Cảnh báo về tình trạng ấm lên toàn cầu Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thích ứng với biến đổi khí hậu |
IPCC công bố báo cáo “báo động đỏ” cho nhân loại về biến đổi khí hậu |
Báo động đỏ cho nhân loại về biến đổi khí hậu
Báo cáo Biến đổi khí hậu 2021: Cơ sở khoa học vật lý do 234 tác giả soạn thảo. Sau 2 tuần họp trực tuyến từ 26/7 đến ngày 6/8/2021, từng dòng khuyến nghị được đại diện các chính phủ xem xét, sửa đổi; cuối cùng báo cáo đã được 195 chính phủ chấp thuận trong khuôn khổ phiên thứ 54 của IPCC.
Báo cáo đã đề cập tới những cơ sở khoa học của biến đổi khí hậu, cũng như việc con người đang thay đổi hành tinh như thế nào. Đây là báo cáo đầu tiên trong số 4 báo cáo được công bố dưới sự đánh giá của IPCC với những báo cáo tiếp theo dự kiến sẽ công bố vào năm tới.
Phần đầu tiên của Báo cáo Đánh giá thứ 6 của IPCC đã cung cấp cho các nhà lãnh đạo thế giới những kết luận về các tiêu chuẩn vàng của khoa học khí hậu hiện đại trước thềm Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc, còn được biết tới là COP26 vào đầu tháng 11.
"Báo cáo của Nhóm Chuyên viên I của IPCC là báo động đỏ cho nhân loại", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nhận định.
"Hồi chuông cảnh báo này đang bị làm thinh, và bằng chứng cho việc này là không thể chối cãi: Sự phát thải khí nhà kính từ nhiên liệu hóa thạch cũng như cháy rừng đang bóp nghẹt hành tinh của chúng ta cũng như đặt hàng tỷ người trước những rủi ro cấp bách", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nhấn mạnh.
Tác động khủng khiếp từ biến đổi khí hậu
Các nhà khoa học về khí hậu nhận định, "rõ ràng", chính con người đã ảnh hưởng đến sự ấm lên của hệ thống khí hậu toàn cầu và những thay đổi được ghi nhận đang tác động đến từng khu vực trên hành tinh của chúng ta.
Các đám cháy rừng nghiêm trọng vẫn đang tiếp tục tàn phá Evia, hòn đảo lớn thứ hai ở Hy Lạp suốt nhiều ngày qua. (Ảnh: Reuters) |
Báo cáo trên cũng chỉ ra rằng, sự phát thải khí nhà kính từ các hoạt động của con người là nguyân nhân khiến nhiệt độ hành tinh tăng thêm 1,1 độ từ 1850 - 1990, đồng thời đánh giá, trung bình trong 20 năm tới, sự tăng lên của nhiệt độ toàn cầu sẽ chạm hoặc vượt ngưỡng 1,5 độ C.
Trên thực tế, ngưỡng 1,5 độ C là mục tiêu toàn cầu quan trọng bởi vượt qua ngưỡng này, điều gọi là điểm giới hạn ngày càng có nguy cơ xảy ra hơn. Các điểm giới hạn là một ngưỡng mà khi vượt quá, có thể dẫn đến những thay đổi không thể đảo ngược được trong hệ thống khí hậu, đẩy xa sự nóng lên toàn cầu.
Nếu Trái Đất nóng thêm 2 độ C, báo cáo này cho rằng, sức khỏe con người và nông nghiệp sẽ tiến tới ngưỡng chịu đựng.
Cắt giảm phát thải khí CO2 sẽ hạn chế được sự biến đổi khí hậu
Cơ quan về khí hậu của Liên Hợp Quốc cũng cho rằng, việc cắt giảm "mạnh mẽ và bền vững” việc phát thải khí CO2 cùng với các khí nhà kính khác sẽ hạn chế được sự biến đổi khí hậu. Những lợi ích như chất lượng không khí sẽ được cải thiện nhanh chóng, trong khi cần từ 20 - 30 năm để nhiệt độ toàn cầu ổn định.
Báo cáo của IPCC chỉ rõ, không chỉ thay đổi về nhiệt độ, sự biến đổi khí hậu đang gây ra sự thay đổi ở những khu vực khác nhau. Những thay đổi này bao gồm hiện tượng mưa lũ nghiêm trọng hay hạn hán khắc nghiệt xảy ra ở nhiều khu vực. Các khu vực ven biển cũng tiếp tục chứng kiến mực nước biển tăng lên, cùng với đó là sự tan băng, hiện tượng axit hóa đại dương cùng nhiều tác động khác. Theo sau đó còn là một loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan trên khắp thế giới. Chẳng hạn, chỉ một vài tuần trước, lũ lụt đã tàn phá châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ trong khi khí độc bao trùm Siberia, cùng với các vụ cháy rừng lan rộng không kiểm soát ở Mỹ, Canada, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Alok Sharma, chủ tịch Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc cho biết: "Các bằng chứng là rõ ràng, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hiện diện khắp nơi trên thế giới, Nếu không hành động bây giờ, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến những tác động tồi tệ nhất đến sinh mạng, sinh kế và môi trường tự nhiên".
Ông Sharma nói thêm: "Thông điệp của chúng ta đến các quốc gia, chính phủ, các doanh nghiệp… rất đơn giản. Thập kỷ tới có vai trò quyết định. Hãy tin tưởng ở khoa học và thực hiện trách nhiệm của mình để mục tiêu đảm bảo Trái đất không nóng thêm 1,5°C".
Trước đó, Báo cáo Đánh giá thứ Năm của IPCC năm 2014, đã cung cấp những thông tin khoa học quan trọng được đưa vào Thỏa thuận Paris.
Gần 200 quốc gia đã thông qua Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu tại COP21 năm 2015, nhất trí giữ nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và theo đuổi nỗ lực giới hạn sự tăng nhiệt độ của hành tinh ở ngưỡng 1,5 độ C. Đây vẫn là trọng tâm trước thềm COP26 mặc dù một số nhà khoa học về khí hậu tin rằng việc đạt được mục tiêu trên là điều "gần như bất khả thi".
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết "nếu chúng ta cùng chung sức ngay lúc này, chúng ta có thể tránh được thảm họa khí hậu. Nhưng, như báo cáo mới ra hôm nay cho thấy, không còn thời gian để trì hoãn và không còn chỗ để viện lý do. Tôi kêu gọi lãnh đạo các chính phủ và tất cả các bên có liên quan đảm bảo cho thành công của COP26."