Nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng với dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có những chỉ theo thẩm quyền về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng. NHNN đã kịp thời điều chỉnh giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán liên ngân hàng qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, áp dụng 1/4 -31/12 và hoàn phí giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội khi thực hiện giải ngân cho vay người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Cơ quan này đã 2 lần liên tiếp chỉ đạo CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là TCTD) thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ thanh toán và đến nay, đã có 100% ngân hàng tham gia thực hiện.
NHNN cũng chỉ đạo các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng chính sách miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 và hạn hán, xâm nhập mặn qua tài khoản ngân hàng và miễn phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng nhận hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15.
Ngoài ra, Napas và Vietcombank cũng áp dụng chính sách riêng hỗ trợ miễn, giảm phí thanh toán trực tuyến cho một số doanh nghiệp giao thông vận tải chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thời gian áp dụng từ 10/4 đến hết 31/12.
Sau 2 lần giảm phí, 63% giao dịch thanh toán của khách hàng qua liên ngân hàng 24/7 qua Napas được miễn hoặc giảm phí với tổng số tiền phí TCTD đã miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 là khoảng 1.004 tỷ đồng. Dự kiến hết năm 2020, số thu phí dịch vụ thanh toán của NHNN giảm khoảng 285 tỷ đồng để hỗ trợ TCTD tiếp tục giảm phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã tăng trưởng rất tốt, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát. Vừa qua, các ngân hàng đã vào cuộc rất tích cực trong việc đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
Nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích, phương thức thanh toán mới được các ngân hàng triển khai để giúp khách hàng thuận tiện hơn trong thanh toán phi tiền mặt, có thể kể đến như: chuyển tiền trực tuyến 24/7 qua mobile banking, hóa đơn, mua hàng, đặt dịch vụ trực tuyến qua ứng dụng mobile banking, ví điện tử, QR code...
Các ngân hàng đồng loạt giảm phí dịch vụ cho cá nhân, doanh nghiệp
Số liệu từ NHNN cho thấy trong 6 tháng đầu năm, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN đã xử lý khoảng 69,2 triệu giao dịch, với giá trị xấp xỉ 50 triệu tỷ đồng, tăng 14,9% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử đã xử lý gần 498 triệu giao dịch đạt giá trị 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 72,4% về số lượng và tăng 102,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Các con số trên cho thấy, những nỗ lực của ngành ngân hàng. Các sản phẩm dịch vụ phi tiền mặt của các ngân hàng ngày càng phổ cập, tạo bước phát triển mới trong thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo ông Hiếu, việc các ngân hàng thực hiện miễn, giảm các loại phí như: Phí tin nhắn SMS, phí chuyển tiền... có thể được xem là một trong những tác nhân giúp thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng trong những tháng đầu năm nay.
Liên quan đến kiến nghị của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam yêu cầu các tổ chức thẻ quốc tế là Visa và MasterCard miễn, giảm phí, ông Hiếu cho là đúng và trúng với bối cảnh hiện nay. Bởi lẽ, ngành ngân hàng cũng đang phải chịu những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, dẫu vậy, toàn ngành vẫn đang quyết liệt thực hiện các giải pháp, trong đó có miễn giảm phí (tin nhắn, chuyển tiền...) để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh đó, các tổ chức thẻ Visa và MasterCard cần phải có những chia sẻ khó khăn thông qua miễn, giảm một số loại phí cho các ngân hàng Việt Nam, theo như đề nghị từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Để hiệu quả hơn, ông Hiếu cho rằng, đã đến lúc không chỉ Hiệp Hội Ngân hàng hay NHNN mà các cơ quan bộ, ngành như Bộ Tài chính cần phải vào cuộc và lên tiếng mạnh mẽ để yêu cầu các tổ chức thẻ quốc tế như Visa và MasterCard thực hiện miễn, giảm phí cho các ngân hàng Việt Nam. Từ đó, các ngân hàng thương mại sẽ có thêm nguồn lực để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Trong khi đó, ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết các tổ chức thẻ quốc tế Visa và Mastercard đang áp dụng cơ chế thu phí khá phức tạp, thu nhiều loại phí đối với giao dịch thẻ và mức thu phí là rất cao so với mặt bằng phí trong nước, nhất là nếu so với mức thu phí chuyển mạch thẻ nội địa.
Trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19, các ngân hàng Việt Nam đã tự nguyện giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng rất lớn, chịu ảnh hưởng nặng nề về hiệu quả kinh doanh.
Sau khi Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có công văn đề nghị, hai tổ chức thẻ quốc tế Visa và Mastercard đã tiếp xúc, có ý kiến trả lời với Hiệp hội. Qua đó, hai tổ chức thẻ quốc tế đều bày tỏ thiện chí với các đề nghị từ phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hứa xem xét để giải quyết thỏa đáng. Đồng thời, Visa và Mastercard cũng giải thích về chính sách phí toàn cầu của mình. Hiện tại, hiệp hội và các tổ chức hội viên cũng đang chờ đợi và tiếp tục yêu cầu có những giải pháp thiết thực từ Visa và Mastercard để chia sẻ với các ngân hàng Việt Nam.
Gia Khánh