Sáp ong vang đang được thu mua gần 1 triệu đồng/kg để bán cho thương lái Trung Quốc. Ảnh: Hà Thủy |
Mọi năm vứt đi năm nay sáp ong vang giá tiền triệu
Khoảng một tháng nay, nhiều thương lái ở huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An) thu mua sáp ong vang (ong vàng) với giá cao 1 triệu đồng/kg. Người dân trên địa bàn rủ nhau tranh thủ săn tìm ong vang khi giá còn đắt hơn tôm tươi.
Ngày 3.8, thợ săn ong vang Nguyễn Văn Hiệp (ở bản Khe Sài 2, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) hồ hởi cho biết, khoảng một tháng trở lại đây, các thương lái ở huyện Tân Kỳ gọi điện thu mua sáp ong vang với giá cao bất ngờ.
“Mọi năm đi săn ong về, tôi bán nguyên tổ hoặc tách nhộng rồi vứt bỏ sáp ong. Năm nay, sáp ong còn đắt gấp nhiều lần nhộng ong vang” - anh Hiệp nói.
Anh Lục Văn Hòa thu mua sáp ong vang tại nhà, mỗi ngày cũng được vài kg. Ảnh: Hà Thủy |
Tuy nhiên, sáp ong vang rất nhẹ. Mỗi ngày đi săn ong về, khi đã tách nhộng xong, sáp ong cũng chỉ được vài lạng. Phải gom nhiều ngày mới được 1kg để gọi thương lái lên lấy.
Những thương lái thường đăng tin thu mua sáp ong vang trên các trang mạng xã hội. Chị Phạm Thị Nhung (SN 1993, ở xóm Nghĩa Sơn, xã Nhĩa Hợp, huyện Tân Kỳ) mỗi ngày đều chạy xe máy đi đến các bản làng trên địa bàn huyện để tìm mua sáp ong vang.
Chị Nhung cho biết, khoảng một tháng nay, vài người quen có nhờ tìm gom sáp ong vang để đem ra phía Bắc. Mỗi ngày đi tìm ở các bản làng gom về cũng được 5kg đến 7kg sáp ong, giá mua từ người dân 1 triệu đồng/kg, trước đây chưa đến 500 nghìn đồng/kg.
Thực hư Trung Quốc thu mua sáp ong vang về làm thuốc
Cũng theo chị Nhung cho biết, gần một tháng nay, chị đã gom được khoảng 50 kg sáp ong vang và vận chuyển đi phía Bắc tiêu thụ. Theo chị Nhung, sáp ong được đưa sang Trung Quốc để làm thuốc.
Tương tự chị Nhung, anh Lục Văn Hòa (SN 1970, ở bản Khe Thần, xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ) cũng thu mua sáp ong vang tại nhà.
Thời gian gần đây có người nhờ thu mua, gom hộ sáp ong vang. Anh cũng đã gom được hơn 30 kg sáp ong để vận chuyển đi ra phía Bắc. Giá thu mua sáp ong vang rất cao, lên tới tiền triệu/kg.
“Khu vực này nhiều đồi rừng nên người dân đi làm thường bắt được nhiều ong vang, thấy mình thu mua sáp nên họ đem ra bán cho mình” - anh Hòa nói.
Anh Hòa cho hay, sáp ong phải được phơi khô, tổ không được nát vụn. Đó là yêu cầu của người đến nhờ gom hộ, thế nên mỗi ngày cũng chỉ có vài kg đạt tiêu chuẩn để thu mua.
“Thực ra tôi cũng không biết người ta thu mua để làm gì, chỉ biết vận chuyển ra phía Bắc. Thấy giá cao mang lại thu nhập và người ta đến lấy hàng liên tục nên tôi cũng thu mua gom giúp để có thêm thu nhập” - anh Hòa cho biết thêm.
Mỗi thợ săn ong có thể kiếm từ 30 - 50 tổ ong vang mỗi ngày. Ảnh: Hà Thủy |
Theo các nhà nghiên cứu cho biết, để tạo ra 1kg sáp làm tổ, con ong mật phải dùng hơn 3kg mật cùng một lượng nhỏ phấn hoa. Vì vậy, sáp ong là loại thực phẩm chứa hàm lượng dinh dưỡng cao không thua gì mật ong.
Cụ thể, trong sáp ong mật chứa các chất dinh dưỡng như: axit béo, este, các chất caffeine, axit phenethyl ester (CAPE) và bioflavonoids. Flavonoids có đến 20 - 30 loại khác nhau, trong đó quan trọng nhất là chrysin, pinocembrin và galangin. Bên cạnh đó, sáp ong còn chứa các chất monosaccharide, cellulose, các axit amin, các nhóm vitamin B1, B2, pro-vitamin A, E, D, axit nicotinic, axit folic, các chất khoáng như canxi, magiê, sắt, đồng, kẽm.
Đã có nhiều người sử dụng sáp ong mật để chữa trị một số bệnh thông thường và làm đẹp. Việc Trung Quốc thu mua sáp ong vang dùng để làm thuốc thì chưa có thông tin cụ thể nhưng việc thương lái thu mua sáp ong vang đang mang lại thu nhập không nhỏ cho người dân ở các huyện miền núi Nghệ An. Tuy nhiên, việc khai thác ồ ạt sáp ong có nguy cơ tận diệt ảnh hưởng tới vụ ong vang năm sau./.