Thông tin từ Tổng cục Hải quan, thời gian gần đây xuất hiện một số doanh nghiệp sử dụng mã số mã vạch nước ngoài để in trên sản phẩm hàng hóa sản xuất, gia công, bao gói, sang chiết tại Vìệt Nam mà chưa được cơ quan nước ngoài có thẩm quyền hoặc tổ chức sở hữu mã số mã vạch đó cho phép bằng văn bản, vi phạm quy định về sử dụng mã số mã vạch.
Dó đó, Tổng cục Hải quan vừa yêu cầu các cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục trực thuộc thực hiện thống nhất theo các quy định hiện hành, trong đó có việc xử lý nếu phát hiện vi phạm.
Theo các quy định tại Nghị định 119/2017/NĐ-CP; Nghị định 74/2018/NĐ-CP; Thông tư 39/2018/TT-BTC, khi kiểm tra, giám sát hoặc các hoạt động nghiệp vụ khác đối với hàng xuất khẩu, trường hợp công chức phát hiện dấu hiệu vi phạm về sử dụng mã số mã vạch của nước ngoài theo chuẩn của Tổ chức mã số mã vạch quốc tế (GS1) thì kiểm tra thực tế hàng hóa và yêu cầu doanh nghiệp xuất trình ủy quyền sử dụng của chủ sở hữu mã số mã vạch nước ngoài hoặc cơ quan có thẩm quyên của nước ngoài cấp để kiểm tra.
Ảnh minh họa
Căn cứ kết quả kiểm tra nếu xác định doanh nghiệp vi phạm quy định về sử dụng mã số, mã vạch theo Khoản 2 Điều 19b Nghị dịnh 74/2018/NĐ-CP thì xử lý theo điểm a, khoản 3 Điều 32 Nghị định 119/2017/NĐ-CP.
Đối với ngành bán lẻ, mã số vạch sống vai trò rất quan trọng. Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú – Phó Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, với những doanh nghiệp bán lẻ thì mã số, mã vạch là công cụ đắc lực nhất để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Ngành bán lẻ Việt Nam trước đây xuất phát 100% từ ngành bán lẻ truyền thống. Đến khi Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì ngành bán lẻ của của chúng ta phát triển rất nhanh và mạnh, bùng nổ và là động lực chính để phát triển ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam và giúp cho ngành bán lẻ Việt Nam mang một diện mạo mới, hiện đại và văn minh hơn.
Đa số những doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đầu tư bán lẻ vào Việt Nam cũng đã thực hiện mã số mã vạch rất chuyên nghiệp và điều đó làm cho việc cạnh tranh của thị trường bán lẻ tăng lên và khi môi tường cạnh tranh tăng, các doanh nghiệp bán lẻ đã tận dụng tối đa các công nghệ, kĩ thuật, các phương thức đổi mới để phù hợp và giảm thiểu nhân công nâng cao năng suất lao động.
Có thể nói, mã số mã vạch chính là công cụ hữu hiệu nhất để phát triển ngành bán lẻ tại Việt Nam trên tất cả mọi hoạt động từ mua hàng, bán hàng. Chính bởi vậy, những nhà kinh doanh cần ý thức được tầm quan trọng của mã số mã vạch, thực hiện đúng quy định của pháp luật để tạo thuận lợi cho chính công việc kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo quyết định số 15/2006/QĐ-BKHCN ngày 23/8/2006 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: Mã vạch được định nghĩa là một dãy các vạch, song song cùng với các khoảng trống xen kẽ nhằm thể hiện mã số giúp cho máy quét có thể đọc được.
Cụ thể: 3 chữ số đầu tiên quy định mã quốc gia sản xuất sản phẩm đó. Của Việt Nam là 893. Mã doanh nghiệp là 4, hoặc 5, hoặc 6 số tiếp theo. Mã này do tổ chức GS1 Việt Nam cấp.
Mã mặt hàng là 3 hoặc 4 hoặc 5 số tiếp theo (tùy thuộc vào mã doanh nghiệp trước nó là bao nhiêu con số), do chính các công ty sản xuất đặt cho sản phẩm của họ. Các doanh nghiệp chỉ được phép cấp cho mỗi sản phẩm một mã số duy nhất. Và tuyệt đối không được phép nhầm lẫn với các mặt hàng khác.
Mã số kiểm tra là 1 số cuối cùng. Dùng để kiểm tra tính đúng sai của các loại mã số doanh nghiệp, mã quốc gia, mã mặt hàng nói ở trên. Mã này được tính theo quy ước riêng và dựa vào thông tin của 12 con số đứng trước nó.
Hà An (t/h)