TT lúa gạo Châu Á tuần qua (9-12/11): Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng mạnh TT gạo châu Á: Giá gạo Việt Nam tăng, Ấn Độ và Thái Lan giảm |
TT lúa gạo Châu Á tuần qua (16-22/11): Giá gạo Việt Nam ở mức cao |
Gạo 5% tấm của Việt Nam tuần này vững ở 495 – 500 USD/tấn, giữa bối cảnh xuất khẩu sang Philippines và Trung Quốc tăng, trong khi nguồn cung trong nước không còn nhiều vì vụ thu hoạch lúa Thu Đông sắp kết thúc (trong tháng này).
Tuy nhiên, nguồn tin Reuters cho biết, gạo nhập từ Campuchia đang bù đắp một phần cho tình trạng nguồn cung gạo nội đang khan hiếm.
Các nhà kinh doanh gạo Việt Nam nhận định, giá gạo xuất khẩu chắc chắn sẽ vẫn duy trì ở mức hiện tại cho đến cuối năm.
Còn ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định, từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ có nhiều tín hiệu tốt. Hiện thương nhân Indonesia đã có quota tấm nếp/tấm gạo cho năm 2021. Dự báo mức giá trong thời gian tới sẽ khá tốt. Nhu cầu thị trường lớn, do đó mặt hàng lúa gạo vẫn có lợi thế về giá.
“Chưa bao giờ chúng ta thấy rằng lúa tươi tại ruộng lên tới 6.000 đồng/kg. Khi lúa Thu Đông có giá tốt như vậy thì Đông Xuân chắc chắn bà con sẽ trồng nhiều hơn và chúng ta sẽ có nhiều lợi thế hơn”, ông Đỗ Hà Nam nói thêm.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên 475 – 485 USD/tấn, từ mức 470 – 480 USD/tấn cách đây một tuần.
Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan tuần này tăng lên mức cao kỷ lục trong vòng 2 tháng do lo ngại nguồn cung sẽ khan hiếm, mặc dù nhu cầu không cao. Trong khi đó, đồng rupee mạnh giữ giá gạo Ấn Độ ở mức thấp nhất trong vòng 8 tháng.
“Gạo vụ mới vẫn chưa có trên thị trường nên giá tăng”, Reuters dẫn lời một thương gia ở Bangkok cho biết.
Trong khi đó, gạo đồ 5% tấm xuất khẩu của Ấn Độ có giá vững ở 366 – 370 USD/tấn, thấp nhất kể từ cuối tháng 3/2020.
“Nhu cầu yếu vì khách hàng tạm dừng mua. Kể từ khi cước phí vận chuyển tăng lên, các nhà xuất khẩu không thể hạ giá bán được”, Reuters dẫn lời một nhà xuất khẩu ở bang Andhra Pradesh cho biết.
Đồng rupee Ấn Độ tăng giá cũng làm giảm lợi nhuận của các nhà xuất khẩu Ấn Độ, vì làm cho gạo tính ra USD đắt hơn.
Trong khi đó, cơ quan lương thực quốc gia Bangladesh đã mở thầu quốc tế để mua 50.000 tấn gạo trong tuần này, là đợt đấu thầu đầu tiên trong vòng 3 năm, giữa bối cảnh nguồn cung trong nước sụt giảm và giá tăng mạnh.
Tuy nhiên, các thương gia cho rằng việc Bangladesh mua gạo sẽ không giúp hạ nhiệt thị trường gạo của nước này. Được biết, giá gạo ở Bangladesh đã tăng khoảng 50% kể từ tháng 3 đến nay, do Covid-19 khiến người dân mua nhiều để tích trữ, trong khi mùa màng trong nước bị thất bát vì thiên tai.