nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên trong dự thảo Nghị quyết đang được sửa đổi: Luật Ngân sách nhà nước đã bỏ Kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm; thời kỳ ổn định ngân sách và tỷ lệ điều tiết; một số chính sách mới dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ chín có tác động đến các tiêu chí, định mức chi thường xuyên tại các địa phương. Vì vậy, thời điểm xây dựng phương án về định mức phân bổ như Tờ trình của Chính phủ là chưa phù hợp.
Về tỷ lệ điều chỉnh định mức phân bổ của các bộ, cơ quan trung ương và của địa phương theo tiêu chí dân số năm 2026 so với năm 2022 : Đa số ý kiến Ủy ban KTTC đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về căn cứ, cơ sở xác định mức tăng chung là 35%.
Đối với nhóm cơ quan, đơn vị, tổ chức có cơ chế đặc thù Ủy ban KTTC đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ hơn: Việc triển khai, báo cáo tình hình rà soát, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị đang được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết 142 của Quốc hội
Về tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong đó có tiêu chí , định mức phân bổ chi sự nghiệp giáo dục. Nhiều ý kiến đề nghị cần giữ tỷ lệ tối thiểu chi thực hiện nhiệm vụ giáo dục không bao gồm các khoản chi lương và tính chất lương là 19% như quy định tại Nghị quyết 01/2021/UBTVQH15 để bảo đảm kinh phí hoạt động thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt khi tỷ lệ này sẽ có xu hướng giảm trong các năm sau do chịu tác động của lạm phát, tăng lương cơ sở.
![]() |
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp. |
Cho ý kiến nội dung này, đa số các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình quan điểm của cơ quan thẩm tra chưa xem xét, ban hành Nghị quyết vào thời điểm này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phân tích, khi có sự thay đổi sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, địa giới hành chính, việc áp dụng định mức tại các địa phương này không chỉ là việc thực hiện cộng “cơ học” mà cần được đánh giá tổng thể, có gắn với yếu tố đặc thù về điều kiện tự nhiên, đầu mối quản lý và nhu cầu phát triển về kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn có địa giới hành chính mới.
Việc áp dụng nhiều định mức khác nhau trên địa bàn 1 xã sau khi sáp nhập có thể gây khó khăn trong quản lý, điều hành. Sau khi sắp xếp bộ máy chính trị, địa giới hành chính, việc xác định phân loại 4 vùng theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ trước đó có thể sẽ không còn phù hợp, theo đó không đủ căn cứ pháp lý để làm cơ sở xây dựng định mức phân bổ áp dụng trong năm 2026 và các năm tiếp theo.
![]() |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến tại phiên họp. |
Phát biểu tại phiên họp Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng dự thảo Nghị quyết chưa đủ điều kiện để Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính cần rà soát kỹ lưỡng lại, không sao chép “cái cũ” một cách cứng nhắc, nhất là trong bối cảnh việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, kết thúc hoạt động của cấp huyện, thì cần làm rõ khái niệm đô thị, nông thôn, đồng thời phải căn cứ vào Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025.
Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, nếu lùi thời gian thông qua sau Kỳ họp thứ Chín, thì Chính phủ có kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các nội dung để trình Nghị quyết làm cơ sở xây dựng dự toán ngân sách nhà nước, dự toán chi năm 2026 của Bộ, ngành hay không? Nếu ban hành Nghị quyết ở thời điểm này thì phải xử lý các vấn đề để bảo đảm thống nhất với Luật Ngân sách Nhà nước và Nghị quyết về tổ chức bộ máy, chính sách miễn học phí như thế nào. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, phải làm sao cập nhật được tình hình mới hiện nay trong dự thảo Nghị quyết này.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng báo cáo tại phiên họp. |
Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời điểm này là thực hiện theo Luật Ngân sách Nhà nước. Thực tế, nếu tờ trình được phê duyệt, Chính phủ sẽ có thời gian trình Quốc hội giao chỉ tiêu nhiệm vụ, đặc biệt là dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2026.
Thừa nhận hiện có một số vấn đề chưa lường hết và nếu lùi lại sẽ bao quát đầy đủ hơn nội dung phát sinh Bộ Chính trị chỉ đạo, song Bộ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Văn Thắng cho rằng, nếu sau kỳ họp thứ 9 mới thông qua nghị quyết sẽ hơi cập rập.
Bộ trưởng Bộ Tài Chính mong muốn: “Có thể ban hành trước nghị quyết và điều chỉnh các vấn đề phát sinh sau.”
![]() |
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận. |
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sự cần thiết và nhiều nội dung cụ thể trong dự thảo Nghị quyết, tuy nhiên, Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 9 có nội dung thay đổi liên quan đến tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách nhà nước; chúng ta cũng chưa thực hiện xong việc sắp xếp cấp tỉnh, cấp xã…
Nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến tiêu chí, định mức chi thường xuyên, bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện các nội dung quan trọng đưa đất nước vào giai đoạn phát triển mới đang được dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, đặc biệt là chính sách miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông. Vì vậy đề nghị Chính phủ cập nhật tình hình, bám sát việc sửa đổi các luật, Nghị quyết liên quan thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Chính phủ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và ý kiến cơ quan thẩm tra để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, đây là vấn đề rất quan trọng, nếu lập định mức mà thiếu cơ sở, chưa đầy đủ thì dự toán sẽ không chính xác, cho nên cần chậm lại một bước.