![]() |
Anh Đào Đặng Công Trung – người thợ "săn" rác dưới đáy biển. Ảnh NVCC |
Thợ "săn" rác không mỏi mệt
Đà Nẵng được mệnh danh là thành phố du lịch biển, thế nhưng tình trạng thải rác nhựa, vỏ lon, chai vẫn tiếp diễn hằng ngày, ảnh hưởng đến mỹ quan, sự phát triển của sinh vật biển và gây ô nhiễm môi trường.
Trong một lần đặt chân đến bán đảo Sơn Trà, vẻ đẹp ở nơi đây đã thu hút anh Đào Đặng Công Trung với không khí trong lành, cảnh quan hùng vĩ. Năm 2011, nhiều du khách gần xa lên bán đảo chơi mang theo đồ ăn, thức uống để thư giãn. Sau cuộc vui, họ đi về và bỏ quên chúng khiến lượng rác tăng nhiều hơn.
Chứng kiến lá phổi xanh của thành phố phải gồng mình gánh nhiều loại rác thải vây quanh, anh Trung quyết định đi nhặt rác trên bờ và lặn rác dưới đáy biển. Bận rộn công việc nhưng anh vẫn quyết tâm lên kế hoạch cho việc làm ý nghĩa này một cách thầm lặng, đưa rác từ rừng, từ biển về phố.
![]() ![]() |
Lượng rác thải nhựa trong các vách đá và dưới biển gây ô nhiễm môi trường. Ảnh NVCC |
Lịch trình được anh Trung đưa ra và sắp xếp cụ thể, vào mùa hè sẽ lặn và nhặt rác ở khu vực biển khi trời yên biển lặng, cá nhân anh cùng nhóm sẽ lên lịch vào các buổi sáng cuối tuần, riêng bản thân thì bốn ngày/tuần vào các sáng thứ hai, tư, sáu và chủ nhật.
Vào mùa mưa, nhặt và lặn rác trên rừng quanh bán đảo Sơn Trà và vùng phụ cận, buổi sáng bắt đầu từ 6 giờ đến 7 giờ 30 phút; buổi chiều từ 5 giờ 30 đến 6 giờ 30, dọn theo tuyến đường Sơn Trà chia ra 2 hướng Đông – Tây, vào ngày nghỉ hoặc có việc đột xuất thì dừng.
“Việc thu gom rác như là một sứ mệnh cho môi trường và nó cứ thôi thúc tôi khi thấy rác là phải nhặt. Nó thấm sâu trong tôi từ nhỏ bởi sự giáo dục từ gia đình và nhà trường, những chuyến du lịch ra nước ngoài cũng giúp tôi hiểu rõ hơn việc làm sạch môi trường biển quan trọng đến mức nào”, anh Trung chia sẻ.
![]() |
Cùng đồng hành và chung tay bảo vệ môi trường biển Việt Nam. Ảnh NVCC |
Sau mỗi chuyến đi, anh Trung thu gom được 10-30kg rác thải, từ vỏ lon, chai nhựa, hộp xốp, bao nilon,…. đem đến điểm tập kết. Những loại rác tái chế được, anh gửi lại cho các câu lạc bộ từ thiện bán để lấy quỹ giúp đỡ người khó khăn.
“Đôi khi sức khoẻ tôi không tốt, nhưng chỉ nghĩ đến lượng rác ở ngoài biển còn nhiều thì tôi lại có động lực để tiếp tục công việc này. Nhiều người bảo tôi dở hơi, lo bao đồng nhưng tôi mặc kệ, tôi muốn mọi thứ đều phải sạch sẽ, và quan trọng hơn là an toàn môi trường sống cho sinh vật dưới đáy biển”, anh Trung nói.
Những khó khăn thầm lặng
Trong quá trình làm công việc “đặc biệt” này, không ít lần anh Trung gặp nhiều khó khăn, nhưng với tình yêu biển cả, anh vẫn quyết tâm không từ bỏ lặn để lấy rác.
Anh Trung cho biết, điểm đặc biệt của việc lặn, không phải cứ biết bơi là sẽ nhặc được rác. Độ sâu của nước biển 10m, người lặn bắt buộc phải có kỹ năng nhuần nhuyễn, sức khoẻ tốt, chịu được áp lực nước. Tuỳ vào từng khu vực mà người lặn có thể lặn một hơi để nhặt 2-3 vỏ chai lọ, nếu cố gắng lượm từng cái mà không chú ý đến xung quanh thì dễ gây nguy hiểm cho bản thân, bởi rác dưới đáy biển không đứng yên như trên bờ, chúng trườn theo con nước.
![]() |
Cá sống cùng rác thải, điều đáng báo động hiện nay. Ảnh NVCC |
“Đôi khi tôi cố chấp đuổi theo chai nhựa, tận dụng từng chút thời gian để lấy vì mỗi lần xuống khó, dẫn đến tự đẩy mình vào tình huống nguy hiểm. Lặn lên mặt nước chưa được một mét thì tôi đã thấy mệt và đuối sức. Đây cũng là điều cảnh tỉnh cho những người mới tham gia lặn dễ vướng phải”, anh Trung kể.
Khó khăn nhất là vào mùa mưa, kết thúc việc nhặt rác để xuống núi thì trời đã tối đen, rất nguy hiểm. Có lần, anh Trung gặp tổ rắn lục ở hốc đá sâu, may mắn là anh tránh được. Tích luỹ kinh nghiệm dày dặn, anh chưa bị con nào cắn nhưng cơ thể bị trầy xước nhiều vì bị sóng đánh vào chân va vào đá ngầm dưới biển.
Để dọn dẹp sạch phải cần đến các phương tiện chuyên dụng và mất nhiều thời gian, công sức. Các loài hải sản cũng bị xâm hại cũng từ rác thải, con người khi ăn vào cũng gián tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ. Vớt tất cả rác dưới biển lên bờ, đó là một thử thách rất lớn đặt ra cho anh Trung và các thành viên trong nhóm.
Tình yêu biển được lan toả mạnh mẽ
Chia sẻ công việc chính hiện tại, anh Trung hiện đang là quản lý trải nghiệm của khách tại khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang và Giám đốc Công ty TNHH thương mại và du lịch Mân Thái. Dù rất bận nhưng anh vẫn lên kế hoạch riêng để hoàn thành việc đưa rác về phố.
Sinh ra và lớn lên tại xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) nhưng anh Trung dừng chân tại Đà Nẵng để sinh sống và làm việc từ năm 2011. Tốt nghiệp chuyên ngành Bơi lội của Trường ĐH Thể dục Thể thao Đà Nẵng, anh có chuyên môn và kỹ năng thành thạo bơi, lặn.
Trước dịch Covid, anh Trung tổ chức dạy học bơi miễn phí cho các em khiếm thị, khiếm thính. Tiếng lành vang xa, lớp học của anh ngày càng nhiều người biết đến, anh tổ chức dạy thêm lớp lặn tự do để hướng dẫn và đào tạo cho những người yêu môi trường biển. Vì tình hình dịch kéo dài, lớp của anh phải tạm ngưng hoạt động.
![]() |
Sau khi lặn, anh Trung cùng các thành viên trong nhóm phân loại rác thải. Ảnh NVCC |
Đồng hành cùng anh Đào Đặng Công Trung trong hoạt động ý nghĩa này có các doanh nghiệp, cơ quan đoàn thể, các nhóm bạn trẻ trong mọi độ tuổi ở Đà Nẵng thường xuyên thu gom rác quanh bán đảo Sơn Trà và các bãi biển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Phong trào được phát triển mạnh mẽ, ý thức của mỗi người dân cũng được nâng cao hợn.
Về dưới nước, có Team Câu lạc bộ quận Thanh Khê tầm 25 người, team Danang Free Diving tầm 35 người, mang trong mình đam mê và sở thích, đó là yêu thiên nhiên, yêu môi trường biển. Đặc biệt đều là những người có kỹ năng bơi lặn và xử lý tình huống dưới nước an toàn và trôi chảy.
Việc làm đầy “sự tử tế” của anh và nhóm bạn trẻ đã chạm đến trái tim, sự nhận thức của nhiều người, ở mọi nơi trong và ngoài nước. Trải dài các tỉnh thành đất nước hình chữ S, sự lan toả và kết nối của anh Trung đã thành lập được nhiều nhóm lặn nhặt rác, bảo vệ môi trường biển. Anh Trung đã chia sẻ kiến thức, kỹ năng tích luỹ của mình đến mọi người một cách chân thật, nhiệt tình, bằng cả tình yêu biển.
![]() |
Một lượng rác thải khổng được anh Trung vớt lên. Ảnh NVCC |
Theo chân anh Trung gần 2 năm, em Nguyễn Hải Đăng (15 tuổi) đều đặn lặn nhặt rác dưới biển. Được sự đồng ý của ba mẹ, em sẵn sàng tham gia nhóm để bảo vệ môi trường biển được trong sạch.
“Em chỉ muốn đóng góp một chút công sức của mình để mọi thứ hoàn thiện hơn. Em cũng mong là việc làm của anh Trung và những anh chị trong nhóm sẽ lan toả thật nhiều nơi để cùng chung tay bảo vệ biển”, em Đăng vừa phân loại rác, vừa nói.
Được nhiều người chia sẻ rộng rãi hoạt động đầy tính nhân văn, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA - một tổ chức phi chính phủ đã liên hệ đến anh Trung và có mong muốn hỗ trợ cho anh chiếc tàu vớt rác dưới đáy biển. Đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA đã trao đổi, lắng nghe những dự án của anh Trung về việc bảo vệ môi trường biển trong tương lai. Các dự án của anh Trung được JICA được đánh giá rất cao.
![]() |
Đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA đến để trao đổi, lắng nghe những dự án của anh Trung trong việc bảo vệ môi trường biển. Ảnh NVCC |
“Mang trong mình sứ mệnh là đại sứ môi trường, tôi muốn lan toả cho cộng đồng thấy được sự thay đổi của môi trường khi mỗi người chung tay bỏ rác đúng nơi quy định. Đây là việc làm đầy tính nhân văn, tuyên truyền đến người dân có ý thức bảo vệ môi trường. Khi nào còn sức lặn, lúc đó tôi vẫn làm. Chỉ hy vọng số lượng rác ngày càng giảm để tôi sớm thất nghiệp công việc bất đắc dĩ này”, anh Trung tâm sự thêm.