Tính đến sáng ngày 3/7, khu vực Tây nguyên đã ghi nhận 23 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu, một bệnh nhi tử vong, một bé khác đang nguy kịch. Ngoài ra, tại TP.HCM, một bệnh nhân bạch hầu cũng được ghi nhận.
Để hạn chế tới mức thấp nhất các trường hợp tử vong, Bộ Y tế đã gửi công điện tới Sở Y tế các tỉnh: Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Bình Phước về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu và tiếp nhận điều trị bệnh nhân bạch hầu.
Theo đó, Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Nông triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bạch hầu.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên kiểm tra việc tiêm chủng tại xã Quang Hoà, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Bộ Y tế
Bộ cũng yêu cầu các cơ sở y tế tỉnh Đắk Nông tăng cường khám, phát hiện sớm các trường hợp bệnh bạch hầu, cách ly kịp thời, khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị cần chuẩn bị sẵn khu cách ly, buồng cách ly, phương tiện, vật tư, thuốc, điều trị bệnh bạch hầu. Ngoài ra, cần tập huấn, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu để tiếp nhận điều trị các ca bệnh nặng.
Trong trường hợp cần hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, phương tiện, vật tư, thuốc điều trị bệnh bạch hầu, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cần có văn bản báo cáo kịp thời về Bộ Y tế.
Ngoài ra, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông phải tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục sức khỏe trong cơ sở khám, chữa bệnh và trong cộng đồng để người dân hiểu, chủ động phòng, chống dịch bạch hầu.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Bình Phước chỉ đạo cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tiếp nhận, điều trị người bệnh bạch hầu từ Đắk Nông chuyển đến theo đúng quy định về thu dung, điều trị bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Sở Y tế các tỉnh thường xuyên báo cáo tình hình thu dung và điều trị người bệnh bạch hầu về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) theo đúng quy định hiện hành.
Bệnh Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do trực khuẩn Bạch hầu gây ra (Corynebacterium diphtheria). Vi khuẩn tiết ra ngoại độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể.
+ Đường lây truyền
- Lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp, có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da…
+ Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh
- Bạch hầu thể họng: sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Sau 2-3 ngày, xuất hiện giả mạc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám, đen, dai, dính, dễ chảy máu. Bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6-10 ngày.
- Trường hợp bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có thể sưng cổ và làm hẹp đường thở.
+ Biến chứng của bệnh
Độc tố bạch hầu có thể gây các tổn thương sau:
- Viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim, tử vong do đột ngột trụy tim mạch. Một số bệnh nhân bị viêm cơ tim và van tim, sau nhiều năm gây ra bệnh tim mãn và suy tim.
- Thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận.
- Tắc nghẽn đường hô hấp và gây tử vong trong vòng 6-10 ngày.
+ Phòng bệnh bạch hầu.
Phòng bệnh không đặc hiệu: Cách ly bệnh nhân ít nhất 2 ngày sau điều trị kháng sinh thích hợp và tiếp xúc cần đeo khẩu trang. Vệ sinh phòng ở, đồ dùng cá nhân, đồ chơi… bằng dung dịch sát khuẩn.
Phòng bệnh đặc hiệu: Tiêm đủ 3 mũi vắc xin bạch hầu-ho gà-uốn ván (DPT) hoặc vắc xin DPT-VGB-Hib cho trẻ dưới 1 tuổi. Tiêm nhắc lại DPT cho trẻ từ 18 tháng.
Hồng Nga