Nhìn cơ hội từ đại dịch
Với tốc độ xuất khẩu (XK) thủy sản cả nước trong tháng 4 cho thấy nhiều cửa sáng, có chiều hướng gia tăng trong giai đoạn cuối năm. Trong đó XK tôm Việt Nam có một số điểm nổi bật trong trong quý I/2020.
Nếu dịch Covid-19 được giải quyết cơ bản vào cuối quý II, thị trường thế giới mở cửa trở lại, tôm Việt Nam có thể tranh thủ gia tăng xuất khẩu, theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP). Hiệp hội dự đoán xuất khẩu mặt hàng này có thể lên tới 3,8 tỷ USD trong năm nay.
Đại dịch COVID-19 khiến các thị trường như Ấn Độ và Ecuador gặp khó khăn, đây là cơ hội cho Việt Nam
Theo thống kê hiện có khoảng 34 DN tôm xếp vào danh sách 100 (DN) trong quý I/2020 và số DN này chiếm tỷ lệ 70% tổng kim ngạch XK tôm của quý. Trong số đó có 20 DN XK tăng trưởng so với 2019 từ 0,3 đến 87%, có 14 DN XK giảm so với cùng kỳ, với mức giảm phổ biến mức 10% trong đó cá biệt có công ty giảm hơn 70% do vấn đề chủ yếu tập trung vào thị trường Trung Quốc.
Về thị trường, Nhật Bản và Mỹ vẫn tăng. Trong đó XK sang Mỹ tăng mạnh trong quý I/2020 trong khi thị trường EU và Trung Quốc giảm sâu. Song, các thị trường này đang có dấu hiệu phục hồi khá nhanh. Trong tháng 4/2020 thị trường Trung Quốc bắt đầu có bước chuyển khá, nhất là cá tra.
Trong khi đối với các nước XK tôm, hiện thời dịch bệnh Covid-19 có phần tác động gây ảnh hưởng đến xuất khẩu.
Ấn Độ, nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ và là đối thủ cạnh tranh chính của tôm Việt Nam tại thị trường này, đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Lệnh phong tỏa của Ấn Độ tiếp tục được kéo dài tới ngày 17/5 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất của nước này, đặc biệt tháng 3 là tháng cao điểm để thả giống tôm vụ hè.
Theo ghi nhận, Ấn Độ và Ecuador vẫn còn tiếp tục bị ảnh hưởng và dự kiến giảm đáng kể, khoảng 50% sản lượng do gặp khó về lao động và con giống nhập khẩu.
Các nước Thái Lan, Indonesia, Philippines tuy chịu ảnh hưởng nhẹ hơn nhưng dự kiến giảm lượng cung khoảng 30%. Đây là cơ hội cho tôm Việt Nam nếu kịp thời có những quyết sách tốt trong lúc này.
EVFTA đòn bẩy cho xuất khẩu
Hơn nữa, tại thị trường EU, Việt Nam có lợi thế ưu đãi từ Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực vào tháng 7 tới. Với EVFTA, sản phẩm tôm nhập khẩu vào thị trường này có mức thuế mà Ấn Độ, Thái Lan hay các nước khác không có lợi thế cạnh tranh.
Theo EVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12-20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm chế biến sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Trong khi đó, tôm Thái Lan không được hưởng GSP, không ký FTA, nên chịu mức thuế cơ bản 12%, Ấn Độ không có FTA nên chịu thuế GSP 4,2%, Indonesia hưởng thuế GSP 4,2%, Ecuador chịu thuế cơ bản 12%.
Hiệp định EVFTA đòn bầy cho xuất khẩu Việt.
Tại Mỹ, khách hàng đang quay sang mua tôm Việt Nam do các nguồn cung tôm lớn từ Ấn Độ, Ecuador và Thái Lan giảm mạnh. Nhu cầu nhập khẩu của Mỹ cũng giảm mạnh ở phân khúc dịch vụ thực phẩm do các nhà hàng phải đóng cửa theo yêu cầu của chính phủ.
Tuy nhiên, các hệ thống bán lẻ vẫn thu mua hàng bình thường nhằm đáp ứng nguồn hàng thiếu hụt trong bối cảnh người tiêu dùng Mỹ đổ xô tích trữ. Theo đó, VASEP khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Mỹ nên tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cũng như thay đổi quy cách đóng gói để phù hợp với phân khúc bán lẻ.
Theo VASEP, thời gian của vụ tôm nước lợ năm 2020 vẫn còn dài trong khi ngành tôm cho thấy nhiều dấu hiệu thuận lợi như nhu cầu tiêu thụ tôm thế giới vẫn có vì tôm là thực phẩm thiết yếu, việc kiểm soát dịch Covid ở Trung Quốc, Hàn Quốc có chiều hướng tốt hơn.
Nhận diện cơ hội cho ngành tôm Việt Nam, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản (VASEP), dẫn chứng các cơ hội: Trước tiên Chính phủ vừa qua kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 so với các quốc gia khác nên đã tạo cơ hội cho ngành tôm VN trong giai đoạn hiện thời và sắp tới. Nhất là niềm tin của đối tác nhập khẩu thủy sản VN rất quan tâm tôm từ VN. Kinh tế thời hậu dịch Covid-19 phục hồi nhanh hơn, dự báo ngành tôm sắp tới sẽ gia tăng thị phần.
Quý I/2020 xuất khẩu tôm 3 tháng đầu năm đạt 628,6 triệu USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Ngoài ra, do điều kiện thời tiết bất lợi, nhiều vùng nuôi tôm ở nước ta sụt giảm khoảng 30% diện tích so với kế hoạch. Giai đoạn cuối năm nếu bà con nuôi tôm thả đủ thì sản lượng cả năm vẫn sẽ cung cấp được nguyên liệu cho XK, đáp ứng nhu cầu tăng mạnh cuối năm.
“Mục tiêu XK tôm 2020 dự kiến 3,8 tỷ USD. Vào thời điểm tháng 3/2020 chúng tôi chỉ dám dự báo mức 3,5 tỷ USD. Nhưng nay có thể mạnh dạn đưa lên mục tiêu cao hơn là 3,8 tỷ USD sau khi xem xét các vấn đề thị trường, các vấn đề liên quan xung quanh. Năm nay con tôm là sản phẩm có chiều hướng gia tăng mạnh để bù dắp cho thiếu hụt bởi các sản phẩm khác”, Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho hay.
Minh Kiệt