Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021” |
Báo cáo của các địa phương, cơ quan còn chung chung
Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát bước đầu, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, căn cứ Nghị quyết số 289/NQ-UBTVQH15 ngày 06/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát, Đoàn giám sát đã khẩn trương ban hành Kế hoạch chi tiết, phân công cụ thể, chi tiết trách nhiệm của từng thành viên Đoàn giám sát và cơ quan tham gia; triển khai, thực hiện các nội dung, yêu cầu của hoạt động giám sát; tham mưu, phục vụ một số hoạt động giám sát trong thời gian tới của Đoàn.
Tính đến ngày 11/3/2022, Đoàn giám sát đã nhận được đầy đủ báo cáo của các cơ quan thuộc đối tượng giám sát, 55/63 báo cáo của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố và 01 báo cáo kết quả giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội Sóc Trăng. Đoàn giám sát nhận thấy, việc báo cáo của các cơ quan thuộc đối tượng giám sát còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ theo yêu cầu. Chất lượng báo cáo các bộ, ngành Trung ương và địa phương còn nhiều hạn chế, nhiều báo cáo đánh giá chung chung, không cụ thể, không rõ địa chỉ. Mặc dù Đoàn giám sát đã có đề cương chi tiết, rõ nội dung yêu cầu tại phụ lục, bảng biểu, tuy nhiên một số UBND tỉnh báo cáo chưa đúng, chưa đủ nội dung theo đề cương, biểu mẫu. Số ngày tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu còn nêu chung chung, chưa nêu cụ thể số ngày tiếp định kỳ; chưa đánh giá đầy đủ trách nhiệm, hiệu quả tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu, việc ủy quyền cho cấp phó tiếp.
Đoàn giám sát đã nhận được báo cáo bổ sung của 42 UBND tỉnh, thành phố và 27 báo cáo chính thức của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân của các địa phương. Qua nghiên cứu bước đầu, về cơ bản các báo cáo bổ sung đã đảm bảo theo các yêu cầu của đề cương giám sát. Tuy nhiên do biểu mẫu thống kê, nội dung yêu cầu của Đoàn giám sát, nhất là số liệu tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan hành chính mới được phân định và quy định tại Thông tư 02/2021/TT-TTrCP ngày 22/3/2021 của Thanh tra Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 10/5/2021) nên việc đảm bảo đầy đủ số liệu tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp từ năm 2021 trở về trước gặp nhiều khó khăn, nhiều địa phương không bóc tách được số liệu giữa tiếp công dân định kỳ của của người đứng đầu và tiếp công dân của cấp phó được ủy quyền.
Qua nghiên cứu báo cáo, tài liệu các cơ quan gửi đến, Đoàn giám sát nhận thấy việc ban hành văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có một số tồn tại hạn chế.
Theo đó, việc ban hành văn bản hướng dẫn của các các cơ quan còn chậm, chưa kịp thời. Việc ban hành nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tố cáo của Chính phủ, của Tòa án nhân dân tối cao chưa kịp thời, đồng bộ với thời điểm có hiệu lực của Luật; Thứ hai: vẫn còn một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn và chưa đảm bảo tính thống nhất hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể như quy định về người đứng đầu cơ quan bộ ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 01 ngày trong 01 tháng; việc quy định thời hiệu khiếu nại và thời hiệu khởi kiện trong Luật khiếu nại và Luật tố tụng hành chính chưa đảm bảo thống nhất; về thời điểm có hiệu lực thi hành của quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định giải quyết tranh chấp đất đai với thời hiệu khởi kiện được quy định trong Luật Tố tụng hành chính.
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, đây là một trong những nội dung, nhiệm vụ quan trọng và là mục tiêu chính của chuyên đề giám sát, trong quá trình giám sát tại các Bộ, ngành và địa phương, Đoàn giám sát sẽ tiếp tục đi sâu hơn nữa để làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác thể chế hóa văn bản quy phạm pháp luật cũng như tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện để đề xuất, kiến nghị cấp có thầm quyền sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định của pháp luật.
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo tại phiên họp |
Giám sát trọng tâm, trọng điểm
Về tình hình tiếp công dân và khiếu nại, tố cáo, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ, so với giai đoạn 2011-2016: số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước các cấp để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng 67,6%; số lượt đoàn đông người tăng 9,2% nhưng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước giảm 16,1%. Trong đó, khiếu nại giảm 4,8% số đơn và 25,7% số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước; tố cáo tăng 99,3% số đơn và 27,4% số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước. Tình trạng khiếu kiện vượt cấp, gửi đơn không đúng cơ quan có thẩm quyền còn diễn ra khá phổ biến, nhất là cấp Trung ương.
Việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, qua bước đầu giám sát cho thấy công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương, nhất là cấp huyện còn nhiều thiếu sót, hạn chế. Việc thụ lý, giải quyết các vụ án hành chính gặp nhiều khó khăn vướng mắc liên quan đến việc thực hiện vai trò của người bị kiện là người đứng đầu cơ quan hành chính, người đứng đầu các Sở, ngành làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử của tòa, đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện
Ngoài ra, Đoàn giám sát rà soát lại việc giải quyết đối với các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài thuộc lĩnh vực hành chính. Đoàn giám sát sẽ tập trung đánh giá, tham gia ý kiến về từng vụ việc cụ thể; phân loại các vụ việc theo các nhóm. Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát sẽ lập danh sách các vụ việc cụ thể để đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục theo dõi, giám sát việc thực hiện kiến nghị của Đoàn giám sát, định kỳ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các Phiên họp định kỳ hằng tháng và kỳ họp cuối năm của Quốc hội.
Về dự kiến triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, Đoàn dự kiến tập trung giám sát trọng tâm, trọng điểm khi thực hiện giám sát tại một số bộ ngành, địa phương về công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện rà soát các vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, kéo dài trong lĩnh vực hành chính của Thanh tra Chính phủ. Giám sát việc xem xét đơn đề nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; xem xét, giải quyết đối với vụ việc phức tạp, tồn đọng thuộc trách nhiệm của cơ quan tư pháp. Về việc thực hiện giám định tư pháp, giám định tài chính, giám định tài sản, giám định chất lượng hàng hóa theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng của Bộ Tư pháp và một số bộ, ngành có liên quan.Về khiếu nại, tố cáo đối với việc triển khai, thực hiện các dự án công viên nghĩa trang, khu xử lý rác thải, khu chăn nuôi tập trung, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường; Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến việc chuyển đổi chợ dân sinh thành các trung tâm thương mại. Một số vướng mắc trong việc thực hiện chức năng kiểm sát đối với vụ án hành chính, dân sự và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân tối cao....
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp |
Giám sát là bộ lọc để đánh giá quy định pháp luật liên quan
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung báo cáo kết quả bước đầu của Đoàn giám sát; đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Đoàn giám sát trong việc thực hiện nhiệm vụ, đã có sự phân công cụ thể trách nhiệm của từng thành viên Đoàn giám sát; kết quả báo cáo có bước phát triển.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, điểm mấu chốt đạt được qua giám sát lần này là việc thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan và người đứng đầu cơ quan đơn vị có ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện, có họp chỉ đạo đôn đốc thực hiện, đánh giá định kỳ hay không. Giám sát cũng cần chỉ được địa phương nào, ngành nào có nhiều đơn thư, chỉ rõ nguyên nhân. Nếu do pháp luật thì đề xuất sửa đổi; hay do khâu tổ chức thực hiện thì cần bàn bạc hướng đến thay đổi nhận thức và hành động; đồng thời có thống kê vụ việc tồn đọng kéo dài để chỉ đạo giải quyết. Giám sát cũng cần tổng kết kinh nghiệm chỉ ra cách làm hay cách làm tốt.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị báo cáo kết quả giám sát cần bảo đảm toàn diện cả hai lĩnh vực hành chính và tư pháp. Cho biết, cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính gắn liền tố tụng hành chính, tuy nhiên giải quyết khiếu nại theo đường tố tụng hành chính hiện không hấp dẫn, do đó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị lần giám sát lần này cần đánh giá tình hình và lý giải nguyên nhân, có đề xuất kiến nghị phù hợp. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng lưu ý giám sát không nên quá sa đà vào vụ việc cụ thể bởi đây giám sát vĩ mô, Đoàn giám sát không trực tiếp giải quyết vụ việc mà giám sát tình hình giải quyết.
Trong khi đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, mặc dù phạm vi giám sát chủ yếu liên quan đến tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cao nhưng thực tế nội dung các vụ việc tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo lại liên quan đến nhiều luật, lĩnh vực khác nhau, phạm vi rộng. Nhấn mạnh việc tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cao là lĩnh vực quan trọng phản ánh mối quan hệ cơ bản giữa nhà nước với công dân, tác động lớn đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, phản ánh trình độ dân trí, trình độ pháp lý, thượng tôn pháp luật không chỉ của công dân mà còn của cán bộ, cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền, trách nhiệm của mình. Do đó, việc thực hiện tốt giám sát lần này gần như là bộ lọc để đánh giá quy định pháp luật liên quan.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đánh giá cáo nỗ lực của Đoàn giám sát, đồng thời đề nghị tiếp tục hoàn thiện báo cáo giám sát theo đề cương đã được UBTVQH thông qua |
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị tiếp tục hoàn thiện báo cáo, bám sát đề cương kết quả giám sát đã ban hành để bảo đảm giám sát đi đúng hướng, đề nghị bổ sung yêu cầu thời gian nộp báo cáo của các chủ thể chịu sự giám sát.
Qua xem xét báo cáo bước đầu cho thấy nhiều số liệu còn chung chung như số liệu về việc tiếp công dân của người đứng đầu, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng chỉ khi người đứng đầu không tiếp hoặc ủy quyền cho cấp dưới thì mới viết chung chung. Khi ủy quyền cho cấp dưới, giao lại cho văn phòng hay luân phiên các phòng ban tiếp công dân, cán bộ tiếp công dân nhiều năm thường có có định kiến nhất định, thái độ không tích cực, từ đó nhận lại sự phản ứng của người dân và câu chuyện khiếu nại tố cáo kéo dài, nhiều vụ việc vượt cấp cũng từ đây mà ra. Thực tế cũng cho thấy, khi người đứng đầu cơ quan, đúng chủ thể có thẩm quyền tiếp công dân thì hiệu quả giải quyết cũng khác.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị cần có báo cáo đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tiếp công dân, quá trình thanh tra, kiểm tra, việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, các địa phương hiện chưa chú trọng trong phân công cán bộ tiếp công dân am hiểu pháp luật, có trình độ chuyên môn, năng lực, kỹ năng, mẫn cán. Nếu chọn được người phù hợp thì mới có thể giúp giảm nhiệt được được ở tuyến đầu tiếp nhận vụ việc, góp phần giảm khiếu nại, tố cáo kéo dài.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp |
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận kết quả bước đầu của Đoàn giám sát; đồng thời lưu ý Đoàn giám sát nghiên cứu, rà soát đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo bám sát nội hàm quy định của pháp luật, định hướng nội dung giám sát, đánh giá thực trạng.
Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng quy định của luật về tiếp công dân là để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại tố cáo, kiến nghị và phản ánh; giải thích và hướng dẫn để thực hiện đúng quy định pháp luật. Tiếp công dân có tiếp thường xuyên, định kỳ và đột xuất; yêu cầu tiếp công dân công khai, minh bạch, dân chủ, kịp thời, khách quan, bình đẳng, không phân biệt đối xử và giữ bí mật;… Trên cơ sở đó đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật tại các cơ quan, địa phương, trách nhiệm của người đứng đầu có bảo đảm đúng đủ quy định, bảo đảm nguyên tắc, yêu cầu, không vi phạm điều cấm.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý vấn đề cơ sở dữ liệu để theo dõi việc giải quyết các đơn thư, ý kiến, kiến nghị; giám sát không đi vào giải quyết các vụ việc cụ thể mà giám mà giám sát nắm tình hình giải quyết.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, mục tiêu của giám sát lần này là tạo được bước chuyển biến rõ rệt, căn cơ của việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, thực sự chuyển biến tích cực, đồng thời đề ra thời hạn giải quyết căn cơ những vụ việc tồn đọng phức tạp kéo dài, hạn chế tối đa hoặc không để phát sinh vụ việc phức tạp mới. Chủ tịch Quốc hội tin tưởng sau giám sát sẽ góp phần cải thiện tình hình.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung thảo luận tại phiên họp |
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, qua thảo luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo kết quả giám sát bước đầu về chuyên đề thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ghi nhận trách nhiệm và những nỗ lực của thường trực Đoàn giám sát và Tổ giúp việc cũng như các thành viên của Đoàn giám sát.
Qua báo cáo và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải khẩn trương triển khai nhiều công việc tiếp theo để bảo đảm tiến độ và chất lượng giám sát đạt kết quả cao nhất, nhất là chuẩn bị báo cáo bước đầu cho đầy đủ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khẳng định đây là chuyên đề rất quan trọng liên quan đến quyền và nghĩa vụ công dân, gồm các luật chủ yếu như: Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và cũng liên quan đến nhiều bộ luật khác của đời sống kinh tế - xã hội, phạm vi rộng. Vì vậy, phải bảo đảm tính toàn diện, trọng tâm, trọng điểm và làm đến nơi, đến chốn; kiến nghị, xử lý được những tồn tại; chấn chỉnh việc tổ chức thực hiện và kiến nghị sửa đổi các văn bản luật.
Đề nghị thường trực Đoàn giám sát, Ban Dân nguyện tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch và các ý kiến Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện các nội dung trong báo cáo.