Vào năm 2000, trận lũ lớn ở Đồng Tháp đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân nơi đây. Đặc biệt, bà con ở vùng sâu vùng xa của tỉnh đi đến các trạm y tế đều vô cùng khó khăn. Nhiều bệnh nhân nghèo không có điều kiện đi khám bệnh đành phải ở nhà chịu đau đớn, bệnh tật, thậm chí là… chờ chết. Thương cảm trước những số phận ấy, ông Đoàn Tấn Bửu cùng nhiều y bác sĩ trẻ trong tình thành lập 1 nhóm, cùng nhau đi đến tận vùng sâu vùng xa để khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho người nghèo. Tuy nhiên, có những lúc y bác sĩ xuống tận nơi thì bà con lại không bệnh, đến lúc có bệnh lại chẳng có nơi nào để khám, muốn đi khám xa lại chẳng có tiền mà đi.
Cũng từ đó, ông cùng một số y bác sĩ trẻ đã đứng ra thành lập phòng khám nhân đạo, đặt trụ sở tại đường 30/4 (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp). Phòng khám hoạt động vào sáng thứ 7, từ 7h đến 12h, là địa điểm tin cậy để người nghèo đến khám, chữa bệnh và được cấp thuốc miễn phí. Ông Bửu bồi hồi nhớ lại, phòng khám thành lập năm 2000, khi ấy ông còn là chuyên viên Phòng Kế hoạch nghiệp vụ của Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp. Cứ như thế, gần 20 năm nay ông Bửu cùng các bác sĩ ở phòng khám đã điều trị và cấp thuốc miễn phí cho hàng ngàn lượt bệnh nhân nghèo và không có bảo hiểm y tế ở khắp các tỉnh thành miền Tây.
Bệnh nhân ngồi chờ khám chữa bệnh.
Cứ sáng thứ 7 nào không bận việc, bác sĩ Bửu đều đến phòng khám cùng các y bác sĩ khác khám chữa bệnh cho người nghèo. Mỗi buổi sáng có tới 6 đến 8 bác sĩ, nhiều điều dưỡng ở Bệnh viện Đa khoa, y học cổ truyền, Quân y trực tiếp đến làm việc và hỗ trợ. Phòng khám nhân đạo không chỉ thu hút người nghèo, những người có bảo hiểm cũng đến khám bệnh vì ấn tượng bởi sự chu đáo, tận tâm của đội ngũ y bác sĩ nơi đây. Nhìn ông khoác trên mình tấm áo Blouse trắng, hầu hết người dân đến khám chỉ nghĩ rằng ông Bửu là bác sĩ chuyên môn giỏi, ít ai biết ông đang là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp. Bởi vậy, không ít người đã vô cùng bất ngờ và cảm phục khi biết người trực tiếp khám chữa bệnh cho mình là vị Phó Chủ tịch tỉnh “quyền cao chức trọng”.
6h30 sáng thứ 7 tuần nào cũng vậy, ông Lê Văn Dương (66 tuổi, ở xã Tân Hưng Đông) lại tất tả chạy xe máy xuống đò Hoà An để sang TP Cao Lãnh. Việc đến phòng khám nhân đạo để khám bệnh và lấy thuốc miễn phí đã trở thành thói quen bao lâu nay của ông Dương. Ông Dương hồ hởi khoe: “Đối với người nghèo hay không có bảo hiểm y tế như chúng tôi, phòng khám này chẳng khác gì “phao cứu sinh”. Tôi bị đau nhức người bao năm nay, tuần nào sáng thứ 7 cũng sang đây khám và lấy thuốc. Trong lúc chờ khám, chúng tôi còn được phát bánh mì, hủ tiếu, sữa đậu nành… tất cả đều miễn phí. Tôi được ông Bửu trực tiếp khám bệnh. Ông ấy rất giản dị, gần gũi, lúc nào cũng ân cần hỏi han từng bệnh nhân. Ông không chỉ là người bác sĩ giàu lòng tốt mà còn là vị lãnh đạo tỉnh thương dân”.
Ngoài giờ làm việc và khoác lên mình tấm áo blouse trắng, ông Bửu lại trở thành người thầy thuốc hiền hòa, hết mình với bệnh nhân nghèo.
Là một bệnh nhân “thân quen” ở phòng khám nhân đạo, bà Trần Thị Lài (64 tuổi, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) cũng rất xúc động trước tấm lòng của các y bác sĩ tại đây. “Nhờ uống thuốc ở phòng khám mà bệnh thoái hóa cột sống của tôi đã thuyên giảm rất nhiều. Lần nào đến khám, các y bác sĩ cũng tận tình thăm hỏi, động viên, dặn dò tôi uống thuốc. Tôi ấn tượng nhất là BS Bửu, dù bận trăm công nghìn việc nhưng ông vẫn dành thời gian tới khám chữa bệnh cho người nghèo như chúng tôi, thật sự rất đáng quý”, bà Lài bổ sung. Nhiều bệnh nhân được chữa khỏi bệnh khiến tiếng lành đồn xa, mọi người truyền tai nhau để bà con nghèo có nhu cầu có thể đến phòng khám chữa bệnh. Không riêng gì người dân Đồng Tháp, những người ở tỉnh khác khắp miền Tây cũng lặn lội đến chữa bệnh ở phòng khám nhân đạo.
"Ai học y đều muốn được khám chữa bệnh, đặc biệt là cho người nghèo"
Sáng thứ 7 nào không bận việc ông Bửu đều đến phòng khám. Tất cả hành động này đều đến từ suy nghĩ của vị Phó Chủ tịch: “Ai học nghề y đều có mong muốn lớn nhất là có thể khám chữa bệnh cho mọi người, đặc biệt là người nghèo”. Ông Bửu bổ sung: “Mọi người trong phòng khám đều lấy cái tâm của người thầy thuốc để chăm lo cho bệnh nhân nghèo. Bổn phận, trách nhiệm của người làm nghề y là giúp đỡ bệnh nhân. Mắc bệnh đã khó, mắc bệnh mà nghèo, không có điều kiện chữa trị thì càng khó hơn gấp bội…”
Dù là trong công việc chuyên môn hay chính quyền, ông Bửu vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong giờ làm việc, ông là vị lãnh đạo cống hiến cho dân, cho nước. Ngoài giờ làm việc và khoác lên mình tấm áo Blouse trắng, ông lại trở thành người thầy thuốc hiền hòa, hết mình với bệnh nhân nghèo với mong muốn có thể giúp họ vượt qua khó khăn, đau đớn bệnh tật. Nói về công việc của mình, ông chỉ cười: “Đó là bổn phận và cũng là niềm vui của mình”.
Bác sĩ về hưu Nguyễn Thị Lệ Chi.
Dù làm việc không lương nhưng tất cả y bác sĩ ở phòng khám nhân đạo luôn sắp xếp công việc để có mặt đúng giờ. Một người gắn bó lâu năm với phòng khám - bác sĩ về hưu Nguyễn Thị Lệ Chi bộc bạch: “Chúng tôi làm việc, nỗ lực vì cái tâm của người thầy thuốc. Bà con khỏe mạnh, khỏi bệnh là món quá vô giá, là niềm hạnh phúc và động lực để chúng tôi tiếp tục công việc của mình”. Việc làm ý nghĩa của các bác sĩ tại phòng khám đã thu hút nhiều nhà hảo tâm. Họ giúp đỡ từ thuốc đến các dụng cụ y tế. Bên cạnh đó, các sinh viên ngành y cũng đến phòng khám trợ giúp, vừa học hỏi kinh nghiệm vừa làm việc từ thiện.
Đặc biệt, phòng khám còn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ Hội liên hiệp Thanh niên tỉnh. Hội thường xuyên về việc quét dọn, vệ sinh hay phát số cho bệnh nhân chờ lượt khám. Trong những năm gần đây, nhiều “mạnh thường quân” còn mang cháo, sữa đậu nành, bánh canh, phở, bánh mì… đến phát miễn phí cho bà con ngồi chờ khám bệnh.
Theo SKCĐ