Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu khai mạc cuộc làm việc |
Phát biểu khai mạc cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, thực hiện Nghị quyết số 289/NQ-UBTVQH15 ngày 6/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021” đã thực hiện giám sát trực tiếp với 8 Bộ, ngành và 6 địa phương, bao gồm: Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Đắk Nông, Khánh Hòa, Lào Cai và Kiên Giang.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, qua giám sát, một số vấn đề, tồn tại, hạn chế nổi lên như: chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của các Bộ, ngành; nội dung văn bản quy phạm pháp luật thiếu tính thống nhất với văn bản pháp luật liên quan, chưa sát với thực tiễn tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó, quy định về tiếp công dân còn bất cập, chưa thực sự được quan tâm, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo còn hạn chế về năng lực, kỹ năng. Trong thực tế giải quyết khiếu nại tố cáo, hệ thống pháp luật cũng có một số điểm thiếu đồng bộ, chưa cụ thể, rõ ràng, còn chồng chéo mâu thuẫn. Công tác phối hợp, thẩm tra, xác minh trong quá trình giải quyết vụ việc vẫn còn bất cập…
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh |
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nêu rõ, về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021, Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ thực hiện báo cáo về nội dung này, tập hợp các báo cáo của các Bộ, ngành về việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ngày 08/3/2022, Chính phủ đã có Báo cáo số 62 gửi Đoàn giám sát, giải trình, làm rõ một số nội dung Đoàn giám sát quan tâm.
Thực hiện Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ năm 2021, hàng tháng Chính phủ đều chỉ đạo Thanh tra Chính phủ cung cấp thông tin về tình hình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, để Ban Dân nguyện tổng hợp báo cáo, yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố liên quan xem xét, giải quyết, đặc biệt đối với các vụ việc khiếu nại phức tạp, đông người, kéo dài.
Còn tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm Báo cáo kết quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo giai đoạn 2016 - 2021 |
Báo cáo kết quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo giai đoạn 2016 - 2021, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Một số địa phương, bộ, ngành chưa thực sự quan tâm đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc lịch tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu, chưa gắn việc tiếp công dân với đối thoại giải quyết khiếu nại, tố cáo; trình độ, năng lực, kỹ năng của một số cán bộ trực tiếp tham gia tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế, chưa nắm bắt và áp dụng đúng quy định của pháp luật, còn tình trạng ghi chép cập nhật vào sổ theo dõi tiếp công dân thiếu chi tiết, chưa rõ ràng, nội dung còn sơ sài chưa thể hiện được đầy đủ kết quả tiếp công dân.
Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, các tồn tại, hạn chế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Cụ thể, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hầu hết mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân, dẫn đến việc triển khai và kết quả thực hiện nhiều nhiệm vụ trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo chậm hơn nhiều so với yêu cầu, kế hoạch, nhất là những nhiệm vụ cần có sự tham gia của nhiều cơ quan.
Bên cạnh đó, chính sách, pháp luật còn bất cập nhưng chậm được thay đổi, nhất là chính sách, pháp luật về những lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo như lĩnh vực đất đai, môi trường. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát còn chưa thường xuyên, chất cho việc chủ động phát hiện vi phạm trong hoạt động công vụ còn hạn chế việc xử lý các vi phạm còn thiếu kiên quyết, chưa nghiêm, chưa kịp thời.
Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công, Tổ trưởng Tổ giúp việc Đoàn giám sát báo cáo |
Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát chuyên đề, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công, Tổ trưởng Tổ giúp việc Đoàn giám sát cho biết, qua quá trình giám sát vừa qua, Đoàn giám sát đã trực tiếp góp ý với nhiều Bộ, ngành, địa phương về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, qua đó nhanh chóng tạo ra các chuyển biến tích cực. Cụ thể, việc thực hiện thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được UBND các địa phương thực hiện nghiêm túc hơn, nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, các cơ quan có thẩm quyền và sự phối hợp của cơ quan hành chính với cơ quan tòa án, viện kiểm sát trong việc giải quyết vụ việc khiếu kiện hành chính và vụ việc dân sự khi có yêu cầu.
Qua giám sát trực tiếp và cho ý kiến với các Bộ, ngành, địa phương, trách nhiệm tiếp công dân định kỳ, tiếp công dân đột xuất của người đứng đầu cơ quan hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp đã được các cơ quan được giao nhiệm vụ thẩm tra, xác minh đẩy nhanh tiến độ và sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo thẩm quyền, đảm bảo thời gian, tiến độ theo yêu cầu. Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đã được coi trọng và tăng cường, nhất là trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng, môi trường... Một số văn bản quy phạm pháp luật cũng đã được các cơ quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới.
Tuy nhiên, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cũng nêu rõ, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn những hạn chế, bất cập như: tình trạng bố trí cán bộ làm công tác tiếp dân chưa phù hợp; việc quy định tiếp công dân thường xuyên các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chưa phù hợp với thực tiễn; việc phối hợp trong công tác tiếp công dân giữa cơ quan Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân với các cơ quan hành chính các cấp chưa được thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, chất lượng công tác thẩm tra, xác minh trong quá trình giải quyết, nhất là lần đầu của cấp huyện có nơi còn làm chưa kỹ, có sai sót nên dẫn đến nhiều vụ việc phải xem xét, giải quyết nhiều lần; chất lượng của công tác quản lý hành chính nhà nước các cấp còn nhiều bất cập, hạn chế có sai sót; quyền và lợi ích hợp pháp của công dân chưa được đảm bảo làm gia tăng tình hình khiếu nại.
Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhương cho rằng việc nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế có một phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với người dân |
Thảo luận tại cuộc làm việc, nhiều đại biểu, chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, nhất là đối với trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan có trách nhiệm trong việc tổ chức, thực hiện công tác tiếp công dân, nhất là sự phối hợp giữa cơ quan hành chính với cơ quan tư pháp; nghiên cứu triển khai rộng mô hình phối hợp với luật sư tư vấn pháp luật miễn phí cho công dân trong quá trình thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo ở địa phương.
Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cùng một số chuyên gia nêu rõ, việc tiếp nhận, xử lý đơn thư còn hạn chế, vẫn còn có sự nhầm lẫn trong việc phân loại đơn, giữa đơn khiếu nại, tố cáo với đơn kiến nghị phản ánh đấn đến việc tham mưu, áp dụng pháp luật trong xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân có trường hợp còn thiếu chính xác hoặc sai sót nhất định.
Bên cạnh đó, Phó Trưởng Ban Dân nguyện cũng cho rằng việc nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế có một phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với người dân, đồng thời cũng cần tuyên truyền về ý thức trách nhiệm công vụ đối với cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức thường xuyên làm việc, tiếp xúc với người dân.
Các đại biểu tham gia thảo luận |
Tham gia phát biểu ý kiến, nguyên Phó trưởng Ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương cùng một số đại biểu cho biết, tình trạng chậm thi hành bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật chưa được khắc phục do chưa có quy định cụ thể về cơ chế cưỡng chế thi hành án đối với các trường hợp không tự nguyện thi hành án hành chính.
Để khắc phục tình trạng trên, các đại biểu, chuyên gia cho rằng, UBND các cấp cần chấp hành nghiêm Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính, người đứng đầu các cơ quan hành chính cần thực hiện nghiêm các quy định Luật Tố tụng hành chính, nhất là về trách nhiệm tham gia phiên tòa, đối thoại, giải trình, cung cấp kịp thời đầy đủ, kịp thời hồ sơ, tài liệu có liên quan đến quyết định hành chính bị khởi kiện; thi hành nghiêm túc các bản án, quyết định của Tòa án; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính; nâng cao chất lượng, bảo đảm việc ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính tuân thủ đúng quy định của pháp luật, hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, cần tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, nhất là công tác thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo; các Bộ ngành và địa phương cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối với các ngành, lĩnh vực và địa bàn phụ trách, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận |
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến đóng góp xác đáng, trách nhiệm, thẳng thắn, tâm huyết của các đại biểu. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục đóng góp ý kiến bằng văn bản để hoàn thiện báo cáo toàn văn, báo cáo giám sát và Nghị quyết chuyên đề giám sát, đảm bảo chính xác, trung thực, khách quan.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổ giúp việc của Đoàn giám sát tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, đại diện các Bộ, ngành; tiếp tục làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Bộ ngành có liên quan, qua đó sớm hoàn thành báo cáo tóm tắt, đưa vào báo cáo những vấn đề đã chín, đã rõ, để Đoàn giám sát chính thức thông qua báo cáo toàn văn, báo cáo tóm tắt trước khi gửi Chính phủ và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 9.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, sau khi cơ bản hoàn thiện báo cáo, Truyền hình Quốc hội Việt Nam sẽ tham gia sản xuất phim minh họa cho chuyên đề giám sát này.