Chiều 11/8 Bộ Công thương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhận định: Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo không chỉ kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông, lâm, thủy sản của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, mà thông qua tổ chức các hội nghị, hội thảo đã hình thành được những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Đáng chú ý, nhiều đặc sản vùng, miền như xoài Sơn La, sâm Ngọc Linh, bơ sáp Đắk Lắk, cá hồi Sapa, rượu sim Phú Quốc… đã mở được đường vào hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, Chương trình đã nghiên cứu xây dựng và phát triển hệ thống chính sách, cơ chế thương mại đặc thù với một số huyện đảo, xã đảo.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải
Chương trình xây dựng được Cơ sở dữ liệu sản phẩm-ngành hàng có lợi thế tại các địa phương và 35 bộ cẩm nang hồ sơ các mặt hàng có lợi thế cho 35 tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Đặc biệt, Chương trình đã đào tạo nguồn nhân lực cho hơn 4.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tiểu thương hoạt động kinh doanh tại thị trường miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; rà soát phát triển và quản lý chợ ở khu vực này từ đó nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách, các đề án kết nối, phát triển hạ tầng thương mại biên giới…
Bên cạnh đó, Chương trình đã xây dựng và duy trì chuyên trang thông tin về sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, xuất bản và phát hành ấn phẩm “Hàng hóa thương hiệu miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo Việt Nam” để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa đối với các mặt hàng là lợi thế của các địa phương.
Tổng kết chương trình phát triển kinh tế miền núi
Lãnh đạo Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng: Hạ tầng dịch vụ thương mại trong những năm gần đây được các địa phương quan tâm đầu tư nên đã có nhiều cải thiện, bước đầu hình thành hệ thống phân phối hàng hoá, như: các chợ đầu mối, chợ, cửa hàng bách hoá, cửa hiệu tạp hoá, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của đồng bào các dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Đặc biệt, trên địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa của nhiều địa phương, cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển đổi đáng kể theo hướng sản xuất hàng hóa. Hệ thống kết cấu hạ tầng bước đầu được quan tâm đầu tư xây dựng đã làm thay đổi diện mạo khu vực miền núi, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, để tạo điểm nhấn cho chương trình trong giai đoạn tới, lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ quan tâm, bố trí nguồn ngân sách để hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các chợ truyền thống ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, đặc biệt ở những vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo (gọi tắt là Chương trình) thực hiện trên phạm vi 62 huyện nghèo và 07 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định cho huyện nghèo; các huyện, xã miền núi, vùng sâu, vùng xa khác; các huyện đảo, xã đảo và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Thời gian thực hiện Chương trình từ năm 2015 đến hết năm 2020.
Mục tiêu chung của Chương trình nhằm xây dựng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nhằm rút ngắn khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo với các vùng miền khác; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Linh Anh