Vì sao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nới room tín dụng? |
Ngay từ đầu năm 2024, NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD khoảng 15% đề ra tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024. Ngày 28/8/2024, NHNN đã chủ động có văn bản thông báo điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD. Đến ngày 22/11/2024, tín dụng toàn hệ thống tăng 11,12% so với cuối năm 2023.
Trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát tốt, NHNN đã chủ động điều chỉnh tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng mở rộng hoạt động kinh doanh, đồng thời đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình điều hành, sbv.gov.vn đưa tin.
NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường các giải pháp để nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo đảm an toàn hệ thống và hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm gánh nặng lãi suất cho doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường và sẵn sàng điều chỉnh chính sách tiền tệ để đảm bảo thanh khoản, hỗ trợ các tổ chức tín dụng cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Bình luận về động thái của NHNN, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Khoa Ngân hàng, Trường Kinh doanh UEH, cho biết việc nới room tín dụng tại thời điểm này là hoàn toàn cần thiết, có thể góp phần khiến cho tăng trưởng tín dụng nhanh hơn vào tháng cuối năm.
Theo chuyên gia, việc đẩy hơn 500.000 tỷ đồng trong vòng một tháng là một thách thức lớn. Một số ngân hàng đã gần hết room, trái lại một số ngân hàng lại chưa đủ room. "Do đó, để đạt được con số tăng trưởng tín dụng 15% cho toàn hệ thống thì bắt buộc phải nới room cho các ngân hàng đã hết room để tiếp tục đẩy vốn ra cho nền kinh tế", ông nói thêm.
Việc chủ động cấp thêm room tín dụng thể hiện sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và NHNN trong việc tiếp tục tập trung đẩy mạnh khu vực vốn trong nền kinh tế. Đây là tín hiệu tích cực và cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm.
Mặc dù việc đẩy hơn 500.000 tỷ đồng trong vòng một tháng là một thách thức, ông Huân dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ đạt mục tiêu 15% trong năm nay do trong giai đoạn cuối năm, tăng trưởng tín dụng thường nhanh hơn, đặc biệt là khi Chính phủ và NHNN rất chủ động trong việc đẩy mạnh tín dụng.
Ngân hàng nào có khả năng được nới room tín dụng?
TS Nguyễn Hữu Huân đánh giá "nới room tín dụng dự kiến sẽ tập trung vào nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước, hay những ngân hàng sử dụng gần hết room tín dụng như MB, Techcombank,... Các ngân hàng này sẽ tiếp tục xin thêm room để tiếp tục đẩy tiền ra."
Thống kê từ báo cáo tài chính quý III/2024, nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng cho vay cao, đơn cử như Techcombank (20,8%), LPBank (16,1%), HDBank (16,1%), Nam A Bank (15,8%), MB (14,9%), TPBank (14,4%), MSB (14,4%), ACB (13,8%), VPBank (12,2%),... Do vậy, các ngân hàng này nhiều khả năng sẽ thuộc nhóm được nới room tín dụng.
Chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên bất thường ngày 16/11 mới đây, lãnh đạo ngân hàng LPBank cho biết tăng trưởng tín dụng tính đến hết tháng 10 đã đạt 18%, gần hết room tín dụng.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao cũng cho biết sẽ tiếp tục đề nghị NHNN xem xét giao thêm chỉ tiêu tín dụng cho các TCTD có năng lực cung ứng vốn tốt, đồng thời cân đối với các mục tiêu điều hành và tiếp tục rà soát tình hình trong quý IV/2024.
Trong báo cáo phân tích ngành ngân hàng vào tháng 9, Chứng khoán MB (MBS) dự báo rằng các ngân hàng có những đặc điểm sau sẽ đạt mức tăng trưởng tín dụng cao hơn trong thời gian còn lại của năm 2024 như biên lãi thuần (NIM) cao hơn, chất lượng tài sản tốt hơn và tăng trưởng tín dụng cao trong lịch sử.
Các chuyên gia phân tích cho rằng một số ngân hàng có thể hy sinh (NIM) bằng cách giảm lãi suất cho vay, bao gồm: VPBank, MB, Techcombank và HDBank.
Những ngân hàng có chất lượng tài sản đã được kiểm chứng trong thời kỳ đại dịch Covid-19 (tính đến thời điểm hiện tại) sẽ có vị thế tốt hơn, có thể kể đến như ACB, Vietcombank, Techcombank có thể vượt qua áp lực trích lập dự phòng trong các quý tới khi tín dụng tiếp tục tăng trưởng.
Cùng với đó, các ngân hàng chứng tỏ được khả năng hấp thụ tín dụng trong bối cảnh áp lực trả trước cao trong năm 2023 và 6 tháng đầu 2024 có khả năng duy trì tăng trưởng. Khả năng phục hồi này đặc biệt có giá trị do nhu cầu yếu đã trải qua từ nửa cuối năm 2023 đến nay, theo MBS.
Dựa trên các dự báo đó, một số ngân hàng được MBS dự phóng tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2024 như: HDBank (khoảng 24,7%); VPBank (24,4%); Techcombank (23,5%); MB (22,3%); ACB (20,8%).
Nới 'room' tín dụng tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp |
Các Ngân hàng được nới 'room' tín dụng |