Lỗ 240 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay
![]() |
Ông Lê Văn Quang - người sáng lập Tập đoàn Thủy sản Minh Phú - Ảnh: MPC |
Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (mã MPC) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 4/2024 với doanh thu đạt gần 3.900 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ 2023. Giá vốn tăng mạnh hơn khiến lợi nhuận gộp của “vua tôm” giảm mạnh 65% so với cùng kỳ, xuống còn 101 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, Thuỷ sản Minh Phú lỗ sau thuế 190,5 tỷ đồng quý 4/2024 trong khi cùng kỳ lãi hơn 9 tỷ đồng. Đây là số lỗ kỷ lục mà “vua tôm” ghi nhận trong một quý kể từ khi hoạt động và là quý thứ 2 liên tiếp doanh nghiệp này lỗ nặng.
Luỹ kế cả năm 2024, Thuỷ sản Minh Phú ghi nhận doanh thu hơn 14.700 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ nhưng lỗ hơn 240 tỷ đồng, sâu nhất từ trước đến nay. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, doanh nghiệp này thua lỗ. Đáng chú ý, biên lãi gộp của “vua tôm” cũng rơi xuống mức thấp kỷ lục, chỉ đạt 7,6% trong năm 2024.
Vì sao "vua tôm" lỗ đậm?
Theo giải trình, Thủy sản Minh Phú cho biết hiệu quả kinh doanh của các công ty nuôi tôm thương phẩm và sản xuất giống sụt giảm do thu hoạch trái vụ. Dù đã cắt giảm mạnh chi phí bán hàng, chi phí tài chính và gia tăng doanh thu tài chính, doanh nghiệp vẫn không thể tránh khỏi thua lỗ.
Trong báo cáo tài chính công ty mẹ, lãnh đạo Thủy sản Minh Phú cho biết nguyên nhân thua lỗ chủ yếu do trích lập dự phòng tổn thất đối với các công ty con hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm.
Ngoài ra, sự cạnh tranh quốc tế với các quốc gia như Ecuador, Ấn Độ, và Indonesia vẫn luôn hiện hữu, cùng với những khó khăn về giá và chi phí sản xuất, rào cản thương mại, ảnh hưởng của dịch bệnh và biến đổi khí hậu… đã gây áp lực lên ngành tôm Việt Nam.
Theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, "Vua tôm" Minh Phú đặt mục tiêu doanh thu 18.568 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.265 tỷ đồng cho cả năm 2024.
Với kết quả thực tế, có thể thấy "ông lớn" ngành thủy sản không chỉ không hoàn thành các chỉ tiêu đã cam kết với cổ đông mà còn chịu khoản lỗ lớn, đi ngược lại kỳ vọng đặt ra.Kết quả kinh doanh ảm đạm của "Vua tôm" Minh Phú trong 2 năm qua cũng phản ánh phần nào bức tranh chung của ngành tôm Việt Nam. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu tôm đã ghi nhận sự tăng trưởng trong năm 2024, nhưng ngành tôm vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, bao gồm sự biến động của giá tôm và các yếu tố kinh tế toàn cầu.
Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của MPC đạt 6.100 tỷ đồng, giảm hơn 10% so với đầu năm, chủ yếu do hàng tồn kho giảm. Nợ vay ngắn hạn cũng giảm nhẹ, còn hơn 3.100 tỷ đồng. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giảm mạnh xuống còn 140 tỷ đồng do khoản lỗ lớn và chi trả cổ tức.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu MPC hiện đang giao dịch ở vùng đáy dài hạn, quanh mức 14.500 đồng/cp. Vốn hóa thị trường của công ty hiện chưa đạt 6.000 tỷ đồng.
Tập đoàn Thủy sản Minh Phú được thành lập vào năm 1992, do doanh nhân Lê Văn Quang và vợ, bà Chu Thị Bình sáng lập và điều hành. Theo báo cáo thường niên năm 2023, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc MPC, hiện đang nắm giữ hơn 64,28 triệu cổ phiếu, tương ứng 16,07% vốn của doanh nghiệp. Bà Chu Thị Bình là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc công ty, hiện đang nắm giữ hơn 70,22 triệu cổ phiếu, tương ứng 17,56% vốn của Minh Phú. Trước khi ghi nhận thua lỗ trong năm 2023 và 2024, PMC đã báo lãi sau thuế hơn 832 tỷ đồng trong năm 2022. Mức lãi ròng cao nhất được ghi nhận là 921 tỷ đồng vào năm 2014. |