Theo đó, tỉnh Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thủy sản, tập trung khắc phục các tồn tại trong công tác kiểm soát tàu cá ra, vào cảng. Tăng cường truy xuất nguồn gốc thủy sản, ngăn chặn, xử lý kịp thời, có hiệu quả tàu cá vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU.
Tỉnh Cà Mau hiện có trên 4.900 phương tiện tàu cá đăng ký với tổng công suất 582.658KW. Trong đó, số lượng tàu có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét là hơn 1.880 phương tiện với tổng công suất 39.411KW; tàu có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét là 1.387 phương tiện với tổng công suất 141.979KW; tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên là 1.690 phương tiện với tổng công suất 401.268KW.
Cà Mau là 1 trong 4 ngư trường trọng điểm khai thác thuỷ sản của cả nước, với diện tích được thăm dò và khai thác trên 71.000 km2
Theo quy định của các cơ quan chức năng, các tàu thuyền phải thông báo trước 2 giờ khi tàu rời cảng hoặc cập cảng và phải xuất trình đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, khai báo các thông tin để lực lượng chức năng để kiểm tra đối chiếu nếu đảm bảo đầy đủ các điều kiện thì được đóng dấu vào giấy xác nhận.
Mặt khác, theo Điều 4, Thông tư 21/2018/TT của Bộ NN&PTNT quy định về chứng nhận nguồn gốc thủy sản, thuyền trưởng tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản có chiều dài lớn nhất từ 12 mét trở lên hàng ngày ghi nhật ký khai thác thủy sản; nộp nhật ký này cho tổ chức quản lý cảng cá trong thời hạn 24 giờ sau khi tàu hoàn tất việc bốc dỡ thủy sản qua cảng.
Đối với tàu có chiều dài lớn nhất từ 06 đến dưới 12 mét, thuyền trưởng phải ghi báo cáo khai thác thủy sản; nộp cho tổ chức quản lý cảng cá theo định kỳ 01 tuần/01 lần. Tuy nhiên, do đặc thù công việc đánh bắt thủy sản chủ yếu hoạt động liên tục trên biển, nên việc ghi chép hành trình đánh bắt tàu cá thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn.
Thời gian qua, nhiều các tàu cá khai thác hải sản của tỉnh chủ yếu bán sản phẩm cho các vựa, sản lượng cập cảng cá chỉ định chưa nhiều. Một số ít các tàu cá có cập cảng tuy nhiên, khi đối chiếu lịch sử hoạt động trên biển thông qua giám sát hành trình với nhật ký khai thác thủy sản, phần lớn đều “không trùng khớp” nhau nên không thể xác nhận nguyên liệu thủy sản cho các doanh nghiệp. Từ đó, dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp không thể chứng minh các sản phẩm xuất khẩu có nguồn gốc từ khai thác hợp pháp.
Thời gian tới, Cà Mau tiếp tục tăng cường truy xuất nguồn gốc thuỷ sản, ngăn chặn, xử lý kịp thời, có hiệu quả tàu cá vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU
Để khắc phục tình trạng trên, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra giám sát, đề nghị các công ty, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản thực hiện nghiêm túc cam kết “không thu mua sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác bát hợp pháp”. Thực hiện đồng bộ, liên kết, thống nhất nhiều công ty, doanh nghiệp tại nhiều tỉnh có liên quan với nhau; tổ chức lực lượng thường trực của công ty, doanh nghiệp theo hình thức trực tiếp thu mua sản phẩm tại các cảng cá chỉ định để thu mua, khai báo, yêu cầu xác nhận sản phẩm thủy có sản bốc dỡ qua cảng, tạo điều kiện thu hút tàu cá, hàng hóa bốc dỡ qua cảng nhiều hơn.
Các ngành địa phương đơn vị có liên quan tăng cường công tác phối hợp, thường xuyên tổ chức họp dân, tiếp xúc, đối thoại, thống nhất cách làm cụ thể phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương; doanh nghiệp thu mua, nậu vựa đăng kí thành phần, đối tượng thủy sản có nhu cầu và được phép, không được phép bốc dỡ tại bến nhà.
Thời gian tới, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau tiếp tục thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo, chủ trương của UBND tỉnh, kiên quyết không cho ra biển đối với tàu cá làm nghề hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản và các tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên không có biên bản kiểm tra cập, rời cảng của cơ quan chức năng.
Tăng cường công tác nắm địa bàn, kiểm soát tốt, chặt chẽ tàu cá xuất, nhập cửa biển trình Trạm Kiểm soát Biên phòng và cập, rời cảng cá chỉ định, có đối chiếu số liệu hàng tháng giữa các lực lượng có liên quan.
Kịp thời thông tin với nhau các trường hợp tàu cá khai thác thủy sản không có, không ghi, ghi không đầy đủ, ghi không đúng nhật ký khai thác thủy sản; khai thác sai vùng; không cập cảng cá có tên trong danh sách cảng cá chỉ định; tàu cá hết hạn về đăng ký, đăng kiểm; các hình thức xử lý có liên quan
Mai Quỳnh