Tiếp tục Phiên họp của Ủy ban Xã hội trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA-42, chiều 24/8, các Nghị viện thành viên AIPA đã thảo luận về các dự thảo Nghị quyết để trình tại Phiên họp toàn thể thứ 2 Đại hội đồng AIPA-42.
Phiên họp của Ủy ban Xã hội được diễn ra dưới sự chủ trì của Bà Khairunnisa Haji Ash’ari - thành viên Hội đồng Lập pháp Brunei; cùng sự tham dự của các Đoàn nghị viện thành viên AIPA.
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh làm Trưởng đoàn đã tham dự phiên họp Ủy ban Xã hội.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh (thứ hai từ phải qua) dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự phiên họp |
Tại Phiên họp, các Đoàn Nghị viện thành viên AIPA phát biểu tập trung vào những nội dung như: Hợp tác và đẩy mạnh kỹ thuật số bao trùm để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; bản địa hóa các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) để thực hiện hiệu quả ở cấp quốc gia; đẩy mạnh vai trò của công nghệ tạo thuận lợi cho người tham gia bầu cử nhiều hơn.
Với tinh thần đoàn kết, hữu nghị và hợp tác, các Đoàn nghị viện thành viên đã thống nhất thông qua các dự thảo Nghị quyết, bao gồm: Báo cáo Hội nghị Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy lần thứ 4 (AIPACODD 4); Tăng cường hợp tác và đẩy mạnh kỹ thuật số bao trùm để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (Brunei Darussalam đề xuất); Đưa các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu để thực hiện hiệu quả ở cấp quốc gia (Malaysia đề xuất).
Cũng tại Phiên họp, các Đoàn nghị viện thành viên tham dự Ủy ban Xã hội nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động, cần coi việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số như một công cụ hỗ trợ hiệu quả để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; tạo ra tác dụng kép cho nền kinh tế, vừa cắt giảm khí thải, vừa trợ giúp các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư.
Bên cạnh đó, liên quan đến việc bản địa hóa các mục tiêu phát triển bền vững, các thảo luận đều khẳng định vai trò của Quốc hội/ Nghị viện trong thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, cần đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng số hóa bộ công cụ tự đánh giá của IPU; hoàn thiện hơn bộ công cụ này phù hợp với đặc điểm của từng quốc gia và phát triển sâu hơn bộ công cụ, giúp các Nghị viện và các đại biểu Quốc hội có thể sử dụng hiệu quả và thúc đẩy vai trò của họ trong giám sát quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở cả quy mô quốc gia và ở cấp địa phương; thúc đẩy hợp tác Nghị viện khu vực trong sản xuất vắc-xin phòng, chống dịch bệnh góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững; tăng cường các hoạt động hỗ trợ nhân đạo để cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19.
Tăng cường hợp tác có trách nhiệm để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu
Thảo luận dự thảo Nghị quyết về “Tăng cường hợp tác và đẩy mạnh kỹ thuật số bao trùm để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”, các nghị viện thành viên đều nhất trí cho rằng biến đổi khí hậu đang là một thách thức lớn đối với toàn cầu, vì vậy, ứng phó với biến đổi khí hậu là mục tiêu quan trọng. ASEAN đang là khu vực có sự tăng trưởng kinh tế tốt, nhưng cũng chịu tác động của biến đổi khí hậu, do đó cần có sự hợp tác để ứng phó với biến đổi khí hậu tích cực hơn.
Các nước thành viên cần tăng cường hợp tác, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, tạo ra những cơ chế phù hợp để có thể xử lý các vấn đề khí hậu trực tuyến; cũng nhau hành động thực chất, đưa ra những chiến lược hợp tác với lộ trình, công cụ hữu hiệu để vượt qua những thách thức này. Đăc biệt, trong tình hình đại dịch COVID-19 đang làm trầm trọng hơn các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến suy thoái kinh tế toàn cầu, làm triệt tiêu các nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó các doanh nghiệp, người lao động và các nhóm người dễ bị tổn thương sẽ bị tác động mạnh mẽ. Vì vậy, làm thế nào để thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đang là vấn đề đặt ra những thách thức lớn.
Tham gia thảo luận về dự thảo Nghị quyết này, Đoàn Việt Nam khẳng định luôn coi trọng tăng cường hợp tác có trách nhiệm để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu. Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều Luật, Nghị quyết, quy định lồng ghép các chính sách, cơ chế, thông qua ngân sách, thực hiện các kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại Phiên họp |
Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho việc triển khai các mô hình mới về kiểm soát ô nhiễm môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng; xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức triển khai thực hiện để thu thập, tạo lập, quản lý toàn diện nguồn tài nguyên số về tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu, phục vụ cho mục tiêu quản lý “không gian phát triển” của đất nước. Tạo lập hành lang pháp lý để phát triển dịch vụ nội dung số về tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu .
Nhận thức biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào hành động chung cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam luôn coi trọng việc tham gia ký kết, thực hiện nghiêm túc các điều ước và thỏa thuận quốc tế, như Công ước Vienna về bảo vệ tầng Ozone; Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC); Nghị định thư Kyoto; Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; các Nghị quyết của Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP), các Nghị quyết của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU),... và các cơ chế quốc tế khác về biến đổi khí hậu.
Việt Nam từ rất sớm đã chủ động, tích cực tham gia các thỏa thuận quốc tế, tích cực thực hiện các nghị quyết AIPA. Việt Nam và các nước ASEAN thường xuyên trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ của UNFCCC, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), cũng như các báo cáo kỹ thuật định kỳ theo nghĩa vụ của các nước tham gia UNFCCC thông qua các cuộc họp Nhóm công tác ASEAN về biến đổi khí hậu hằng năm.
Đẩy mạnh kỹ thuật số bao trùm để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu
Từ thực tiễn hoạt động của Việt Nam và đứng trước những yêu cầu, thách thức đặt ra đối với vấn đề biến đổi khí hậu, Việt Nam cho rằng cần phải có giải pháp tăng cường hợp tác có hiệu quả hơn nữa để góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Cùng với việc tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng của hệ sinh thái để khôi phục, cải thiện và duy trì các hệ sinh thái chống chịu biến đổi khí hậu. Các quốc gia cần phải đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật số, chuyển đổi số mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Qua đó, tạo ra tác dụng kép cho nền kinh tế, vừa cắt giảm khí thải, vừa trợ giúp các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư.
Đồng thời, các Nghị viện thành viên AIPA cần tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giám sát, thúc đẩy việc thực thi chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu. Các Nghị viện thành viên AIPA có tiếng nói chung, thúc đẩy Chính phủ các nước thành viên tăng cường hợp tác bên trong, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm hợp tác với các quốc gia phát triển bên ngoài để thúc đẩy, hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới, thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số bao trùm trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, xây dựng,... nhằm kiểm soát, giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Quang cảnh phiên họp của Uỷ ban Xã hội tại điểm cầu Hà Nội |
Bên cạnh đó, theo Đoàn Việt Nam, cần tổ chức diễn đàn hợp tác AIPA về thúc đẩy chuyển đổi số bao trùm. Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khí tượng thủy văn ứng phó với biến đổi khí hậu; chủ động hợp tác quốc tế theo chiều sâu để tranh thủ nguồn vốn, công nghệ của các nước tiên tiến hỗ trợ hiện đại hóa công nghệ dự báo và mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn phục vụ giám sát biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác, hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm để triển khai thực hiện có hiệu quả việc đẩy mạnh ứng dụng, chuyển đổi số nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung nguồn lực thực hiện một số chương trình/dự án trọng điểm, nhằm mục tiêu giải quyết các vấn đề lớn, bức xúc về môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là khu vực ven biển và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Tại Nghị quyết về “Đưa các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu để thực hiện hiệu quả ở cấp quốc gia”, Đoàn Việt Nam đề xuất bổ sung một số nội dung liên quan đến vai trò của Quốc hội trong thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững bao gồm: Tuyên bố Hà Nội về “Nghị viện với các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” được Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 thông qua, Bộ Công cụ tự đánh giá vai trò của các Nghị viện trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Thúc đẩy hợp tác nghị viện khu vực trong sản xuất vắc-xin phòng chống dịch bệnh góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững.
Đối với Nghị quyết về “Vai trò của công nghệ tạo thuận lợi cho người tham gia bầu cử nhiều hơn”, Đoàn Việt Nam chia sẻ thêm kinh nghiệm của cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong bối cảnh dịch bệnh, trong đó áp dụng hiệu quả công nghệ thông tin phục vụ vận động bầu cử và công tác tổ chức bầu cử./.