Giao dịch tại một ngân hàng ở TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH |
Doanh nghiệp sốt sắng, ngân hàng nghe 'cháy máy'
Nhân viên tín dụng một Ngân hàng cổ phần tại TP.HCM, cho biết ngay sau khi có thông tin Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng, những khách hàng đã được duyệt hồ sơ vay vốn từ trước nhưng chưa được giải ngân đã liên tục gọi điện thoại để đốc thúc cả ngày lẫn đêm. Trong khi thực tế đến nay hội sở vẫn chưa có thông báo phân bổ về chi nhánh do vậy chưa thể giải ngân dù hồ sơ xếp hàng chờ.
"Tôi chỉ biết trả lời khách hàng là em sẽ cố gắng giải ngân ngay khi có thông báo nhưng khách hàng gọi liên tục, có khách còn hỏi thẳng là cần mua bảo hiểm bao nhiêu? Tôi cũng lo lắng với hạn mức được nới hạn hẹp như vậy thì chi nhánh tôi có được phân chỉ tiêu hay không, nếu có chắc sẽ chỉ đủ cho những khoản vay nhỏ chừng 1 - 2 tỉ đồng/hồ sơ, còn các hồ sơ vay lớn chắc rất khó", nhân viên này nói.
Không chỉ với các khoản vay thông thường mà ngay cả vay cầm cố sổ tiết kiệm cũng không thể được. Chị Lê Thị Thanh N. (Hà Đông, Hà Nội) cho biết chị cần 300 triệu đồng để xử lý việc gấp của gia đình. Do chọn gửi sản phẩm không được rút trước hạn nên chị đã dùng chính sổ tiết kiệm trị giá hơn 1 tỉ đồng để cầm cố vay 300 triệu đồng tại Ngân hàng, nơi chị gửi tiền. Tuy nhiên, chị đã không vay được.
"Tôi vào app Ngân hàng để mở khoản vay thì hệ thống tự động thông báo đang bảo trì. Tôi hỏi nhân viên Ngân hàng thì được giải thích là họ đã hết room tín dụng, không thể và cũng chưa biết bao giờ mới cho vay được. Trong khi trên báo, lãnh đạo Ngân hàng này xác nhận là vừa được Ngân hàng Nhà nước nới room mức 0,7%", chị Lê Thị Thanh N. kể.
Doanh nghiệp rất nóng lòng được vay vốn khi mùa làm ăn cuối năm đến gần. Trong ảnh: giao dịch tại một ngân hàng ở quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Giám đốc Công ty thương mại và đầu tư Thuận Phát (Hà Nội) cho hay đang hồi hộp chờ giải ngân khoản vay hơn 20 tỉ đồng từ một Ngân hàng lớn ở Hà Nội. Hợp đồng đã được duyệt hơn một tháng rồi nhưng vẫn chưa thể giải ngân vì Ngân hàng nói cạn room tín dụng.
Hơn hai tháng nay kinh doanh trong tình trạng ngóng đợi vốn nên doanh nghiệp đuối lắm rồi, như người bệnh thoi thóp thiếu oxy. Để đảm bảo tiến độ sản xuất và thời gian giao hàng, doanh nghiệp đã phải xoay xở đủ cách để có vốn. Vì giao hàng chậm một ngày là bị phạt, không những thế doanh nghiệp còn bị mất uy tín và chỉ còn nước đóng cửa. Cũng lo ngại về lãi suất cho vay sẽ tăng, vị lãnh đạo Công ty Thuận Phát cho rằng cũng đành chấp nhận nhưng với mức vừa phải dưới 10%/năm.
Cuộc chạy đua giữ nguồn vốn và lãi suất huy động
Trên thực tế, lãi suất cho vay đã nhích lên trong thời gian qua nhưng Ngân hàng giải ngân rất chọn lọc.
Giám đốc khối khách hàng cá nhân một Ngân hàng cổ phần lớn tại TP.HCM cho hay khi được Ngân hàng Nhà nước nới room, Ngân hàng phải cam kết với Ngân hàng Nhà nước là dành vốn cho những lĩnh vực ưu tiên, hạn chế vốn vào những lĩnh vực rủi ro. "Trên cơ sở room được giao thêm, Ngân hàng đã phân bổ đến các chi nhánh chủ động nhưng vẫn trên nguyên tắc thận trọng vì từ nay đến cuối năm còn đến bốn tháng - cũng là những tháng cao điểm nhất vì là mùa làm ăn cuối năm", vị giám đốc khối khách hàng cá nhân này nói.
Dù room tín dụng toàn hệ thống Ngân hàng vẫn giữ ở mức 14% tuy nhiên những ngày gần đây đã chứng kiến cuộc "chạy đua" giữa các Ngân hàng để giữ nguồn vốn. Từ đầu tháng 9 đến nay lãi suất huy động tại nhiều Ngân hàng tiếp tục tăng ở nhiều kỳ hạn, mức điều chỉnh cao nhất lên đến 1%/năm.
Không chỉ trên thị trường dân cư, lãi suất trên thị trường liên Ngân hàng cũng dậy sóng. Từ mức trung bình 0,5%/năm cuối tháng 6, lãi suất bình quân liên Ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng mạnh và đạt mức 6,88%/năm phiên ngày 7-9, trước khi giảm nhẹ về mức 5,9%/năm ở phiên ngày 8-9.
Như vậy lãi suất qua đêm trên thị trường liên Ngân hàng đã tăng từ 12 - 14 lần trong vòng hai tháng qua và liên tục duy trì ở mức cao. Mức lãi suất qua đêm này thậm chí còn cao hơn lãi suất huy động kỳ hạn 24 tháng trên thị trường dân cư của một số ngân hàng. Trong khi trước đó, thanh khoản VND liên ngân hàng luôn ở mức dư thừa.
Gần đây đã chứng kiến cuộc "chạy đua" giữa các Ngân hàng để giữ nguồn vốn. |
Theo lãnh đạo một ngân hàng cổ phần lớn cho biết có nhiều nguyên nhân: lạm phát tăng khiến ngân hàng Nhà nước siết tín dụng, song song đó là hút tiền về qua kênh tín phiếu và bán ngoại tệ. Tiền đồng khan hiếm khiến các ngân hàng phải tăng cường vay mượn lẫn nhau trên thị trường liên ngân hàng đã đẩy lãi suất liên ngân hàng lên cao, song song đó là tăng lãi suất huy động vốn của người dân. Từ đó dẫn đến cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng trong thời gian gần đây.
Mặt khác, vì tín dụng bị siết, doanh nghiệp phải tăng cường dùng vốn tự có khiến nguồn tiền bị rút ra khỏi hệ thống ngân hàng. Thêm nữa, lạm phát cao khiến người gửi tiền cũng tính toán chuyển vốn qua kênh đầu tư khác thay vì gửi tiết kiệm. Do đó, dù lãi suất huy động tăng nhưng tăng trưởng huy động vốn toàn hệ thống từ đầu năm đến nay luôn ở mức thấp hơn tăng trưởng tín dụng.
Hiện đang xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau về việc quản lý theo room tín dụng, thậm chí có ý kiến đề nghị gỡ bỏ room để thị trường vận động. Một lãnh đạo ngân hàng cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đến cuối tháng 8 là 9,91% nhưng huy động vốn chỉ có 3,8%. Đây là lý do nhiều tổ chức tín dụng đã buộc phải đẩy lãi suất huy động lên rất cao. Như vậy, huy động vốn thật sự rất nóng./.